Bài 5: Chiến thắng Đường 5

Chính trị - Ngày đăng : 08:28, 03/04/2010

(HNM) - Trong suốt chặng di chuyển theo quốc lộ 1, từ Đà Nẵng, Quảng Nam đến Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, nhóm phóng viên Hànộimới ngày càng gặp nhiều nhân chứng lịch sử thuộc các đơn vị bộ đội địa phương. Đã đọc bao tài liệu, sách báo về Đại thắng Mùa xuân 1975 mà chúng tôi vẫn ngạc nhiên trước những điều mới lạ thu thập được trên đường. Như ở Tuy Hòa với câu chuyện Đường 5 trong những ngày cuối tháng 3 cách nay đã 35 năm...


Chiến thắng Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng, những đòn chia cắt mãnh liệt, những mũi thọc sâu của các binh đoàn chủ lực Quân đội nhân dân Việt Nam trong những ngày tháng 3 năm 1975 đã tạo hình thái chiến trường vô cùng thuận lợi cho việc giải phóng hoàn toàn các tỉnh Nam Trung bộ. Khi “cờ đến tay”, bộ đội địa phương ở mặt trận Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã chớp thời cơ hành động, lập công lớn.

Một góc thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) hôm nay.

Nghệ thuật chớp thời cơ
Ai cũng biết khi Buôn Ma Thuột thất thủ vào ngày 10-3-1975, Quân đoàn 2 Sài Gòn được lệnh bỏ Tây Nguyên rút về vùng duyên hải. Lúc đó và cả một thời gian dài sau này, sử sách đã nói nhiều về cuộc rút chạy, về chiến công của các chiến sĩ Trung đoàn 64 thuộc Sư đoàn 320 trên đường số 7 nối Plâycu - Tuy Hòa. Rất nhiều con đường đã được nhắc đến khi nói về Chiến dịch Tây Nguyên: đường 14, đường 7 (nay là quốc lộ 25), đường 19, đường 21... Nhưng không có tên đường số 5 (nay là Tỉnh lộ 645 nối vùng đồng bằng Tuy Hòa với huyện mới Sông Hinh), chỉ cách đường 7 vài ki lô mét ở đoạn Củng Sơn.

Chỉ tới hôm đến Tuy Hòa gặp Đại tá Trần Văn Mười, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Yên, người 35 năm trước là Trưởng phòng Tác chiến của Tỉnh đội Phú Yên, trực tiếp tham gia những trận đánh địch chạy từ Tây Nguyên xuống, chúng tôi mới nghe đến cụm từ “Chiến thắng Đường 5”. Hôm ấy, dẫn cánh phóng viên Hà Nội ra trước tấm bản đồ lớn, Đại tá Trần Văn Mười dẫn giải: “Đây là đường 7. Có những đoạn, nó chỉ cách đường số 5 một con sông Ba mà phần hạ lưu được biết nhiều với tên gọi Đà Rằng. Không nhiều người biết rằng, chính ở đoạn sông này, một phần quân đội Sài Gòn từ Tây Nguyên rút về duyên hải đã bắc cầu phao vượt sông Ba sang đường 5. Với quân và dân Phú Yên, con đường này ghi dấu một trận đánh lớn nhất của chúng tôi”.

Ký ức lại ùa về. Vị đại tá sinh năm 1942 kể tiếp: Ngày 17-3-1975, Bộ Tư lệnh Khu 5 lệnh cho Phú Yên điều quân ra đường 7, phối hợp với Sư 320 đánh địch rút từ Tây Nguyên xuống. Lệnh trên là thế, nhưng các sĩ quan chỉ huy tác chiến của Tỉnh đội Phú Yên ở Sở chỉ huy tiền phương lại có những tin tức cho thấy địch có thể rẽ sang đường 5, bởi đường 7 đoạn gần duyên hải rất xấu và các cứ điểm yểm trợ cho cuộc hành quân này đã bị ta chiếm. Trong thực tế, giữa lúc cánh quân của tướng Phạm Văn Phú từ Tây Nguyên di chuyển đến gần Củng Sơn, bộ đội Phú Yên phát hiện công binh địch bắc cầu phao qua sông Ba, lại tăng cường pháo binh ở cứ điểm Hòn Kén - xã Hòa Phong với ý đồ yểm trợ cho cánh quân đang rút. Những bức điện của tướng Phạm Văn Phú bị ta giải mã được đã củng cố thêm cho nhận định nói trên. Tỉnh đội Phú Yên đưa một phần lực lượng thực hiện lệnh trên về kiểm soát đường 7 và hạ quyết tâm dồn lực lượng đánh địch trên đường 5.

