Chọn nghề, lập nghiệp: Cần cân nhắc khả năng và sở trường
Giáo dục - Ngày đăng : 07:26, 01/04/2010
Mỗi mùa tuyển sinh đến, các bậc phụ huynh cũng như học sinh cuối cấp lại phải trăn trở chọn trường, chọn nghề. Những học sinh có học lực khá thường chọn trường theo sở thích hoặc theo nghề "hót". Còn người có lực học trung bình thì băn khoăn: làm sao chọn được ngành học phù hợp với sở trường, với sức học của mình. Trong khi đó, việc tham khảo ý kiến phụ huynh và bạn bè lại có những hạn chế nhất định.
Trường ĐH FPT luôn chú trọng đào tạo kỹ năng cần thiết để SV có thể tìm được công việc phù hợp với khả năng khi ra trường. Ảnh: Nguyệt Ánh |
Em Trần Thị Thu, học sinh Trường THPT Ngọc Hồi cho biết: "Em định thi vào Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhưng chưa biết chọn khoa nào?". Bố mẹ không có nhiều kiến thức xã hội và những mối quan hệ nên không thể tư vấn cho con ngành học, nên Thu chỉ biết tham khảo ý kiến bạn bè hoặc sách báo. Ngược lại em Nguyễn Hoài Anh, học sinh Trường THPT Kim Liên lại khá tự tin: Em chọn Trường Đại học Ngoại thương để học, mặc dù biết đây là trường có yêu cầu rất cao.
Chia sẻ những băn khoăn của các em, ông Chu Tuấn Anh, Giám đốc Hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aproitrain - Aptech cho rằng, đối với lớp trẻ hiện nay, việc học ngành gì, cấp độ nào không quá quan trọng. Điều quan trọng hơn là học để thành nghề và giỏi nghề. Ông Tuấn Anh cho biết, hiện nay Aptech đang đào tạo học viên chuyên ngành lập trình viên quốc tế, kỹ thuật viên phần mềm và chuyên gia hệ thống thông tin. Qua theo dõi phản hồi, 95% học viên ra trường đều có việc làm ổn định với mức thu nhập cao. Thậm chí nhiều học viên đã có việc làm ổn định ngay từ khi còn đang học tại trường.
Cùng quan điểm học là phải giỏi nghề, ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học FPT cho rằng, trừ những trường hợp học để nối nghiệp bố mẹ, các bậc phụ huynh cũng như các bạn trẻ cần có một sự thay đổi trong nhận thức, đó là học phải phù hợp với khả năng, sở trường để phát huy được hết các yếu tố vốn có trong mỗi con người. Đặc biệt, các bạn trẻ cần phải rèn luyện nhiều hơn về kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, nhất là làm việc theo nhóm và theo kế hoạch. Quan tâm đến điều này, trong quá trình đào tạo, FPT đã dành từ 8 tháng đến 1 năm cho học sinh đi làm việc thực tế tại các công ty thành viên của tập đoàn, thậm chí có thể đi thực tập tại nước ngoài. Thời gian này, học viên phải làm việc thực sự, được rèn luyện một cách bài bản, chuyên nghiệp.
Nói về xu hướng nghề, ông Lương Minh Sơn, Chủ tịch HĐQT Vinasoftware nhận định, hiện nay ngành công nghệ thông tin đang thiếu nguồn nhân lực. Bản thân Vinasoftware cũng vẫn đang trong quá trình tìm kiếm nhân tài. Và chắc chắn, không chỉ riêng lĩnh vực công nghệ thông tin, ở bất cứ ngành học nào, nghề nào, nếu học giỏi và có kỹ năng làm việc tốt sẽ không phải vất vả tìm việc.