Vừa thông xe đã tắc nghiêm trọng
Đời sống - Ngày đăng : 06:47, 05/04/2010
Nút giao thông Thanh Xuân vẫn tắc nghẽn. |
Trong lễ thông xe được tổ chức vào ngày 9-2, đại diện Ban QLDA Thăng Long (chủ đầu tư dự án) đã rất kỳ vọng rằng, thông xe nút Thanh Xuân sẽ giúp cho đường Vành đai 3 từ Mai Dịch (quận Cầu Giấy) đến Linh Đàm (quận Hoàng Mai) được thông toàn tuyến, phương tiện đi theo hướng ra Pháp Vân được thuận tiện hơn. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng rất tin tưởng việc này sẽ nhanh chóng phát huy hiệu quả, góp phần tích cực giải tỏa ách tắc giao thông cho khu vực. Cánh tài xế thì mừng bởi từ nay, quãng đường từ Cầu Giấy sang Hoàng Mai cứ là thẳng tắp, không còn phải rẽ ngang, rẽ dọc từ đường Khuất Duy Tiến sang Lương Thế Vinh, ra Nguyễn Trãi, ngược xuống Hà Đông rồi mới theo đường Phan Trọng Tuệ hoặc Linh Đàm ra Pháp Vân như trước nữa, vừa tiết kiệm thời gian, lại đỡ hao xăng dầu…
Thế nhưng, trái hẳn với mong đợi, chỉ ít ngày sau, khu vực này đã bị ùn tắc nghiêm trọng, nhiều lúc trở nên hỗn loạn. Anh Phạm Minh Hương (phường Mộ Lao, quận Hà Đông) bức xúc: Không hiểu chủ đầu tư và các cơ quan tính toán kiểu gì mà nút giao thông vừa thông xong đã tắc. Gần 2 tháng qua, tình trạng ùn tắc vẫn như vậy mà không hề có phương án gì để xử lý. Ngày nào tôi cũng phải đi qua đây. Vào các giờ cao điểm, hôm nào cũng mất ít nhất 15-20 phút mới thoát được nút này.
Theo quan sát của chúng tôi, nguyên nhân chủ yếu gây tắc đường là đảo giao thông tròn ở trung tâm nút quá rộng, hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông lại chưa có. Mỗi khi ùn tắc, các xe tải, xe con đi từ phía đường Khuất Duy Tiến sang chiếm hết phần đường nên rất nhiều xe máy đã vượt dải phân cách đi ngược chiều cắt ngang qua vòng xuyến tại nút Thanh Xuân để đi sang đường Khuất Duy Tiến khiến cho giao thông tại nút đã rối càng thêm rối. Trong khi đó, lực lượng CSGT, Thanh tra GTVT làm công tác hướng dẫn phân luồng tại nút quá mỏng càng khiến cho ùn tắc thêm trầm trọng.
Một số người dân sống gần nút Thanh Xuân cho biết thêm, về đêm, khu vực này lại càng nguy hiểm hơn khi vòng xuyến chưa có hệ thống phản quang để cảnh báo cho các phương tiện. Hệ thống đèn chiếu sáng tại đây cũng chưa có nên rất nguy hiểm cho người đi đường.
Liên quan đến việc chưa có phương án tổ chức phân luồng giao thông, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội giải thích là dự án chưa hoàn thành nên chưa bàn giao về cho thành phố quản lý. Mà chưa bàn giao thì đương nhiên việc lắp đặt hệ thống biển báo, sơn kẻ đường… chưa thể triển khai được.
Theo Trung tá Nguyễn Dương Tiên, Đội trưởng Đội CSGT số 7, theo kế hoạch, phải tới tháng 8-2010, dự án này mới được chủ đầu tư chính thức hoàn thành. Từ khi thông xe đến nay, nhằm góp phần hạn chế ùn tắc, hằng ngày vào giờ cao điểm, Đội CSGT số 7 cắm chốt từ 4 đến 6 cán bộ, chiến sĩ tại các góc đường và chỉ huy giao thông bằng cách ra hiệu lệnh. Vừa qua, phía CSGT đã kiến nghị với chủ đầu tư nên làm đảo giao thông bằng loại sắt phản quang, không thể gắn chết bằng bê tông như hiện nay sẽ gây khó khăn cho người tham gia giao thông trong việc nhận biết chướng ngại vật về đêm.
Các chuyên gia giao thông cho rằng, không phải nơi nào cũng áp dụng đảo tròn cỡ lớn. Trong trường hợp phải tổ chức đảo tròn thì độ lớn, nhỏ của đảo cần được tính toán cho phù hợp. Cụ thể như nút Thanh Xuân, có lưu lượng người và phương tiện lưu thông lớn, nếu để đảo rộng quá, diện tích đường sẽ bị thu hẹp. Đường nhỏ, ý thức người tham gia giao thông lại chưa cao, đèn tín hiệu giao thông chưa có thì tất sẽ ùn tắc.
Tới tháng 8-2010, dự án mới chính thức hoàn thành. Nếu chủ đầu tư và cơ quan chức năng không có các biện pháp khắc phục trong việc tổ chức giao thông thì nút Thanh Xuân không những không phát huy hiệu quả mà còn trở thành một "điểm đen" giao thông mới.