Hiệu trưởng, giáo viên trường PTDTBT phải biết tiếng dân tộc

Giáo dục - Ngày đăng : 18:07, 02/04/2010

(HNMO) - Đó là một trong số các quy định của dự thảo lần 2 về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú.


Theo dự thảo mới do Bộ GD&ĐT công bố ngày 2/4, trường PTDTBT là trường chuyên biệt thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, được thành lập cho con em các dân tộc thiểu số, con em gia đình các dân tộc định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhằm góp phần tạo nguồn đào tạo cán bộ cho các vùng này. Trường PTDTBT có một bộ phận học sinh bán trú. Học sinh bán trú là học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, được phép ở lại trường để học tập trong tuần do không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày.

Việc xét dyệt học sinh bán trú đối với học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở được thực hiện như sau: Bản thân học sinh và bố, mẹ hoặc người giám hộ thường trú tại các thôn, bản, buôn, làng, phum, sóc thuộc các xã, phường, thị trấn vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (theo quy định của Nhà nước); do điều kiện nhà ở xa trường hoặc do địa hình cách trở, giao thông khó khăn học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày. Hội đồng xét duyệt có ít nhất 7 thành viên (do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập) và phải công khai danh sách dự kiến phê duyệt tại trường ít nhất 5 ngày.

Trường PTDTBT tổ chức hoạt động dạy và học theo quy định tại Điều lệ trường học. Hoạt động dạy và học phải phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý học sinh dân tộc. Đáng chú ý, với hoạt động giáo dục, lao động, văn hóa thể thao và tổ chức nuôi dưỡng, trường phải giáo dục tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, kỹ năng sống, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường cho học sinh, tổ chức cho học sinh sinh hoạt văn nghệ, thể dục thể thao; tham quan, lễ hội, tết dân tộc, giao lưu văn hóa khác nhằm góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của các dân tộc, xoá bỏ các tập tục lạc hậu, việc nấu ăn tập thể cho học sinh bán trú đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm...


Dự thảo mới quy định, hiệu trưởng, giáo viên trường PTDTBT phải biết sử dụng ít nhất một tiếng dân tộc thiểu số
Hiệu trưởng trường PTDTBT ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ qui định tại Điều lệ trường học phải nắm vững chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, có hiểu biết về phong tục, tập quán các dân tộc thiểu số và đặc điểm tâm lý học sinh dân tộc của địa phương; biết sử dụng ít nhất một tiếng dân tộc thiểu số ở địa phương để sử dụng trong giao tiếp với học sinh và cộng đồng.

Giáo viên trường PTDTBT cũng phải biết sử dụng ít nhất một tiếng dân tộc thiểu số ở địa phương để sử dụng trong giao tiếp với học sinh và cộng đồng; nắm vững phong tục tập quán và đặc điểm tâm lý học sinh các dân tộc nơi công tác.

Học sinh bán trú ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ qui định tại Điều lệ trường học, nội quy nội trú của nhà trường, còn phải góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tham gia các hoạt động của trường PTDTBT.

Dự thảo cũng quy định, việc mở trường PTDTBT phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường PTDTBT và yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Trường phải có ít nhất 50% học sinh là người dân tộc thiểu số và ít nhất 30% học sinh (đối với trường TH), 50% học sinh (đối với trường TH & THCS và trường THCS) là học sinh bán trú. Các tỷ lệ này ổn định trong 5 năm liên tục. Đồng thời, có đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đủ cơ cấu về loại hình giáo viên, đạt tiêu chuẩn về phẩm chất và trình độ đào tạo, bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và nhiệm vụ của trường PTDTBT; có cơ sở vật chất, thiết bị cần thiết đảm bảo việc tổ chức sinh hoạt, ăn, ở cho học sinh bán trú.

H.V