Hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững
Kinh tế - Ngày đăng : 07:20, 31/03/2010
Lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty Điện tử Hà Nội (Hanel). Ảnh: Nguyệt Ánh |
Tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn quý I tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành nông - lâm - thủy sản tăng 21,6%, ngành công nghiệp xây dựng tăng 9,2%, các ngành dịch vụ tăng 6,9% (đóng góp vào tăng trưởng chung lần lượt là: 1,09%, 4,4% và 3,27%). Theo đánh giá của các chuyên gia, GDP quý I năm nay đạt tốc độ tăng khá hơn cùng kỳ năm trước, song vẫn thấp so với tốc độ tăng cùng kỳ nhiều năm trước, do kinh tế của Hà Nội vẫn chưa thoát hẳn sự ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kinh tế nhà nước tăng 6,1% (TƯ tăng 6,2%, địa phương: 5,6%), kinh tế ngoài nhà nước tăng 13,6% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tăng 14,9%. Đặc biệt, các doanh nghiệp (DN) khu vực ngoài nhà nước tăng 13,6%. Trong đó, công ty TNHH tư nhân tăng 13,4%, công ty cổ phần:15,3%, DN tư nhân: 14,3%, hộ cá thể: 12,1%. 20/22 ngành sản xuất tăng, trong đó một số ngành tăng khá là khai thác đá, mỏ khác tăng 25,6%, đồ da tăng 26,9%, giấy và sản phẩm từ giấy: 27%, ti vi, thiết bị thông tin: 56,8%, dụng cụ chính xác: 90,7%, tái chế: 60%... Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn ĐTNN tăng 14,9% với 20/20 ngành đều tăng.
Vốn đầu tư phát triển đạt 29.601 tỷ đồng (tăng 9,1%), trong đó vốn nhà nước đạt 9.126,6 tỷ đồng (tăng 0,9%), vốn ngoài nhà nước đạt 17.431,9 tỷ đồng (tăng 17,7%). Tính chung, quý I, Hà Nội thu hút được 65 dự án ĐTNN với tổng vốn đầu tư đăng ký 30 triệu USD; vốn đầu tư thực hiện đạt 50 triệu USD; điều này cho thấy nhà ĐTNN đã tăng tốc triển khai dự án, đi vào sản xuất, từ đó tạo điều kiện tăng nguồn thu và thu hút thêm lao động. Kim ngạch xuất khẩu của các DN địa phương tăng 23,7%. Đóng góp nhiều vào mức tăng kim ngạch xuất khẩu là các nhóm hàng như gạo, than đá, hàng dệt may, giày dép và các sản phẩm từ da, linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi... Doanh thu khách sạn, lữ hành tăng 5-10%...
UBND TP Hà Nội và các sở, ngành luôn xác định rõ mục tiêu tăng trưởng nhanh, nhưng nhấn mạnh yếu tố bền vững, kiểm soát có hiệu quả mức lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội. Thành phố đang chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu tăng tốc độ triển khai, hoàn thiện các dự án xây dựng hệ thống hạ tầng, nhất là công trình giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa, kích thích sản xuất, kinh doanh. Hà Nội cũng dành nhiều nguồn lực cho việc hoàn thiện những công trình chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tất cả nhằm huy động, sử dụng và giải phóng tối đa nguồn nội lực, tạo lực đẩy cho đời sống kinh tế - xã hội và tăng tốc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh trên cả 2 cấp độ là DN và sản phẩm. Thành phố cũng thực hiện những giải pháp đồng bộ nhằm cải thiện vị trí trong bảng tổng sắp đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh về môi trường đầu tư - kinh doanh nhằm thu hút các nguồn vốn trong, ngoài nước. Tuy nhiên, Hà Nội cũng xác định sẽ chỉ ưu tiên với những dự án có trình độ công nghệ cao, có khả năng sản xuất sản phẩm cạnh tranh và có giá trị gia tăng cao bên cạnh các tiêu chí quan trọng khác như sử dụng ít đất, khai thác nguồn lao động địa phương, kết hợp chuyển giao công nghệ hoặc dự án thuộc những lĩnh vực kỹ thuật mới...
Phát huy sức mạnh tổng hợp về nguồn vốn, công nghệ, nhân lực, vị trí trung tâm Đồng bằng Bắc bộ, Hà Nội sẽ trở thành đầu tàu kinh tế, đóng góp xứng đáng vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế đất nước.