Hà Nội hoàn thành giai đoạn 2 Đề án 30: Bảo đảm tiến độ, vượt chỉ tiêu đơn giản hóa
Đời sống - Ngày đăng : 06:51, 06/04/2010
Tổ công tác thực hiện Đề án 30 của TP rà soát kết quả đơn giản hóa TTHC của các đơn vị. Ảnh: Linh Tâm |
Triển khai bài bản
Giai đoạn 2 của Đề án 30 TP Hà Nội phải tiến hành rà soát 1.816 TTHC; 1.867 mẫu đơn, tờ khai; 586 yêu cầu, điều kiện đang được thực hiện tại 3 cấp. Kết quả rà soát, đơn giản hóa phải bảo đảm chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: đơn giản hóa ít nhất 30% TTHC. Trong khi đó, Hà Nội mở rộng có tới 29 đơn vị cấp huyện với 577 đơn vị cấp xã; hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, có nhiều nội dung văn bản điều chỉnh một thủ tục hoặc có thủ tục được điều chỉnh bởi nhiều văn bản chung chung mà chưa được cấp có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện (đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đầu tư, tài nguyên, môi trường, xây dựng, đô thị…) đã gây khó khăn cho việc rà soát đơn giản TTHC. Hệ thống CNTT cũng chưa đồng bộ giữa các sở, ngành, đơn vị nên không thuận tiện cho cán bộ khai thác dữ liệu…
Trước thực tế đó, cả hệ thống chính trị của TP đã vào cuộc với quyết tâm cao, thực hiện bài bản, chặt chẽ và xuyên suốt. UBND TP đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các quận, huyện, sở, ngành thực hiện các nội dung của Đề án… Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của TP, TCT 30 đã xây dựng và ban hành một hệ thống các chương trình, kế hoạch chỉ đạo thực hiện cụ thể. Ngay khi các đơn vị bắt tay vào giai đoạn rà soát, TCT 30 (gồm 8 thành viên được tập hợp từ UBND TP, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức tập huấn, tiếp đó, chia thành các nhóm đến làm việc với từng đơn vị để kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh theo đúng quy định. Đặc biệt, trong tháng 3-2010, TP Hà Nội đã yêu cầu mỗi đơn vị cử 2 cán bộ có năng lực, có kinh nghiệm đến làm việc tập trung tại TCT 30, cùng các thành viên TCT 30 hoàn chỉnh phương án đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi chức năng của ngành, địa phương mình. Cũng trong thời gian này, TCT 30 tổ chức 33 buổi hội thảo chuyên môn về phương án đơn giản hóa TTHC thuộc các lĩnh vực trên địa bàn TP Hà Nội. Để bảo đảm tính khách quan, TCT 30 cũng đã hợp đồng với 4 chuyên gia của Viện Kinh tế xã hội TP tham gia rà soát độc lập và có ý kiến phản biện với các sở, ngành. Sau mỗi cuộc hội thảo, các đơn vị lại tiếp tục rà soát, hoàn thiện lại phương án đơn giản hóa TTHC.
Không ngại đấu tranh
Theo ông Phùng Văn Thiệp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Tổ phó Thường trực TCT 30: "Một cách làm có giá trị trong giai đoạn này của TP Hà Nội là TCT 30 đã thường xuyên kiểm tra, tháo gỡ khó khăn ngay từ cơ sở và tổ chức các buổi hội thảo. Qua đó, có những cuộc thảo luận, tranh luận, đấu tranh để đi đến kết quả đơn giản TTHC hợp lý nhất, phát huy được sức mạnh, trí tuệ tập thể". Việc thực hiện rà soát TTHC đòi hỏi cán bộ phải nắm chắc các văn bản hiện hành, chỉ ra sự bất hợp lý (nếu có), lường trước được những đề xuất, kiến nghị của mình với một thủ tục cụ thể có hợp lý không, dễ thực hiện không… Kinh nghiệm của những đơn vị có kết quả rà soát chất lượng đều cho rằng, quá trình thực hiện phải không né tránh, không ngại "va chạm" với một số cán bộ còn mang tư duy cũ hoặc tính đến lợi ích cá nhân.
Khi kiểm tra tại các đơn vị, thành viên TCT 30 thẳng thắn yêu cầu lãnh đạo đơn vị chủ động vào cuộc; chỉ ra những lỗi sai và kiên quyết yêu cầu làm lại… Do vậy, không ít đơn vị lúc đầu còn lơ là nhưng sau đó đã nhận thức đúng đắn và có chuyển biến rõ rệt. Đặc biệt, sau mỗi lần TCT 30 kiểm tra, chỉ ra những lỗi sai và yêu cầu tiếp tục đơn giản hóa, tỷ lệ đơn giản hóa của các đơn vị lại tăng lên (Sở GTVT lúc đầu kiến nghị đơn giản 30,3%, sau tăng lên 43,3%; Sở Ngoại vụ từ 30% tăng lên 40%...). Đánh giá về kết quả giai đoạn 2 Đề án 30 của TP, ông Phùng Văn Thiệp cho biết: Các đơn vị đều tìm thấy được những điểm bất hợp lý, sự rườm rà trong nhiều TTHC. Đơn vị nào cũng có tỷ lệ đơn giản vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ yêu cầu. Tuy nhiên, ở một số đơn vị, lãnh đạo còn thiếu sự tập trung, chưa thể hiện quyết tâm cao về chính trị trong việc đơn giản hóa TTHC; chưa nhận thức sâu, đúng mức về tầm quan trọng của giai đoạn này. Ông Thiệp cũng khẳng định, dù TP đã hoàn thành khá tốt giai đoạn này, nhưng đây mới là kết quả bước đầu, việc rà soát cần được tiến hành thường xuyên và để duy trì lâu dài kết quả cải cách TTHC đòi hỏi lãnh đạo mỗi đơn vị phải không ngừng quan tâm, chỉ đạo sát sao bằng quyết tâm chính trị và tinh thần trách nhiệm cao. Có như vậy, TP Hà Nội mới tạo được bước chuyển mới trong cải cách TTHC nói riêng và cải cách hành chính nói chung.
- TP Hà Nội đã hoàn thành giai đoạn 2 của Đề án 30 với tổng số 1.816 TTHC được rà soát; kiến nghị giữ nguyên 524 TTHC; hủy bỏ 146 TTHC; sửa đổi, bổ sung 1.101 TTHC; thay thế 45 TTHC (tỷ lệ đơn giản hóa đạt 71,2%). - Các sở, ngành có tỷ lệ đơn giản hóa TTHC đạt từ 80% trở lên là: Thanh tra TP; Sở Tư pháp; Sở Quy hoạch - Kiến trúc; Sở VH,TT&DL. - Đơn vị cấp huyện, cấp xã làm điểm có tỷ lệ đơn giản hóa TTHC cao nhất là quận Ba Đình (96%); phường Kim Mã (100%). |