Để tìm ra nhân vật phim hoạt hình Việt Nam!?
Văn hóa - Ngày đăng : 09:52, 01/04/2010
(HNMO)- Phim hoạt hình Việt Nam nay đã đến tuổi “Lão”, nhưng xem ra vẫn còn ngơ ngác trước khán giả nhỏ tuổi của mình bởi lẽ phim đã ít mà lại chẳng ai có thể nhớ nổi một nhân vật nào đáng kể và xứng danh như “Chuột Mickey”, “Tom và Jerry”, “Vịt Donald”…
Mặc dù, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam đang thực hiện dự án làm 100 bộ phim lịch sử, sẽ kéo dài từ nay đến năm 2020, nhằm giáo dục lịch sử, văn hoá, truyền thống yêu nước và cách mạng cho thiếu niên, nhi đồng; Bên cạnh đó, còn có những hãng phim hoạt hình tư nhân cùng ra tay đóng góp, vậy mà người ta vẫn la lên lời kêu cứu và đầy lo toan trước sự èo uột của phim hoạt hình, trong hàng chục năm qua. Họ phát lên những tín hiệu SOS! nào vậy?
Báo động về số lượng và chất lượng
Thì đã hẳn, điều khá rõ là khi các loại hình nghệ thuật cạnh tranh nhau, với quá nhiều kênh thông tin ra đời, phim hoạt hình đã ít và lại càng bị thị trường điện ảnh và truyền hình làm cho nghẹt thở. Trong một thời gian dài phim hoạt hình Việt Nam chỉ loay hoay với một số chuyện dân gian quen thuộc, nhân vật thì đơn giản và khô khan, thiếu sức sống, na ná giống nhau; ít sự cách điệu. Tính sơ qua ai cũng sẽ thấy ngạc nhiên, bởi lẽ đến cả tháng khán giả nhí mới được ngó 1 phim hoạt hình Việt Nam, độ khoảng 10 phút; trong khi đó phim hoạt hình nước ngoài thì được chiếu ào ạt, thậm chí cả ngày luôn, trên một số kênh truyền hình cáp như Cartoon network, Disney Channel...Ngay cả kênh hoạt hình Bibi, chiếu trên kênh VCTV8, do Việt Nam sáng lập cũng vắng bóng phim hoạt hình nội.
Khi đề cập tới sự ít ỏi đến không tưởng này, thì ai cũng vò đầu bứt tai rằng: “Tiền!”. Ngược lại, riêng giám đốc Hãng phim hoạt hình Việt Nam, ông Đặng Vũ Thảo lại nhấn mạnh theo một ý khác:
- Để có phim hay, vấn đề kinh phí giữ vai trò quan trọng nhưng vai trò quyết định lại là tài năng!?
Ông còn cho biết hiện tại, phần lớn đội ngũ làm phim hoạt hình của chúng ta chưa có nhiều điều kiện tiếp cận và học hỏi nền điện ảnh tiên tiến của thế giới. Mà cho dù chúng ta có nhiều máy móc tốt, có nhiều nhà xưởng khang trang nhưng chưa có những con người tài giỏi, chưa có những nghệ sĩ được đào tạo đến nơi đến chốn thì chúng ta chưa thể có những tác phẩm thật sự hay, thật sự tốt.
Mới đây, nếu quan sát tổ làm phim 3D “Ve vàng và dế lửa”, chỉ dài 20 phút, với khoảng 10 nhân vật, mà 4 người phải kéo tới tận một năm trời mới xong. Quá chậm, bởi lẽ người làm nghề phải vừa làm vừa mày mò tự học, cùng với máy móc lại còn lạc hậu và kinh phí eo hẹp, thì khó có phim hay là điều dễ hiểu. Nếu tính cho một bộ phim hoạt hình 3D, dài khoảng 10 phút, cần phải đầu tư 130 triệu, thì chẳng cứ hãng phim nhà nước giơ tay hàng mà ngay đến các hãng tư nhân cũng chẳng mặn mà đầu tư. Bởi lẽ, cách đây không lâu đã từng có nơi đầu tư tới 500 triệu đồng để làm phim, nhưng khi đem bán cho nhà đài chỉ thu về được 20 triệu. Lỗ là điều trông thấy, nên nghĩ đến làm phim hoạt hình, nhà sản xuất nào cũng run rẩy.Vậy có thể nói phim hoạt hình 3D VN hiện còn là giấc mơ xa xỉ đối với khán giả nhí.
