Hà Nội được hưởng nhiều cơ chế mở để phát triển hạ tầng
Xã hội - Ngày đăng : 07:04, 01/04/2010
* Xem xét cho vay không lãi 2.000 - 3.000 tỷ đồng đầu tư nhà ở công nhân
* Hà Nội được thành lập Sở Phòng cháy chữa cháy
(HNM) - Hôm qua 31-3, Văn phòng Chính phủ đã thông báo chính thức về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội ngày 17-3.
Thủ tướng Chính phủ biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội trong năm 2009 và quý I-2010 đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt kết quả khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2009 đạt 6,7% (quý I-2010 dự kiến đạt 8,7%) cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Sau hơn một năm hợp nhất mở rộng, Hà Nội vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, quản lý đô thị có nhiều chuyển biến tốt, nhiều công trình hạ tầng lớn được hoàn thành phục vụ nhân dân; an sinh xã hội được bảo đảm; chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Thủ tướng chỉ đạo, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô cần quyết tâm hơn nữa, phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục những mặt còn hạn chế để hoàn thành kế hoạch năm 2010, làm động lực cho phát triển những năm tới và coi đây là nhiệm vụ quan trọng phải được thảo luận trong Đại hội Đảng bộ thành phố sắp tới.
Gắn hoạt động kỷ niệm với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội
Về một số nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố cần làm tốt công tác chuẩn bị để tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong đó, phải gắn các hoạt động kỷ niệm với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Song song với nhiệm vụ bảo đảm ANCT, TTATXH, củng cố quốc phòng, quân sự địa phương, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các sự kiện quan trọng diễn ra trên địa bàn, bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng chỉ đạo thành phố cần tập trung đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, phấn đấu tăng trưởng GDP cao hơn 10%, gắn với kiềm chế lạm phát, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế. Đồng thời, tiến hành rà soát, hoàn thiện các quy định, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính…
Thủ tướng cũng chỉ đạo Hà Nội cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác quản lý quy hoạch đô thị, tạo chuyển biến mạnh trong quản lý đất đai, tăng cường bảo vệ môi trường đô thị, phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội và mở rộng hoạt động đối ngoại…
Bảo đảm đủ nguồn vốn cho các công trình dự án
Thủ tướng đã đồng ý một số kiến nghị của Hà Nội, trong đó nổi bật là liên quan đến phát triển hạ tầng. Thủ tướng cho phép Hà Nội áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư đàm phán đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng và chuyển giao) gồm: Dự án xây dựng các tuyến đường đấu nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông; tuyến đường nối từ đường Phạm Văn Đồng đến đường 69; tuyến đường 70 theo quy hoạch (đoạn Hà Đông - Văn Điển và đoạn từ Láng - Hòa Lạc đến Nhổn); nâng cấp, mở rộng quốc lộ 6; cải tạo môi trường các hồ. Thành phố cũng được phép thí điểm đầu tư một số dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật lớn theo hình thức đầu tư mới ở Việt Nam nhưng rất thành công ở các nước phát triển là hợp tác Nhà nước - tư nhân (PPP). Bộ KH-ĐT có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện đầu tư theo hình thức này đối với các dự án: xây dựng tuyến đường Vành đai 4; xây dựng một số tuyến đường bộ trên cao; cải tạo sông Tô Lịch và xây dựng tuyến giao thông Nhật Tân - Nội Bài.
Ngoài việc đồng ý cho Hà Nội được vay vốn các tổ chức tài chính nước ngoài, hợp tác đầu tư theo hình thức PPP (cả trong nước và ngoài nước), Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT đưa vào danh sách ngắn các dự án vận động ODA để tạo nguồn vốn triển khai các dự án của Hà Nội như: tuyến đường sắt đô thị số 2 - đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình, tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai, Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá - Thanh Trì. Thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ xem xét hỗ trợ cho vay vốn đầu tư (khoảng 2.000-3.000 tỷ đồng) không lãi để thúc đẩy các DN đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp tập trung tại Hà Nội. Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Hà Nội rà soát và bổ sung, hỗ trợ ngân sách thành phố bảo đảm đủ nguồn vốn cho các công trình, dự án kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội theo danh mục thành phố đề nghị.
Các bộ, ngành để lại cơ sở vật chất cho thành phố Hà Nội quản lý sau khi di dời
Về một số kiến nghị cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương cho Hà Nội thành lập Sở Phòng cháy chữa cháy và tiếp tục triển khai dự án xây dựng Khu liên cơ quan hành chính thành phố. Thủ tướng giao các bộ Xây dựng, Giáo dục - Đào tạo, Y tế, Công thương đẩy nhanh tiến độ lập và trình duyệt Quy hoạch ngành (mạng lưới các trường đại học và bệnh viện lớn) trong vùng Thủ đô cũng như trên địa bàn thành phố. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ di chuyển cơ sở đào tạo, y tế và nhà máy ra ngoài khu vực trung tâm; sau khi di chuyển, giao cơ sở hiện có trong nội thành để TP Hà Nội quản lý, đầu tư thực hiện mục tiêu giảm mật độ, dân số và tăng cường công trình công ích, công cộng. Bộ Tài chính có nhiệm vụ hoàn chỉnh, trình Thủ tướng sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách di dời nói trên và đề xuất cơ chế giao cho Hà Nội tiếp nhận, quản lý, sử dụng cơ sở vật chất của các bộ, ngành sau khi di chuyển đến nơi làm việc mới. Thủ tướng kết luận: Trước mắt, không cho phép xây thêm làm tăng mật độ tại các trường ĐH, các bệnh viện và các nhà máy hiện có trong nội thành. Thủ tướng giao TP Hà Nội làm chủ đầu tư dự án xây dựng cầu Tứ Liên và cầu Hồng Hà.
Về kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, đoàn thể TƯ, các tỉnh, thành phố triển khai kế hoạch thực hiện các hoạt động kỷ niệm theo đúng chương trình đã được Chính phủ phê duyệt. Thủ tướng cũng đồng ý tổ chức khai mạc 10 ngày Đại lễ, bắt đầu vào sáng 1-10 tại Vườn hoa Lý Thái Tổ và kết thúc bằng Đêm hội văn hóa nghệ thuật chào mừng 1000 năm Thăng Long vào tối ngày 10-10 tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình.