Họa sỹ Hà Xuân Nồng nhận Cúp Rồng tre Giải Biếm họa báo chí lần thứ II

Văn hóa - Ngày đăng : 18:22, 01/04/2010

(HNMO) - Với hai tác phẩm mang ý nghĩa sâu sắc là “Ba giai đoạn” và “Bài học muộn”, họa sỹ Hà Xuân Nồng (bút danh NOP) đã đoạt giải Nhất cuộc thi Biếm họa báo chí Việt Nam lần thứ 2 mang chủ đề “Giao thông thời hội nhập” do báo Thể thao & Văn hóa tổ chức. Lễ tổng kết, trao giải và khai mạc triển lãm tranh đã được khai mạc chiều nay (1/4) tại Nhà triển lãm 29, Hàng Bài, Hà Nội.

(HNMO) - Với hai tác phẩm mang ý nghĩa sâu sắc là “Ba giai đoạn” và “Bài học muộn”, họa sỹ Hà Xuân Nồng (bút danh NOP) đã đoạt giải Nhất cuộc thi Biếm họa báo chí Việt Nam lần thứ 2 mang chủ đề “Giao thông thời hội nhập” do báo Thể thao & Văn hóa tổ chức. Lễ tổng kết, trao giải và khai mạc triển lãm tranh đã được khai mạc chiều nay (1/4) tại Nhà triển lãm 29, Hàng Bài, Hà Nội.


Tác giả Hà Xuân Nồng (bút danh NOP) đoạt Cúp rồng tre của cuộc thi

Giải Biếm họa báo chí Việt Nam được tổ chức hainăm một lần, bắt đầu từ năm 2007. Năm nay, chủ đề của cuộc thi mang tên “Giao thông thời… hội nhập” đã thu hút nhiều họa sỹ tham gia với gần 400 bức tranh. Những tác phẩm đều thể hiện sự táo bạo, bất ngờ, thâm thúy mà hài hước về thực trạng giao thông hiện nay. Qua những lăng kính hài hước đó là thông điệp về ý thức tham gia giao thông của mỗi người dân, những chủ trương, biện pháp giải quyết ách tắc của các, cấp, ngành…

Chùm tranh biếm họa đoạt giải Nhất của họa sỹ NOP là lời cảnh tỉnh dành cho mọi người về ý thức học luật lệ giao thông. Ở tác phẩm “Bài học muộn”, họa sỹ đã ‘bắt” anh chàng quấn bông băng từ chân đến đầu phải ngửa mặt lên… trần bệnh viện là sự nhắc nhở khiêm khắc dành cho mỗi người dân cần phải học luận giao thông nghiêm túc. Hay ở tác phẩm “Ba giai đoạn”, là câu chuyện về ba giai đoạn của dự án xây dựng cầu. Nhìn vào bức tranh, người ta nghĩ ngay đến những chuyện “dở khóc dở cười” của nhiều dự án giao thông thời nay như: chuyện làm xong cầu nhưng quên hoặc chưa có… đường dẫn, hoặc một số quy hoạch thiếu đồng bộ khác…

Nói về ý tưởng thực hiện chùm tác phẩm này, họa sỹ NOP cho biết, anh ấp ủ đề tài này từ lâu. Và sau nhiều lần tập hợp tư liệu từ các báo anh bắt tay thực hiện với hy vọng người xem nhận thức được việc học luật lệ giao thông là việc làm nghiêm túc.


Một tác phẩm dự thi

Một “kỷ lục” của cuộc thi là BTC đã nhận hàng chục bức tranh dự thi vẽ về “quốc nạn” lô cốt trên đường phố. Đi đâu cũng đụng lô cốt, cho nên các Họa sĩ biếm “tưởng tượng” ra đủ thứ chuyện về lô cốt, nào là Táo quân lên giời cũng chậm vì lô cốt, rồi cảnh người ta ăn ngủ trong lô cốt, tặng hoa cho người yêu nhờ máy xúc trong lô cốt, làm lịch biểu tượng lô cốt cho năm mới…

Điều mới lạ năm nay trong hệ thống trao giải là, BTC và Hội đồng Giám khảo cuộc thi đã đề nghị Hội Nhà Báo Việt Nam xem xét trao một Giải Đặc biệt dành cho tác giả có nhiều tác phẩm chất lượng cao tham gia giải lần này và đã được đăng báo trong 2 năm vừa qua (2008 - 2009). Trên cơ sở các tiêu chí nói trên, Hội đồng Giám khảo đã bàn bạc và đi đến thống nhất đề nghị trao Giải Đặc biệt cho Họa sĩ Lê Anh Phong - có bút danh LAP. Anh cũng là một trong hai tác giả đoạt giải Nhì của cuộc thi.

Được biết, tiếp theoLễ trao giải và triển lãm các tác phẩm tiêu biểu dự giải tại Hà Nội thì lần đầu tiên, Giải Biếm họa sẽ được đưa vào triển lãm tại TP.HCM, dự kiến sẽ được tổ chức vào đầu tháng 5/2010 tới đây. Triển lãm sẽ kết hợp trao giải (khoảng một nửa số giải thưởng của toàn Giải) cho các tác giả đoạt giải ở phía Nam.

- Giải Nhất (trị giá 20 triệu đồng, Cúp Rồng tre) được trao cho họa sĩ Hà Xuân Nồng (bút danh NOP) với Chùm tranh: “Ba giai đoạn”, “Bài học muộn”.

- Giải Nhì (trị giá 08 triệu đồng/giải):Họa sĩ Lê Anh Phong (bút danh LAP) với Chùm tranh: “Khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn”, ”Xe khách đường dài” và Họa sĩ Trần Quyết Thắng với tranh Giải pháp chống ùn tắc.

- Giải Ba: (trị giá 5 triệu đồng/giải): Họa sĩ Phạm Thành Chung với tranh “Loading” và Họa sĩ Lê Thanh Tùng với tranh “Hội nghị lần thứ… về Giải pháp giao thông đô thị.

- Giải Khuyến khích (trị giá 1 triệu đồng/giải) được trao cho: Họa sĩ Đỗ Anh Dũng, Họa sĩ Hoàng Dự, Nguyễn Bảo Linh và Lê Trịnh Hưng Quốc.

Lệ Quyên