Hơn nữa, tốc độ sản xuất của Hãng phim Nhà nước mà cũng chỉ có mươi phim một năm, với công nghệ cũ, mỗi phim chỉ kéo dài từ 5 đến 10 phút, tối đa là 20 phút, mới thấy sự ì ạch đến mức nào. Ấy là còn chưa đề cập đến chuyện đầu ra, vì nếu làm dưới dạng phim nhựa thì không đủ thời gian để chiếu ở rạp, mà phát trên truyền hình, cũng chẳng bõ bèn gì, mà lại bị rẻ rúng. Do vậy dư luận nói phim truyền hình Việt Nam bị phim hoạt hình nước ngoài nuốt chửng quả đúng.
Báo động hoạt hình…SEX!
Thật trớ trêu, trong khi phim hoạt hình Việt Nam như một cơ thể gầy guộc, lại còn bị thêm sự chèn ép của nạn dịch hoạt hình đen đang tung hoành trong thị trường ngoài luồng, kể cả trên mạng. Vài năm nay, VCD phim hoạt hình sex tràn lan ở chợ trời và các điểm bán lẻ, tại nhiều thành phố lớn, nhất là ở Hà Nội và TPHCM. Hoặc bất kể ai cũng có thể down những phim hoạt hình cấp 3 trên mạng xuống để xem “Free”. Lẽ dĩ nhiên loại phim hoạt hình này thu hút nhiều học sinh học sinh cấp 2 và cấp 3 phổ thông, với mỗi VCD giá chỉ 20.000đ. Đó là các phim có đề tựa hết sức quen thuộc như: “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn”, “Công chúa ngủ trong rừng”, Tom và jerry”, “ Thuỷ thủ và mặt trăng”… và nhiều chuyện cổ tích, phim hoạt hình nổi tiếng được chế thành những bộ phim hoạt hình sex, thô tục được tiếp thị và rao bán công khai, tại các trung tâm lớn như ở phố Huỳnh Thúc kháng, đường 3-2, Hùng Vương, Nguyễn Thị Minh khai, Nguyễn Kiệm, An Dương Vương(Q6), TPHCM; hoặc tại các cửa hàng ở khu vực chợ trời Hà Nội, tập trung nhất ở phố Yên Bái 2. Các cửa hàng này đều bán những phim hoạt hình mô tả cụ thể những hoạt động tình dục, thô thiển qua các câu chuyện mà các em đã biết nên có sức thu hút rất mạnh. Có một nữ sinh thành thật tâm sự:
- Đừng nghĩ chỉ con trai mới mê phim hoạt hình sex, con gái tụi mình nhiều đứa cũng bị cuốn vào loại phim này. Trong laptop của mình có hơn 30 phim và trong điện thoại di động thì có hơn 15 file phim hoạt hình cấp ba để xem và chia sẻ cùng những người bạn chơi trong nhóm”.
Cùng với những phim hoạt hình còn có cả những games với những điều khiển hoạt động tình dục theo ý muốn như một phim hoạt hình, được chính người chơi tự tạo hình hoạt động. Thật tệ hại khi các nhà quản lý chịu bó tay trước sự hoành hành đến dã man về tinh thần đối với một số tầng lớp khán giả nhí và tuổi teen. Rất nhiều phụ huynh hoang mang trước sự phát triển khó lường và hết sức bí ẩn của con em mình trước sự cám dỗ của loại phim hoạt hình độc hại này.
Hiện tượng này càng là điều tệ hại đối với công việc sản xuất phim hoạt hình của các hãng phim, vì nó đã lôi kéo một khối lượng khán giả rất lớn, làm họ ngộ nhận về nhiều nghệ thuật và quay lưng với phim hoạt hình “sạch” mà bấy lâu nay xuất hiện một cách rất khó khăn.Vậy bằng cách nào đây để phim hoạt hình Việt Nam bật dậy khỏi sự trồi sụt, trước một thế lực hoạt hình đen đang ngự trị khắp nơi.
Cần khoác chiếc áo mới!
