Chỗ nào cũng vướng mặt bằng
Xã hội - Ngày đăng : 07:50, 30/03/2010
Cầu vượt Bàn Cờ thuộc tiểu dự án đường sắt Phả Lại - Hạ Long là một trong 2 dự án trọng điểm được UBND tỉnh Quảng Ninh kiên quyết chỉ đạo công tác GPMB. |
Đã rõ hình hài toàn tuyến
Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân gần như chạy song song với quốc lộ 18. Theo Cục Đường sắt Việt Nam, toàn tuyến dài 130km, đi qua 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, sẽ phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách với chất lượng cao. Khoảng 40km sẽ được làm mới hoàn toàn, 90km còn lại là cải tạo, nâng cấp từ đường sắt cũ, bảo đảm cho tàu khách chạy với tốc độ 120km/h, tàu hàng vận tốc 80km/h. Dự án được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, chia thành 4 tiểu dự án: Tiểu dự án Hạ Long - Cảng Cái Lân và cầu vượt Bàn Cờ; tiểu dự án Phả Lại - Hạ Long; tiểu dự án Lim - Phả Lại và tiểu dự án Yên Viên - Lim.
Từ quốc lộ 18, đoạn qua địa phận Bắc Ninh, nhìn sang phía nam, nếu không được giới thiệu trước, ngỡ như một con đê lớn đang được đắp lên giữa cánh đồng. Giám đốc Ban điều hành liên danh gói thầu số 2 (đắp nền đường sắt đoạn Nam Sơn - Châu Cầu) Phạm Huy Hiền cho biết, cả gói dài 11,4km với khối lượng đào đắp nền 2 triệu mét khối, xây dựng 17 hầm chui dân sinh cùng 77 công trình thoát nước, được khởi công tháng 2-2008. Các nhà thầu đã ký cam kết với chủ đầu tư bảo đảm thi công đúng tiến độ và thực hiện tốt công việc của mình. Cách đây chừng 1 năm, nơi chúng tôi đến chứng kiến lễ ký cam kết thì xung quanh toàn những cánh đồng, nay tuyến đường đang được hối hả thi công. Tại gói thầu số 9, xây dựng đường vào cảng và ga Cái Lân, tiến độ dường như còn nhanh hơn. Cây cầu vượt đường sắt tại quốc lộ 18 đã cơ bản hoàn thành.
Rào cản mặt bằng đe dọa tiến độ
Theo tiến độ, cả 2 gói thầu trên đều phải hoàn thành trong năm 2010, nhưng đều bị đe dọa bởi những vướng mắc về mặt bằng. Theo cam kết, gói thầu số 2 kết thúc vào 31-12-2010, với điều kiện đến ngày 1-11-2009, nhà thầu phải có toàn bộ mặt bằng. Tuy nhiên, đến cuối tháng 3-2010, vẫn còn khoảng 3km chưa có mặt bằng thi công. Dù chỉ có 3km, nhưng khối lượng công việc ở đây rất lớn do liên quan tới ga Nam Sơn. Kỹ sư Trịnh Toàn Năng (Ban điều hành dự án) cho biết thêm, một số công trình hạ tầng khác, như đường điện, cáp quang… chưa di chuyển khiến việc thi công gặp rất nhiều khó khăn. Tại thôn Xa Loan, xã Bồng Lai và thôn Đông Dương, xã Nam Sơn (huyện Quế Võ), còn chưa có khu tái định cư cho người dân. Với người ở "cõi âm", tình hình cũng không khá hơn.
Theo ông Trịnh Toàn Năng, trong quá trình thi công tại thôn An Đông, xã Cách Bi, huyện Quế Võ đã phát hiện nhiều mộ vô chủ, nhưng người dân địa phương khẳng định đây chắc chắn là tổ tiên của họ nên vẫn phải tổ chức di dời chu đáo. Hiện việc thi công tại đây cũng phải dừng lại đợi di chuyển mộ. Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thăng Long Nguyễn Quang Tuýnh cho biết, mới đây, đơn vị đã trúng thầu tham gia xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, nên trong thời gian chờ mặt bằng, sẽ chuyển lực lượng, máy móc sang thi công công trình đó, thay vì "đắp chiếu" nằm đợi mặt bằng. Tại gói thầu số 9, công tác GPMB cũng không sáng sủa hơn là bao. Cây cầu vượt đường sắt tại quốc lộ 18 tưởng như đã hoàn thành, nhưng nhà thầu vẫn chưa thể thi công mố nhịp, đường dẫn. Nguyên nhân là còn khoảng 60 hộ dân tại phường Bãi Cháy (Quảng Ninh) chưa di chuyển, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu. Trước tình hình đó, Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long cho biết, cũng sẽ phải điều máy móc, nhân lực sang một công trình tại Yên Tử thay vì chờ đợi...