Công nghiệp phụ trợ: Loay hoay tìm hướng đi
Kinh tế - Ngày đăng : 07:24, 05/04/2010
Do vậy, phát triển công nghiệp phụ trợ (CNPT) sẽ giúp các ngành sản xuất trong nước tạo ra giá trị gia tăng lớn và giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu ngoại nhập.
Tỷ lệ nội địa hóa còn thấp
Có lẽ câu chuyện thất bại chiến lược nội địa hóa của ngành CN ô tô Việt Nam là minh chứng rõ nhất cho thấy ngành CNPT nước ta phát triển không như mong muốn. Sau hơn 10 năm hoạt động, tỷ lệ nội địa hóa của ngành ô tô rất thấp, cao nhất là Honda Việt Nam cũng chỉ đạt 10%, kế tiếp là Toyota Việt Nam (7%). Các công ty ô tô còn lại chỉ đạt 2-4%. Ngoài ra, hai ngành dệt may và da giày cũng không sáng sủa hơn, bởi vẫn phải phụ thuộc lớn vào việc NK nguyên phụ liệu nước ngoài. Trong đó, ngành dệt may NK tới 80% nhu cầu về sợi polyeste, ngành giày da NK khoảng 85% hóa chất và các phụ liệu khác.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Xích líp Đông Anh. Ảnh: Trung Kiên |
Theo các chuyên gia, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào việc NK hầu hết nguyên vật liệu, phụ tùng, sản xuất các sản phẩm cần nhiều lao động. Các sản phẩm chất lượng cao đều do các công ty nước ngoài đảm nhiệm, trong khi các sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) trong nước chỉ cung cấp cho thị trường tiêu dùng nội địa. Nguyên nhân là các DN trong nước chưa đủ tự tin để thực hiện những yêu cầu về tính năng nâng cao, chất lượng, giá thành, thời gian giao hàng, dịch vụ, tốc độ… Trước thực trạng trên, các chuyên gia cảnh báo, CNPT của nước ta chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của các công ty nước ngoài đang sản xuất tại Việt Nam. Thất bại của ngành CNPT Việt Nam có thể dẫn tới hậu quả là đến năm 2018, khi toàn khối ASEAN thực hiện chính sách miễn thuế (theo Hiệp định về thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung để xây dựng Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN), phía các nhà sản xuất ô tô nước ngoài đang liên doanh sản xuất tại Việt Nam sẽ chọn phương án NK và bán xe nguyên chiếc thay vì NK từng phần và sản xuất trong nước, vì NK từng phần sẽ làm cho chi phí cao hơn...
Giải pháp nào?
Với vai trò hỗ trợ cho việc sản xuất các thành phẩm chính, thường được sản xuất với quy mô nhỏ, nên các DN nhỏ và vừa có nhiều "đất" để tham gia ngành CNPT. Cả nước hiện có 450.000 DN, trong đó DN nhỏ và vừa chiếm 90%, đóng góp hơn 40% GDP. Được biết, hiện nay các DN nhỏ và vừa có những hạn chế nhất định. Đó là, quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, khả năng quản trị yếu, khó tiếp cận vốn, tính liên kết với các DN lớn kém... Vì vậy, chúng ta cần có chính sách đầu tư phát triển các DN vừa và nhỏ thông qua phát triển CNPT theo hướng tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ tài chính, tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo Quy hoạch phát triển CNPT đến năm 2010, tầm nhìn 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, phát triển loại hình CN này được tập trung vào 5 nhóm ngành cơ bản là điện tử - tin học; dệt may; da giày; sản xuất và lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo. Trong đó, với ngành điện tử tin học, việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao được coi là trọng tâm, tạo tiền đề thu hút đầu tư từ các đối tác chiến lược như Nhật Bản, Mỹ. Với CNPT ngành dệt may, sẽ hình thành 3 trung tâm nguyên phụ liệu dệt may ở cả 3 miền. Đến năm 2015, các sản phẩm xơ, sợi tổng hợp đáp ứng 50%, đến năm 2020 đáp ứng 80% nhu cầu sản xuất trong nước và XK sau năm 2020... Về CNPT phát triển ngành da-giày, quy hoạch xác định, sau năm 2010 phấn đấu đáp ứng được 40% nguyên liệu trong nước trên cơ sở phát triển vùng nguyên liệu. CNPT cho sản xuất và lắp ráp ô tô, trước mắt Việt Nam sẽ tập trung lắp ráp các sản phẩm chính là xe tải, taxi vận chuyển hành khách nhiều chỗ ngồi, nội địa hóa các chi tiết chức năng của hệ động lực, động cơ... Giai đoạn 2010-2020 sẽ XK một số sản phẩm CNPT ô tô, tỷ lệ nội địa hóa 60%. Còn với CNPT phát triển ngành cơ khí, quy hoạch phát triển cũng xác định đến năm 2010, ngành CNPT cơ khí chế tạo phải đáp ứng được 50% nhu cầu nội địa về phôi đúc, rèn và chi tiết quy chuẩn; đến 2020 đạt khoảng 75% với chất lượng đạt tương đương khu vực...
Để thúc đẩy quá trình này, trước mắt cần tập trung vào 3 nhóm giải pháp là tạo dựng môi trường đầu tư; khuyến khích các DN phát triển sản xuất, kinh doanh; phát triển hạ tầng cơ sở và liên kết DN. Trước mắt cần thu hút các DN nước ngoài đầu tư, sau đó sẽ chuyển giao kỹ thuật cho các DN Việt Nam. Với những chi tiết dễ chế tạo, các DN Việt Nam có đủ khả năng đảm nhận được ngay. Điều này rất quan trọng, bởi việc hỗ trợ cho các DN Việt Nam phát triển trình độ kỹ thuật, sẵn sàng đón nhận chuyển giao kỹ thuật, sản xuất từ các DN có vốn nước ngoài là rất cần thiết. Đồng thời, cần quy định rõ các chính sách ưu đãi đầu tư; xây dựng khu CN dành riêng cho CNPT. Với các DN trong nước cần đối xử bình đẳng nhằm thúc đẩy chuyển đổi cơ chế sản xuất của các DN...