Chủ động để gần hơn với công chúng

Văn hóa - Ngày đăng : 07:22, 02/04/2010

(HNM) - Đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc ít nhất một lần từng nói: Thời đại ngày nay là thời đại của phim tài liệu. Cả đất nước như một

Mới đây cụm từ "café - phim tài liệu" được nhắc tới, liệu có phải là một dấu hiệu khởi động của sự tích cực đưa phim tài liệu vào cuộc sống?

Đạo diễn hướng dẫn các diễn viên trong một cảnh quay phim “Camera công sở”.


Cơ hội của phim tài liệu
Bên cạnh nhận định tâm huyết và xác đáng của NSND Bùi Đình Hạc ra, có một lý do để tin rằng "chất sống động, trực diện" của phim tài liệu đang được coi trọng trong điện ảnh. Bộ phim truyện "The Hurt Locker" đoạt giải Oscar 2010 vừa qua đã sử dụng không ít phương pháp quay "giải tài liệu". Những đường máy gần như tự do, gập ghềnh nhưng đầy yếu tố hấp dẫn. Loạt phim sitcom sắp được khởi chiếu trên VTV tới đây "Camera công sở" cũng sử dụng lối quay này… "Giả" mà còn có hiệu quả như vậy. Lẽ nào "thật" lại không làm nên chuyện?

Phim tài liệu có thể đề cập tới mọi vấn đề của đời sống từ lớn đến nhỏ như bảo vệ môi trường, chống tham nhũng, xây dựng những công trình lớn hay sức khỏe tâm thần, bạo lực học đường… Mỗi năm Nhà nước đều dành tiền để sản xuất chừng hơn chục bộ phim và hầu như các nghệ sĩ cũng đều chạm tới những đề tài "nóng" trên các lĩnh vực chính trị, y tế, văn hóa, xã hội…

Nhưng giấc mơ phim tài liệu tạo được cơn sốt với khán giả vẫn xa vời!
Có hai lý do được người trong nghề, giới báo chí nhận định là: Phim tài liệu còn thiếu độ sắc, độ gắn kết với đời sống, lại đang thong thả đi trong một bối cảnh công nghệ quảng bá phát triển rầm rộ. Nhiều bộ phim chỉ làm người xem "chơi vơi" chứ chưa thấy "nghẹt thở" vì vấn đề chưa được đẩy tới. Ngược lại, việc quảng bá phim tài liệu cũng phải chịu những thiệt thòi nhất định vì chả mấy được truyền thông quan tâm. Kinh phí của Nhà nước dành cho quảng bá trong điện ảnh nói chung không có…

Nhưng thực tế cuộc sống và công cuộc đổi mới đang cần phim tài liệu phải bứt phá.

Một địa chỉ cho phim tài liệu
Con đường giới thiệu truyền thống như qua truyền hình, cung cấp một năm vài phim cho hàng không, cuối năm họp báo… của các phim do Hãng Phim tài liệu khoa học TƯ sản xuất đã không còn đủ trong bối cảnh hiện nay. Ý tưởng mới đây trong buổi làm việc của Hãng với một số đơn vị và báo chí cho thấy đã đến lúc phim tài liệu phải chủ động, quyết liệt hơn để đến với công chúng.

Đó là thử nghiệm đưa phim tài liệu tới Hội quán sáng tạo Trung Nguyên - 36 Điện Biên Phủ. Hình dung bước đầu là Hãng Phim tài liệu khoa học TƯ sẽ cung cấp phim, cử nghệ sĩ tới giao lưu tại địa chỉ vốn đã có nhiều hoạt động giao lưu văn học, điện ảnh, nhiếp ảnh này; bù lại Hội quán trên sẽ có thêm hoạt động để kéo trí thức, văn nghệ sĩ tới nhằm nâng cao uy tín, thúc đẩy kinh doanh…

Mô hình này đã không còn mới ở nhiều lĩnh vực khác như sách, âm nhạc, hội họa… mà TP Hồ Chí Minh là một điển hình. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có quán ăn "Đo Đo" ra đời từ bộ sách "Kính vạn hoa", nữ ca sĩ trẻ Lê Cát Trọng Lý được phát hiện khi biểu diễn tại một quán café nhỏ. Do đó nếu có một café - phim tài liệu thì cũng không quá bất ngờ. Mới đây, đạo diễn trẻ Phan Huyền Thư đã tổ chức một buổi chiếu phim tài liệu tại café - press. Cách thức này tuy mức độ bước đầu khiêm tốn song lại đang đặt ra vấn đề của phát hành phim tài liệu là đến được với công chúng, có phản hồi và tiến tới có nguồn thu.

Phim tài liệu và ngoại giao văn hóa
Tất nhiên, việc phát hành phim tài liệu với những ý nghĩa lớn lao về cả chính trị, văn hóa, xã hội… không thể chỉ diễn ra ở một hội quán. Nhưng từ một nơi thu hút được nhiều văn nghệ sĩ, với các hoạt động văn hóa nghiêm túc, phim tài liệu có thể tìm thấy những ý tưởng xã hội hóa nhằm giới thiệu phim hiệu quả hơn. Thực tế, có rất nhiều phim tài liệu, kể cả của các đài truyền hình được làm công phu, với ý nghĩa văn hóa, xã hội không nhỏ đã tìm được lối đến với khán giả. "Đi tìm trang phục Việt" (phim tài liệu về một đề tài "có một không hai", thực hiện ròng rã nhiều năm của nữ đạo diễn Hải Anh, Hãng Phim truyền hình TP Hồ Chí Minh) là một ví dụ. Phim được giới thiệu cả trước, trong và sau khi hoàn thành. Những người đã xem trên truyền hình, vẫn có thể tiếp tục sở hữu riêng một bộ đĩa gốc tại cơ sở phát hành ở Hàng Bài, Hà Nội.

Hiện nay, Hà Nội có hàng loạt trung tâm văn hóa của các nước như Pháp, Nhật, Anh, Hàn Quốc… với xu thế và mục tiêu ngoại giao văn hóa rất rõ ràng. Phim tài liệu Việt Nam cũng từng được chọn chiếu ở những nơi này, nhưng chủ yếu là trên cơ sở những quan hệ cá nhân. Với kho phim tài liệu phong phú, mà nhiều tên gọi đã từng có dấu ấn quốc tế, Việt Nam có thể góp phần tuyên truyền cho công cuộc đổi mới, cho văn hóa của đất nước thông qua hệ thống trung tâm văn hóa này.

Cơ hội thì nhiều, rõ ràng phát hành phim tài liệu không thể cứ mãi là một khoảng trống!

Thi thi