Trên biển Đông: Có một con đường gốm sứ

Văn hóa - Ngày đăng : 05:08, 04/04/2010

(HNM) - Đồ gốm sứ trên các con tàu đắm cổ phát hiện được trong vùng biển Việt Nam hơn 10 năm qua đã chứng tỏ một tiềm năng to lớn cho việc nghiên cứu Con đường gốm sứ trên biển Đông.

Chúng tôi có cuộc trò chuyện với TS khảo cổ học Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, người đã trực tiếp tham gia khai quật và nghiên cứu đồ gốm sứ trên các con tàu đắm ở vùng biển Việt Nam những năm vừa qua.

Cổ vật được tìm thấy trong tàu cổ tại Cù Lao Chàm.

- Thưa TS Nguyễn Đình Chiến, trước thời gian phát hiện những con tàu đắm cổ ở Việt Nam (1990-2002), bức tranh xuất khẩu gốm Việt Nam đã được các nhà nghiên cứu nước ngoài phát hiện và đánh giá như thế nào?

- Bức tranh xuất khẩu gốm Việt Nam đã được phác họa nhờ những phát hiện mới trong vùng hải đảo Đông Nam Á và Đông Á. Nhưng đáng chú ý hơn là đồ gốm phát hiện từ tàu cổ Rang Kwian ở tỉnh Chonburi, phía Đông nam vịnh Thái Lan, năm 1976. Trong đó người ta đã phát hiện nhiều đồ gốm hoa lam Việt Nam thuộc loại hình bát, đĩa, chén, âu vẽ xanh cobalt đề tài cành hoa lá cúc và vân mây hình khánh tương tự trên đồ gốm phát hiện ở Dazaifu (Nhật Bản). Cùng với đồ gốm Việt Nam, còn có nhiều đồ gốm men ngọc lò Long Tuyền (Trung Quốc) và đồ gốm Thái Lan, thế kỷ XIII. Trong tàu Turiang (Malaixia) cũng tìm thấy những đồ gốm hoa lam có loại hình và trang trí tương tự đồ gốm Việt Nam trong tàu Rang Kwian, đặc biệt là loại bát hoa lam vẽ cành hoa lá cúc, niên đại 1305-1370. Phát hiện tàu cổ Pandanan ở vùng biển Tây Nam Philíppin tháng 6-1993 và việc khai quật con tàu này trong khoảng tháng 2 đến tháng 5-1995, đã mang lại nhiều kết quả lý thú về đồ gốm Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan, thế kỷ XV. Trong đó, theo thống kê số lượng đồ gốm Việt Nam có 4.722 chiếc, chiếm 75,6%. Gốm Việt Nam được sản xuất ở Gò Sành, Trường Cửu (Bình Định) và ở phía Bắc Việt Nam (Thăng Long và Hải Dương).

- Trong 5 con tàu cổ được khai quật ở vùng biển Việt Nam, thì dấu ấn của việc xuất khẩu gốm sứ Việt Nam được thể hiện rõ rệt nhất ở con tàu nào, thưa TS?

- Từ những năm 70 của thế kỷ XX, chúng ta đã biết đến những đồ gốm sứ Việt Nam qua các phát hiện tàu cổ bị chìm ở vùng biển Đông Nam Á. Những đồ gốm sứ Việt Nam thường được tìm thấy cùng đồ gốm sứ Trung Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, chúng ta chưa thấy có một con tàu nào chỉ chuyên chở riêng đồ gốm sứ Việt Nam. Trong khi đó, nhiều bảo tàng trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á công bố những sưu tập gốm sứ Việt Nam xuất khẩu có chất lượng cao. Điều đó chứng minh rằng đã có nhiều đồ gốm Việt Nam được xuất khẩu ra khu vực này từ những thế kỷ trước. Mãi cho tới năm 1997, việc phát hiện và khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm (Quảng Nam) mới cho phép khẳng định dấu ấn thời kỳ đồ gốm sứ Việt Nam xuất khẩu thịnh vượng nhất. Số lượng cổ vật thu được trong con tàu trên 240.000 chiếc, chủ yếu là đồ gốm sản xuất tại Chu Đậu (Hải Dương) và Thăng Long (Hà Nội). Chúng tôi cho rằng, hiện vật gốm sứ trong tàu cổ Cù Lao Chàm đã phản ánh rõ nét sự phát triển mạnh mẽ của các loại đồ gốm xuất khẩu với loại men, kiểu dáng và hoa văn rất phong phú, đặc sắc, đóng góp tích cực vào truyền thống riêng biệt của gốm Việt Nam.

- Vậy là tấm màn bí ẩn về Con đường gốm sứ trên biển Đông đang ngày càng được hé mở đối với các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế. TS có nhận định gì về kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong thời gian vừa qua?

- Việc khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm đã mang lại nhiều giá trị khoa học to lớn. Qua sưu tập gốm sứ tàu cổ Cù Lao Chàm với khối lượng tài liệu đồ sộ, bao gồm các dòng men đã đóng góp cho giới nghiên cứu nhiều hiểu biết mới ngày càng đầy đủ hơn về lịch sử gốm sứ Việt Nam. Dòng gốm phong phú nhất là hoa lam, hoa lam kết hợp với vẽ nhiều màu qua lần nung thứ hai rất đáng được lưu ý. Lần đầu tiên xuất hiện nhiều đồ gốm men, loại vẽ nhiều màu, men trắng mỏng, men ngọc, men lam tím, kết hợp với vẽ vàng kim trên men. Tạo hình và trang trí trên đồ gốm Cù Lao Chàm cũng là một cuộc đối thoại với thiên nhiên. Nhiều đề tài trang trí độc đáo và mới lạ, tạo nên một mảng màu sinh động của hàng hóa gốm sứ Việt Nam, đủ tầm vươn xa chiếm lĩnh thị trường trước cường quốc gốm sứ Trung Quốc. Các dòng men, sự đa dạng và phong phú về trang trí của đồ gốm sứ Việt Nam trong tàu Cù Lao Chàm sẽ còn tiếp tục nhận được sự quan tâm của giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Hơn thế nữa, những phát hiện này còn khẳng định tuyến đường biển lịch sử nối liền châu Á với châu Âu từ nhiều thế kỷ nay.

- Xin cảm ơn TS về cuộc trò chuyện!

Nguyễn Thu Thủy