Liệu có "bình mới rượu cũ"?

Xã hội - Ngày đăng : 09:12, 03/04/2010

Lễ ra mắt Giáo phường Ca trù Thăng Long tại đình Giảng Võ, Hà Nội vào trung tuần tháng 3 vừa qua đã đánh dấu sự trở lại của giáo phường - một trong những mô hình tổ chức quan trọng nhất của nghệ thuật Ca trù cổ xưa. Thế nhưng, những lề lối của giáo phường và con đường đưa Ca trù trở lại với cuộc sống thực sự qua mô hình này là thách thức không nhỏ cho giáo phường đầu tiên.

Nghệ thuật Ca trù là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Ảnh: Đăng Khoa


Dù đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới nhưng nghệ thuật Ca trù vẫn còn đó những khoảng trống đáng lo. Số lượng nghệ nhân lớn tuổi, từng biểu diễn Ca trù trước 1945 "ra đi" ngày càng nhiều. Khi bắt đầu xây dựng Hồ sơ Ca trù đệ trình UNESCO, cả nước có khoảng hơn 20 nghệ nhân thì đến nay chỉ còn 14 ở tuổi… cụ. Nhiều môi trường diễn xướng của Ca trù hiện cũng không còn như không gian hát cửa đình, ca quán.

Sự hồi sinh của Ca trù những năm gần đây gắn với hoạt động của các nghệ nhân và các CLB, nhóm hát Ca trù… Dưới sự dìu dắt của hai nghệ nhân lão làng là danh cầm Nguyễn Phú Đẹ (Tứ Kỳ, Hải Dương) và danh ca Nguyễn Thị Chúc (Ngãi Cầu, Hà Nội), CLB Ca trù Thăng Long hiện đã có hơn 20 đào nương, kép đàn, quan viên trẻ 10 đến 33 tuổi, hoạt động thường xuyên. Không ít sự kiện của CLB Ca trù đã thu hút sự chú ý và được ghi nhận. Sau bốn năm tồn tại, CLB táo bạo dấn thêm bước nữa khi tổ chức đêm diễn xưng danh “Giáo phường Ca trù Thăng Long” trước sự chứng kiến của nhiều nhà nghiên cứu tên tuổi. Một canh hát thờ cửa đình cũng đã được phục dựng, diễn xướng trong lễ ra mắt.

Theo GS Trần Văn Khê "Giáo phường là nơi dạy học Ca trù, ban đầu chỉ tồn tại trong dân gian nhưng đến thời Lê đã được triều đình phong kiến công nhận là một tổ chức được nhà vua cho đem Ca trù vào trong cung đình. Nhiều họ Ca trù mới làm nên một giáo phường". Trong khi đó, điểm mặt ca nương, kép đàn của Giáo phường Ca trù Thăng Long thì gần như vẫn chỉ là những thành viên của CLB Ca trù Thăng Long trước đây. Dù tổ chức được nhiều hoạt động nhưng quy mô của CLB Ca trù Thăng Long cũng chưa thật sự lớn mạnh để có thể xưng danh là giáo phường…

Xưa, giáo phường Ca trù là một tổ chức "cai trị" môi trường diễn xướng Ca trù ở nhiều đình hay đền trong một vùng địa lý. Còn đình Giảng Võ - địa chỉ sinh hoạt thường xuyên của Giáo phường Ca trù Thăng Long hiện nay cũng chỉ là nơi "ở tạm". Với đa số ca nương, kép đàn tuổi đều rất trẻ và mới theo nghề, Giáo phường chưa đủ thời gian tạo nên niềm tin là nơi truyền dạy… Bởi vậy, Giáo phường Ca trù Thăng Long rất cần khẳng định chất lượng, uy tín và hy vọng rằng chuyện xưng danh này không là "bình mới rượu cũ".

Anh Bảo