Chiều 19-3, 5 xe bọc thép địch từ Hòn Kén xuống bị ta diệt gọn. Cả đoàn quân hàng nghìn người và xe pháo ùn lại, náo loạn. Đêm đến, các lực lượng của Tỉnh đội Phú Yên bắt đầu hành động quét địch ở Hòa Thịnh, Hòa Đồng, Hòa Tân, Hòa Phong, Hòa Mỹ, thông đường kiểm soát đường 5, đánh lui các đợt phản kích của địch từ Tuy Hòa lên, từ Nha Trang ra đón quân Tây Nguyên xuống. Suốt ngày 21, 22 và 23-3, địch tập trung bộ binh, không quân, pháo binh phản kích hòng mở thông đường về thị xã Tuy Hòa. Giữa chiến trận ác liệt, đường 5 bị cày xới tan hoang, bộ đội Phú Yên vẫn giữ vững trận địa. Đêm 23, sáng 24-3, Tiểu đoàn 96 Phú Yên bắt liên lạc được với quân của Sư 320 theo đường 7 bám đuôi địch đánh xuống. Phát hiện quân chủ lực của ta, Phạm Văn Phú lệnh cho không quân đánh sập cầu phao bắc qua sông Ba, bỏ lại bờ Bắc hàng trăm xe, pháo... Trận đánh đường 5 cơ bản kết thúc vào trưa 25-3. Với chiến thắng trên đường 5 và đường 7, bộ đội Phú Yên và các đơn vị chủ lực đã không cho cánh quân mạnh của địch từ Tây Nguyên rút về duyên hải hợp với lực lượng tại chỗ. Việc giải phóng Tuy Hòa - Phú Yên (ngày 1-4-1975), vì thế trở nên thuận lợi hơn. “Chiến thắng Đường 5, không nghi ngờ gì nữa, thể hiện sự chủ động, sáng tạo, nghệ thuật chớp thời cơ của bộ đội ta” - Đại tá Trần Văn Mười sảng khoái nói.

Đại tá Trần Văn Mười.

Chưa được nhiều người biết tới
Ở Tuy Hòa còn nhiều người muốn nói về chiến thắng Đường 5. Muốn nói, muốn kể, muốn khẳng định từ lâu mà chưa có dịp. Đại tá Trần Văn Mười nói với chúng tôi: “Lúc ấy, Sở chỉ huy tiền phương nằm cách Đường 5 chỉ độ một cây số. Chúng tôi, lúc ấy, ở đó có cả đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh đội trưởng, Tham mưu trưởng và Trưởng phòng Tác chiến, nắm thông tin và chỉ đạo bộ đội từng giờ từng phút một. Chiến thắng Đường 5 là điều thú vị chưa được nhiều người biết tới”.

Chưa được biết tới là bởi những người trong cuộc còn bận bịu với ngàn vạn việc cần làm sau ngày giải phóng. Phú Yên, Khánh Hòa nhập vào rồi lại tách ra, Đại tá Trần Văn Mười đau đáu với trận thắng khiến ông muốn viết hẳn một cuốn sách với tiêu đề “Trận Bạch Đằng trên cạn” mà cũng không có điều kiện để thực hiện. Rồi thì rào cản tâm lý nữa, có là không khiêm tốn khi đặt vấn đề “của mình” ra một cách to tát giữa muôn người cùng góp chiến công chung vĩ đại?

Bởi thế mà chiến thắng Đường 5, dù vô cùng ý nghĩa vẫn chưa được nhiều người biết tới.

Câu hỏi cần lời giải
Bản tin Cựu chiến binh Phú Yên số tháng 3-2010 có đăng bài viết ngắn về Chiến thắng Đường 5. Giữa những thông tin về trận đánh lớn nhất của lực lượng vũ trang Phú Yên, có chi tiết rất đáng chú ý: “Qua diễn biến tình hình, rõ ràng là địch theo đường số 7 đến Phú Yên bắc cầu phao vượt sông Ba sang đường 5 về Phú Lâm - Đông Tác là có kế hoạch từ đầu chứ không phải đến Ngân Điền địch bị đánh mới chuyển sang sông Ba. Lực lượng địch đến Phú Yên là bộ phận đi đầu, có tổ chức, có chỉ huy, chưa bị đánh trên đường 7...”.

Năm 2008, nghĩa là hơn 30 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Hội đồng Khoa học - Công nghệ Phú Yên đã nghiệm thu công trình nghiên cứu “Chiến thắng Đường 5 xuân 1975” (do Sở Khoa học - Công nghệ Phú Yên và Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Yên phối hợp thực hiện) - làm rõ chủ trương và sự chỉ đạo nhạy bén, phù hợp thực tiễn chiến trường của Tỉnh ủy Phú Yên, Sở chỉ huy tiền phương của Tỉnh đội trong suốt diễn biến của các trận đánh trên đường 5. Cùng năm đó, NXB Quân đội nhân dân xuất bản cuốn sách “Chiến thắng Đường 5 Phú Yên xuân 1975”. Sách ra, công trình nghiên cứu được nghiệm thu, Báo Phú Yên đưa tin, có đoạn: “Tập sách làm rõ diễn biến từng trận đánh, thời điểm địch đến Phú Yên, lực lượng ta, địch, kết quả chiến đấu; khẳng định chiến công anh hùng của quân dân Phú Yên đã đóng góp vào Đại thắng Mùa xuân 1975 của cả dân tộc; xác định tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của sự kiện Chiến thắng Đường 5 mà các công trình nghiên cứu lịch sử ở cấp quốc gia hiện nay chưa đề cập đến dù đường 5 đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia”.

Đó là những thông tin mà nếu được kiểm chứng đúng sẽ là nguồn bổ sung cho khối tư liệu về loạt trận đánh cánh quân địch rút chạy trên đường 7 sau khi Buôn Ma Thuột thất thủ; nó cũng sẽ đặt ra, một cách chính thức, câu hỏi: với cánh quân địch rút chạy khỏi Tây Nguyên, việc bắc cầu phao vượt sông Ba sang đường 5 là ý tưởng tình cờ, do tình thế, do bị đánh tan tác trên đường 7, hay là ý tưởng có từ đầu?

Đức Huy