Phạt nặng chưa đủ

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:35, 05/04/2010

(HNM) - Chính phủ vừa thông qua việc áp dụng thí điểm xử phạt vi phạm giao thông tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với mức chế tài cao hơn gấp nhiều lần. Dẫu biết đây là giải pháp tình thế, làm thí điểm nhưng đã nhận được sự quan tâm của hầu hết người dân.

Lẽ ra việc này đã phải thực hiện từ lâu, rất lâu rồi. Bởi lẽ người ta đã "quá nản" với căn bệnh kinh niên của phố phường đô hội. Những hành động vi phạm Luật Giao thông như không chấp hành tín hiệu, đi lấn làn đường đã trở thành "chuyện thường ngày...". Dân thì bực bội và cơ quan quản lý đau đầu, đến mức nảy ra những ý tưởng chẳng giống ai kiểu "ngày lẻ đi biển lẻ, ngày chẵn đi biển chẵn".... Nhưng rồi người ta đành tặc lưỡi cho qua, "biết rồi, khổ lắm"...

Với người Hà Nội đã vậy, còn người nước ngoài thì sao?

GS Seymour Papert thuộc Viện Công nghệ Massachusetts của Mỹ miêu tả "Giao thông ở Hà Nội cũng tương tự một đám đông tự kiểm soát. Ít đèn giao thông, mà thậm chí nếu có người ta cũng "phớt lờ". Sự phân cách giữa các làn đường chỉ là hình thức bằng các đường kẻ vạch trên đường, còn các phương tiện đi lại không hề theo làn đường quy định... Sở dĩ tình trạng này có thể tồn tại là do có sự chấp nhận của đám đông. Những người mới đến Hà Nội thường loay hoay không biết làm thế nào để có thể qua đường, và được bày cho một cách duy nhất là cứ từ từ hòa vào dòng người. Sẽ có đủ chỗ!".

Rất nhiều người Hà Nội cảm thấy chạnh lòng khi nghe lời nhận xét ấy. Nhưng đấy lại là sự thật - một sự thật đau lòng. Và cũng vì thế, việc "đánh" vào kinh tế là một giải pháp buộc người tham gia giao thông chấp hành luật pháp, sớm nhận được sự đồng thuận, chia sẻ của những người yêu Hà Nội.

Thế nhưng, phạt nặng chưa đủ bởi giao thông là hoạt động mang tính xã hội cao. Nói như ai đó, mỗi con người có thể ăn bằng một cái bát riêng, ở một ngôi nhà riêng nhưng con đường lại không phải của riêng ai. Vì vậy, phạt chỉ là một giải pháp mà thôi. Điều quan trọng là đã dạy người ta "ăn trông nồi" thì cũng phải làm sao để họ biết "đi đúng đường". Đúng hơn, phải làm sao để văn hóa giao thông chảy trong mỗi con người. Đáng tiếc điều đó lâu nay chưa được quan tâm đúng mức.

Một vấn đề nữa, vấn đề căn bản nhất, là cơ sở hạ tầng giao thông đô thị của cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều đã quá tải, những con đường nhỏ hẹp không thể mãi oằn lưng gánh chịu sức nặng của sự bùng nổ dân số đô thị. Do vậy, để giải quyết những vấn đề hết sức đặc thù của một thành phố lớn, bên cạnh sự phối hợp giúp đỡ của trung ương để xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh rất cần có những cơ chế đặc thù để có thể huy động mọi nguồn lực cho phát triển hạ tầng, di dời nhà máy, trường đại học, bệnh viện... giảm tải cho khu vực nội đô.

Và còn nhiều, rất nhiều vấn đề khác, nhỏ có, lớn có như những câu chuyện dài kỳ... Nhưng ngay bây giờ, nếu không bắt tay vào việc, dù chỉ là việc làm nhỏ nhất, thì chẳng bao giờ giải được bài toán giao thông.

Thế Phương