Vì một dòng chảy bền vững
Thế giới - Ngày đăng : 06:37, 06/04/2010
Đồng bằng châu thổ sông Mê Công tại khu vực Nam bộ của Việt Nam. |
Sự tham gia của đại diện Trung Quốc và Mianma với tư cách nước đối thoại cùng đông đảo các học giả, tổ chức phi chính phủ tại hội nghị cho thấy vấn đề phát triển bền vững tại lưu vực sông Mê Công đã và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng khu vực và quốc tế. Hội nghị trên diễn ra trong bối cảnh mực nước sông Mê Công vừa xuống mức thấp nhất trong vòng 50 năm qua, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân trong khu vực. Do vậy, việc chia sẻ nguồn nước, sử dụng, khai thác và bảo vệ tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái, sinh kế và truyền thống văn hóa của các cộng đồng dân cư đang cùng "nương náu" vào dòng sông lớn nhất Đông Nam Á là chủ đề chính được bàn thảo tại hội nghị.
Nhìn nhận những tác động khách quan và chủ quan tới dòng Mê Công đang kiệt nước, các đại biểu cho rằng nguyên nhân không chỉ do tình trạng biến đổi khí hậu, mà còn từ việc sử dụng tài nguyên nước vì lợi ích cục bộ và cả sự tàn phá của con người. Hội nghị cũng không né tránh một thực tế rõ ràng là các nước liên quan chưa có sự hợp tác đầy đủ nhằm tìm ra giải pháp cân bằng cho dòng sông này.
Trên tinh thần đó, việc Trung Quốc lần đầu tiên cung cấp tư liệu thủy văn trong mùa khô để các nước trong lưu vực có thêm cơ sở đánh giá hiện trạng dòng chảy của sông Mê Công, cùng tuyên bố của đại diện Trung Quốc về việc sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước ở hạ lưu sông Mê Công để giải quyết thảm họa hạn hán hiện nay được xem là một động thái tích cực, góp phần cải thiện sự hợp tác theo hướng thực chất và hiệu quả hơn giữa các nước ở hạ lưu dòng sông này với Trung Quốc, quốc gia ở thượng nguồn con sông.
Với tinh thần trách nhiệm và mong muốn hợp tác, Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã mang tới hội nghị những ý kiến thiết thực. Thủ tướng đề cập tới thực trạng lưu vực sông Mê Công đang đứng trước nhiều thách thức khi sự phát triển năng động, nhanh chóng ở khu vực này đang gia tăng sức ép đối với các nguồn tài nguyên, trong đó có tài nguyên nước. Cùng với đó là những tác động bất lợi khó lường của biến đổi khí hậu và hiểm họa ô nhiễm môi trường. Vì vậy, Thủ tướng cho rằng tầm nhìn và những định hướng ưu tiên đã đề ra trong Tuyên bố chung là thành quả rất có ý nghĩa của hội nghị. Trong đó, nhận diện các cơ hội và thách thức cũng như xác định ưu tiên hành động nhằm thúc đẩy hợp tác để giải quyết những vấn đề cấp bách đang đặt ra vì sự phát triển bền vững của người dân ở đôi bờ dòng sông này.
Bắt nguồn từ Trung Quốc và chảy qua 5 nước Đông Nam Á, sông Mê Công là nguồn sống của hơn 60 triệu người với những nét văn hóa truyền thống đặc trưng. Với Việt Nam, dòng sông là khởi nguồn phì nhiêu của Đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn, nơi sản xuất lúa gạo và nhiều loại nông sản, thủy sản chính, góp phần bảo đảm an ninh lương thực của Việt Nam cùng nhiều nước trong và ngoài khu vực.
Tuy nhiên, Việt Nam thật sự đang phải hứng chịu những tác động bất lợi của dòng sông khi mùa khô này, Đồng sông sông Cửu Long đang chứng kiến tác động kép của hạn hán cùng với sự xâm nhập mặn nặng nề và gay gắt nhất từ trước đến nay. Do đó, hợp tác Mê Công càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, đồng thời là cơ chế hiệu quả nhằm chung sức hành động vì sông Mê Công: Con sông không chỉ là dòng chảy kết nối các nền văn hóa, tình đoàn kết và hữu nghị giữa các dân tộc mà còn là dòng sông của hợp tác, phát triển và hội nhập. Để thực hiện các mục tiêu này, vấn đề sông Mê Công sẽ chưa thể được giải quyết trong một sớm một chiều. Các nước liên quan sẽ cùng nhau nỗ lực vì sự sống còn của dòng sông theo hướng hòa bình trên tinh thần quốc tế với những phân tích khoa học. Đây cũng là hy vọng trong tương lai để cứu dòng chảy đã và đang chuyên chở nguồn cảm hứng cũng như tài nguyên nuôi sống cộng đồng mang tên sông Mê Công.