Lò bé “nuốt” lò to

Đời sống - Ngày đăng : 07:46, 30/03/2010

(HNM) - Hiện nay, các lò giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) ở Hà Nội đang phát triển mạnh. Tuy nhiên, các cơ sở nhỏ lẻ phát triển tự phát đang gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, trong khi một số cơ sở giết mổ tập trung lại không phát huy được thế mạnh. Có những cơ sở giết mổ GSGC tập trung được đầu tư tiền tỷ phải

Tại lò mổ Thịnh Liệt vẫn giết mổ bằng phương pháp thủ công. Ảnh: Cao Minh


Lò mổ nhỏ "nuốt" lò mổ lớn
Theo Chi cục Thú y Hà Nội, trên địa bàn thành phố có gần 400 cơ sở giết mổ GSGC, nhưng chỉ có 5 cơ sở quy mô tập trung, bảo đảm các điều kiện vệ sinh thú y và được kiểm tra, kiểm dịch chặt chẽ. Tuy mới chