Giải thưởng Hội NSSK VN 2009: Nhiều vẫn chưa vui
Văn hóa - Ngày đăng : 05:05, 04/04/2010
Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật giải thưởng - NSND Doãn Hoàng Giang nói: "Chúng tôi thống nhất trao giải thưởng cho các vở diễn như hội diễn đã trao". Vậy nên giải thưởng không bất ngờ.
Ngổn ngang trăm nỗi
Mặc dù số lượng tác phẩm đoạt giải nhiều hơn một số năm trước nhưng không trở thành tín hiệu vui. Bộ mặt sân khấu có vẻ tươi tỉnh hơn nhờ các đợt hội diễn và nhiều trại sáng tác. Điều đáng nói là trong khi các nhà làm sân khấu luôn kêu ca thiếu kịch bản thì năm 2009, hội nhận được gần 100 kịch bản ở các thể loại và đề tài. Song theo NSND - đạo diễn Doãn Hoàng Giang, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của hội thì sân khấu còn đòi hỏi những hình tượng nhân vật được sáng tạo độc đáo, hấp dẫn, điển hình và gợi cảm nhưng tiếc rằng sân khấu quá hiếm hoặc nói đúng hơn là không có những nhân vật như vậy. “Đại bộ phận nhân vật còn chung chung, mờ mờ nhân ảnh hoặc sơ lược, công thức nên đọc xong, diễn xong... chẳng để lại một chút ấn tượng nào… Cái cũ kỹ, cái sáo mòn trong một số kịch bản vẫn còn quá nhiều mà đã nhiều năm qua rồi vẫn chưa khắc phục được”, ông nhận xét.
Vở kịch nổi tiếng “Tôi và chúng ta” của cố tác giả Lưu Quang Vũ được Nhà hát Kịch Hà Nội dàn dựng lại. |
Năm 2009 có đến ba đợt hội diễn: kịch nói và cải lương ở TP Hồ Chí Minh, chèo ở Quảng Ninh, tuồng và dân ca ở Đà Nẵng. Theo đánh giá của NSND Doãn Hoàng Giang, có những vở diễn về đề tài lịch sử để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp về sự tinh tế, về những thủ pháp hài hòa, về những lối diễn gợi cảm và tạo nên những hiệu ứng nghệ thuật khó quên... nhưng còn không ít vở diễn đi vào những chuyện vụn vặt bên lề, không tập trung vào chủ đề chính nên sa vào sự sơ lược, thiếu tính thuyết phục.
Sân khấu tụt hậu so với sự phát triển xã hội là thực tế đáng buồn. Những ai đã có dịp đi xem các vở diễn ở nước ngoài, chẳng phải đến Broadway mà hãy cứ xem ở các nước lân cận, như Trung Quốc, Thái Lan, Philíppin… trong các chương trình giao lưu văn hóa, thấy khoảng cách khá xa giữa bạn với ta về nhiều mặt, từ tư tưởng, cung cách dàn, diễn xuất của diễn viên… Chưa kể, một số vở diễn của nghệ sĩ nước bạn có tuổi thọ vài ba năm với cả trăm suất diễn và còn “xuất ngoại” đến nhiều nước. “Khi cả nước đang chuyển sang giai đoạn giao lưu, hội nhập mạnh mẽ, thì sân khấu nói riêng, tuy đã có những chuyển biến nhưng lại chưa mạnh, chưa thật sự phù hợp và gây ấn tượng với nhân dân. Quả thực, dường như sân khấu hôm nay vẫn đang luẩn quẩn trong cái bóng của chính mình, theo một con đường mòn cũ kỹ, chứ chưa có sự cách tân, chuyển biến hợp với xu thế hội nhập. Sân khấu có nguy cơ tự biến mình thành một nền nghệ thuật thông tấn, nặng tính báo chí, mà đánh mất chức năng cao quý của văn học nghệ thuật nói chung là tính dự báo”, NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhận định.
Sân khấu Hà Nội vẫn “ngủ đông”
Hà Nội là cái nôi sinh thành nền sân khấu kịch Việt Nam. Sau gần 90 năm, kịch Hà Nội đã trải qua thời kỳ hoàng kim và khi chuyển sang kinh tế thị trường, trong khi kịch TP Hồ Chí Minh có xu hướng ngày càng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu với nhiều sân khấu xã hội hóa và nhiều vở dã sử đầu tư lớn, hiệu quả cao thì kịch Hà Nội lại có dấu hiệu ngày càng đi xuống... Năm 1985, trong Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại TP Hồ Chí Minh, các vở diễn của sân khấu phía Bắc như Nhân danh công lý, Tôi và chúng ta, Mùa hè ở biển, Đỉnh cao mơ ước... được coi là những “cỗ xe tăng tiến vào chinh phục Sài Gòn về văn hóa”. Song 15 năm sau, kịch Hà Nội chỉ còn trên danh tiếng. Sân khấu thiếu sức sống vốn có của nó khi không có khán giả... Khán giả luôn là bài toán hóc búa, nhưng các nhà làm sân khấu phía Bắc đã quen “ngủ đông” trong bao cấp. NSƯT Chí Trung thẳng thắn nói: “Sân khấu phía Bắc tồn tại chủ yếu theo dạng cào bằng, với những nguồn kinh phí được rót định kỳ hằng năm. Cách làm như vậy chỉ sinh ra những cơ thể èo uột, với những vở diễn nửa vời. Nói ví von thì đó là những đốm lửa nhen nhúm, cháy lom dom cả năm, chỉ thỉnh thoảng bừng lên trong những kỳ hội diễn, liên hoan hoặc kỉ niệm các ngày lễ lớn”.
Theo NSND Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL vừa được bầu làm Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhiệm kỳ này, có rất nhiều đề án sẽ được tập trung xây dựng và triển khai, trong đó có việc đổi mới việc trao giải thưởng hằng năm. Sân khấu đang ngổn ngang lắm nỗi nên… không ít người kỳ vọng, việc chủ tịch hội đồng thời là nhà quản lý văn hóa sẽ giúp cho hội hoạt động thuận lợi hơn và giải thưởng được trao đúng người, đúng tác phẩm hơn, để trở thành động lực thúc đẩy anh em nghệ sĩ làm nghề. NSƯT Bạch Tuyết cho rằng, tân chủ tịch là người giỏi nghề, hiểu anh em trong giới và sâu sát với sân khấu nên sẽ chỉ đạo công tác hội hiệu quả hơn.