Trên thế giới với tốc độ phát triển đến chóng mặt của công nghệ thông tin và kỹ thuật, phim hoạt hình ngày nay đã có nhiều bước tiến vượt bậc. Nhiều nhân vật trong phim đều được vẽ trên máy vi tính và áp dụng công nghệ 3D một cách xuôn xẻ hơn với giá thành thấp. Đặc biệt, hãng Dreamwork SKG đã tạo nên mức doanh thu kỷ lục cao, trên nhiều nước. Tại Mỹ hãng này đã đánh đổ vị trí độc tôn về phim hoạt hình của Walt Disney. Xem ra, phim hoạt hình ngày nay đã được nhân bản hoá, tạo nên những phá cách độc đáo và không đi theo lối cũ, với những câu chuyện thần tiên cổ xưa. Hơn thế nữa, hoạt hình ngày nay không chỉ còn là phim cho trẻ em; nó đã dần trở thành món quà tinh thần cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là đối với những người say mê điện ảnh. Người ta đã có ý thức cởi mở hơn, khi khoác cho phim hoạt hình một chiếc áo mới, để tìm ra con đường phát triển của nó. Thậm chí, các nhà làm phim hoạt hình còn định hướng về sự toàn cầu hoá cho phim hoạt hình với cách làm mới và không phân biệt lứa tuổi. Về điều này, chuyên gia sản xuất phim hoạt hình nổi tiếng Nhật Bản, ông Takamasa Sakurai khi đến Việt Nam bày tỏ:
- Mỗi bộ phim hoạt hình Nhật Bản đều nhằm đến những đối tượng khán giả riêng. Họ đã tạo nên những nhân vật không mang quốc tịch Nhật Bản, mà dành cho mọi người trên thế giới ở mọi lứa tuổi.
Như ta biết hiện nay có rất nhiều phần mềm làm phim hoạt hình ở Nhật đã bán rộng rãi. Tuỳ nội dung phim mà các nhà làm phim có thể ứng dụng công nghệ nào cho phù hợp, còn không thì kết hợp cả hai công nghệ 2D và 3D để tìm ra phương pháp nào đó nhằm thu lợi nhuận nhiều nhất, mà phim vẫn có chất lượng cao. Vậy đây có hẳn là một chiều hướng thuận lợi cho cho sự phát triển của phim hoạt hình Việt Nam?
Hy vọng về một thương hiệu hoạt hình Việt Nam
Có lẽ điều cần quan tâm đến trước hết, đó là việc đổi mới về công nghệ và kỹ thuật, để xoá đi căn bệnh “ăn bớt động tác” của các hoạ viên, khi vẽ các nhân vật, trong tình trạng kinh phí ít ỏi. Thay vào đó là một trường quay chuyên biệt cho thể loại hoạt hình, với thiết bị hiện đại, cho phép các nhà làm phim gắn chíp điện tử vào các nhân vật để điều khiển hoạt động của chúng một cách nhịp nhàng và ăn khớp ở thể loại phim 3D. Bởi hiện nay, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cần phải có trường quay hiện đại để thực hiện đề án với thể loại phim dài, 30 đến 40 phút, với hình thức thể hiện đa dạng, bao gồm các thể loại như: cắt giấy, búp bê, vi tính, 3D, hoặc pha trộn 2D và 3D. Nhưng chuyện còn quan trọng hơn cả trường quay hiện đại, hay rạp chiếu riêng, lại là việc đào tạo những tác giả chuyên nghiệp để có kịch bản hay. Bởi chỉ có những nhà viết kịch giỏi mới hy vọng có được những nhân vật hoạt hình nổi tiếng trên thế giới và khi ấy mới có cơ hội làm nên thương hiệu hoạt hình Việt Nam. Có lần, trong một cuộc gặp gỡ, các nhà báo hỏi ông Takamasa Sakuarai có dự định về đầu tư sản xuất phim hoạt hình ở Việt Nam hay không, thì ông trả lời thẳng thắn rằng:
- Tôi phải xem tác phẩm của các bạn. Nếu tác phẩm của các bạn hay, tức khắc nhà sản xuất sẽ tìm đến…
Đây là câu trả lời đáng để chúng ta suy nghĩ về câu chuyện, tìm hướng đi cho phim hoạt hình Việt Nam, trong thời gian tới.