Nhiều môn xã hội, học sinh sẽ vất vả?
Giáo dục - Ngày đăng : 07:25, 31/03/2010
Học sinh Trường THPT Quốc tế Việt - Úc trong một tiết học địa lý. Ảnh: Bảo Lâm |
Phương án đã từng xảy ra
Lâu nay khá nhiều trường, giáo viên, HS và cả phụ huynh thường dự đoán môn thi TN THPT bằng cách loại trừ những môn vừa thi năm trước hoặc cân đối giữa các môn tự nhiên - xã hội. "Dự báo" này nhiều khi đúng và môn địa lý vừa mới thi năm 2009 nên vì thế quyết định có tới 4 môn thi TN THPT năm 2010 thuộc lĩnh vực KHXH&NV phần nào khiến một số người hơi bất ngờ.
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: Việc quyết định các môn thi do lãnh đạo Bộ bàn bạc, thống nhất trên cơ sở các phương án của Cục. Nguyên tắc của việc xây dựng phương án các môn thi là ngoài 3 môn thi bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ), ba môn còn lại được lựa chọn trong số các môn học, song phải đạt mục đích để HS được "học gì thi nấy", học đều các môn, không học lệch, học tủ. Đã có năm HS thi khối C rất lo lắng vì có nhiều môn thi thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên như vật lý, hóa học (năm 2007), vật lý, sinh học (năm 2008-2009). Năm 2006, hai môn lịch sử và địa lý cũng đã được chọn là môn thi TN. Vì thế, việc quy định có 4/6 môn thuộc lĩnh vực KHXH&NV như năm nay không có gì bất ngờ, cũng không phải bất hợp lý. Theo ông Trần Văn Nghĩa, mục đích của kỳ thi TN THPT là đánh giá chất lượng học tập của HS theo chuẩn kiến thức, kỹ năng do Bộ GD-ĐT ban hành, nếu các trường dạy đủ các môn theo số tiết trong phân phối chương trình và tổ chức ôn tập theo đúng hướng dẫn thì không có gì đáng lo ngại.
Sao không phải là 4 môn?
Hiệu trưởng một số trường THPT công lập trên địa bàn Hà Nội cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến HS lo lắng vì ở một số nơi có tâm lý "thi gì học nấy" nên dành nhiều thời gian ôn luyện những môn dự kiến sẽ thi, dẫn đến tình trạng HS lơ là các môn khác. Tuy vậy, việc "sửa sai" cũng không khó bởi thời gian 2 tháng đủ để tổ chức cho HS ôn tập môn lịch sử, địa lý đạt điểm trung bình. Mục tiêu này dễ thực hiện hơn so với các môn tự nhiên, song để giành điểm cao thì rất khó. Vì thế, trong lúc này rất cần sự nỗ lực của cả giáo viên và HS. Cách làm của nhiều trường là phân loại HS để tổ chức ôn tập, sau đó kiểm tra chất lượng để kịp thời điều chỉnh biện pháp, nội dung ôn tập cho từng đối tượng HS một cách phù hợp.
Lại có ý kiến băn khoăn, có cần thiết phải tổ chức một kỳ thi TN căng thẳng với 6 môn thi như hiện nay không? Để bảo đảm mục tiêu giáo dục toàn diện thì việc quyết định môn thi TN sao cho HS không học lệch, học tủ chỉ là giải pháp tình thế. Vấn đề lâu dài là phải nâng cao hiệu quả của công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai và thanh tra, kiểm tra hoạt động giáo dục ở các nhà trường. Khi mà chương trình THPT phân ban đã được triển khai đại trà, HS đã được học phân hóa theo khả năng và sở thích thì nên chăng, ngoài 3 môn bắt buộc, các em có thể chọn thi thêm một hoặc hai môn theo khả năng hoặc theo ban. Thậm chí có ý kiến cho rằng, có thể dùng cách tổ chức thi này để tuyển sinh vào ĐH, CĐ, còn việc xác nhận hoàn thành chương trình THPT nên giao quyền cho các địa phương như đề án Đổi mới thi và tuyển sinh của Bộ GD-ĐT từng có lần đề cập.
Khi chuyện thi cử vẫn là gánh nặng như hiện nay thì các trường vẫn phải đứng trước mâu thuẫn giữa yêu cầu phải dạy - học toàn diện sao cho HS không học lệch, học tủ và mục tiêu thi một số môn đạt kết quả cao.
Nội dung ôn tập chủ yếu là chương trình lớp 12 Bộ GD-ĐT vừa có văn bản gửi các sở GD-ĐT về việc tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2010. Theo yêu cầu của Bộ, các trường không được cắt xén chương trình; dạy - học bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng; tổ chức ôn tập hiệu quả, tập trung vào những kiến thức, kỹ năng cơ bản nằm trong chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với điều kiện địa phương và khả năng nhận thức của HS. Cũng theo yêu cầu của Bộ, các trường cần phân loại HS theo khả năng nhận thức, tập trung ôn tập nhiều hơn cho những HS yếu; chú trọng thông tin phản hồi về kết quả ôn tập của HS để có sự điều chỉnh hợp lý. |