Lựa chọn và áp dụng cách thức tối ưu

Đời sống - Ngày đăng : 07:25, 31/03/2010

(HNM) - Chiều 30-3, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã đi kiểm tra thực tế về kết quả xử lý thí điểm ô nhiễm môi trường tại 4 hồ: Hai Bà Trưng, Quỳnh, Kim Liên và Xã Đàn. PV Hànộimới đã phỏng vấn nhanh Phó Chủ tịch xung quanh vấn đề trên.

Công ty TNHH nhà nước một thành viên Thoát nước Hà Nội nạo vét bùn đất hồ Trúc Bạch. Ảnh: TTXVN

- Thưa Phó Chủ tịch, tại sao UBND TP đồng ý cho thực hiện xử lý thí điểm ô nhiễm môi trường tại 7 hồ?

- Hà Nội có nhiều hồ bị ô nhiễm. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân xung quanh hồ mà còn ảnh hưởng đến môi trường của dân cư ở những vùng lân cận, tạo ra nhiều bức xúc trong nhân dân và dư luận. Trước đây, do hoàn cảnh lịch sử, do hạn chế về kinh phí, TP chưa thể triển khai cải tạo, nạo vét hồ như ý muốn. Nay kinh tế phát triển, Hà Nội có điều kiện đầu tư mạnh hơn để cứu hồ, vốn là một nét đặc thù của Thủ đô.

Thực ra, việc xử lý thí điểm 7 hồ: Hai Bà Trưng, Quỳnh, Hữu Tiệp, Kim Liên, Xã Đàn, Ngọc Hà, Ngọc Khánh vẫn nằm trong kế hoạch của thành phố để thực hiện đề án "Nhiệm vụ và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn thành phố Hà Nội" được HĐND thành phố thông qua. Thành phố đã ra quyết định quy định yêu cầu để lựa chọn hồ, quy trình thử nghiệm và yêu cầu kỹ thuật đi kèm cho việc thử nghiệm. Một tổ công tác liên ngành và các nhà khoa học đã được thành lập để tham mưu trong việc lựa chọn phương án công nghệ, giám sát việc triển khai thực hiện và đánh giá kết quả thử nghiệm của các đơn vị.

Hà Nội đã chọn những công nghệ tiến bộ khác nhau để áp dụng trên 7 hồ. Sau khi xem xét kỹ lưỡng, thành phố sẽ chọn ra cách thức tối ưu nhất, có hiệu quả cao nhất và chi phí thấp nhất để áp dụng cho các hồ nội thành ngay trong năm 2010.

Công nhân nạo vét và lát kè hồ Đống Đa. Ảnh: TTXVN

- Phó Chủ tịch đánh giá thế nào về kết quả thử nghiệm tại 7 hồ?

- Tôi đã đi tất cả các hồ không chỉ một lần. Qua đợt kiểm tra này, tôi thấy các hồ đều có tiến triển tốt. Nước hồ không còn mùi nặng như trước và trong hơn nhiều, có nơi còn nhìn được xuống tận đáy. Đó là về cảm quan. Theo báo cáo của Trung tâm Quan trắc và Phân tích tài nguyên môi trường, các chỉ số về COD, BOD đều đạt mức tiêu chuẩn cho phép, khác hẳn trước khi làm thử nghiệm. Đó là điểm đáng mừng vì mới chỉ thử nghiệm từ tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, vì đang làm thí điểm nên các đơn vị thực hiện và giám sát cần theo dõi cẩn thận những biến đổi mức độ ô nhiễm của hồ. Bởi vì có lúc, theo phản ánh của nhân dân, nước hồ Quỳnh bị ô nhiễm trở lại.

- Bao giờ thành phố sẽ chọn được công nghệ tối ưu để cứu các hồ còn lại, thưa Phó Chủ tịch?

- Trong tuần tới, thành phố sẽ họp Hội đồng các nhà khoa học, nhà quản lý để chọn công nghệ. Hội đồng sẽ thảo luận một cách cẩn trọng, chọn ra một phương cách hợp lý nhất. Sau đó sẽ triển khai áp dụng trên tất cả các hồ.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tập hợp được một số đơn vị, cá nhân đăng ký làm sạch các hồ còn lại. Nhưng thành phố sẽ ưu tiên lựa chọn những đơn vị đang làm thử nghiệm và đạt kết quả tốt ở 7 hồ.

- Theo Phó Chủ tịch, cách thức nào để bảo vệ hồ bền vững?


- Hồ Hà Nội chỉ có thể sạch khi cả Nhà nước, nhân dân và các đơn vị liên quan đồng lòng bảo vệ. Sau khi đầu tư cải tạo, hồ sẽ bàn giao lại cho đơn vị quản lý trực tiếp là Công ty Thoát nước Hà Nội. Đơn vị này có trách nhiệm duy trì những kết quả đã đạt được. Chính quyền các cấp có trách nhiệm nhắc nhở nhân dân giữ gìn môi trường, cảnh quan của hồ và cần áp dụng nhiều biện pháp để nâng cao ý thức của nhân dân.

- Xin cảm ơn Phó Chủ tịch!

Đức Trường