Quy chế của Ban Chỉ đạo quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu

Chính trị - Ngày đăng : 15:11, 02/04/2010

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 31/3/2010 ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).

BĐKH gây nhiều ảnh hưởng tới đời sống của người dân.

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 31/3/2010 ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Ban Chỉ đạo này được thành lập theo Quyết định 158/2008/QĐ-TTg ngày 2/12/2008 đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH và các chương trình khác liên quan đến vấn đề ứng phó với BĐKH.

Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo là Bộ Tài nguyên và Môi trường, giúp Trưởng Ban chỉ đạo điều phối, xử lý, giải quyết các vấn đề có liên quan trong quá trình chỉ đạo thực hiện Chương trình.

Nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên BCĐ
Quyết định nêu rõ trách nhiệm cụ thể của từng thành viên Ban Chỉ đạo. Theo đó, Trưởng Ban Chỉ đạo - Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ lãnh đạo, điều hành hoạt động của Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo; quyết định những nội dung chiến lược, quan trọng nhằm đảm bảo triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình.

Phó Trưởng ban Thường trực - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ giúp Trưởng ban trực tiếp điều phối các hoạt động chung của Ban Chỉ đạo; đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách đảm bảo cơ sở pháp lý để triển khai các hoạt động ứng phó với BĐKH...

Phó Trưởng ban - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ đề xuất các chủ trương, giải pháp thực hiện Chương trình trong tổng thể chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hôi; đồng thời xây dựng chiến lược, kế hoạch thu hút các nguồn tài trợ kinh phí của nước ngoài cho việc thực hiện Chương trình.

Phó Trưởng ban - Bộ trưởng Bộ Tài chính cân đối, bố trí vốn ngân sách nhà nước (bao gồm cả vốn viện trợ, ODA) để thực hiện Chương trình.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Ủy viên Ban Chỉ đạo, đề xuất, phối hợp và chủ động lồng ghép việc triển khai thực hiện Chương trình trong các hoạt động ngoại giao, đàm phán quốc tế về ứng phó với BĐKH; nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong việc tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực về ứng phó với BĐKH.

Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn là gắn kết các biện pháp ứng phó với BĐKH với công tác phòng, tránh thiên tai, đảm bảo phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, thảo luận tập thể và quyết định theo đa số. Ban Chỉ đạo họp định kỳ 6 tháng một lần. Trường hợp cần thiết, Trưởng ban có thể triệu tập họp bất thường.

Việt Nam ứng phó với BĐKH
Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH đặt mục tiêu chiến lược là đánh giá được mức độ tác động của BĐKH đối với các lĩnh vực, ngành và địa phương trong từng giai đoạn và xây dựng được kế hoạch hành động có tính khả thi để ứng phó hiệu quả với BĐKH cho từng giai đoạn ngắn hạn và dài hạn, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước, tận dụng các cơ hội phát triển nền kinh tế theo hướng các-bon thấp và tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giảm nhẹ BĐKH, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.

Chương trình được thực hiện trên phạm vi toàn quốc theo 3 giai đoạn: giai đoạn khởi động (2009-2010), giai đoạn triển khai (2011-2015) và giai đoạn phát triển (sau 2015).

Kinh phí cho các hoạt động thực hiện Chương trình giai đoạn 2009 - 2015 ước tính khoảng 1.965 tỷ đồng, trong đó 50% là vốn nước ngoài và 50% còn lại là vốn trong nước trong đó ngân sách trung ương khoảng 30%, ngân sách địa phương 10% và thành phần kinh tế tư nhân và các nguồn vốn khác khoảng 10%.

Kinh phí của Chương trình trong các giai đoạn sau năm 2015 sẽ được xác định cùng với mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH bởi các hiện tượng nước biển xâm lấn, bão, lũ lụt...

Các lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ BĐKH ở Việt Nam là thủy lợi, an ninh lương thực, nông nghiệp, y tế; chủ yếu ở các vùng đồng bằng thấp và các vùng duyên hải.

Việt Nam được các chuyên gia quốc tế đánh giá rất cao trong việc xây dựng những chính sách đúng đắn, nhanh chóng trong việc ứng phó với BĐKH như xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, tích cực tuyên truyền về BĐKH để thay đổi hành vi của người dân, tích hợp giảng dạy về BĐKH trong các bài giảng cho học sinh, sinh viên...

Theo VGPNEWS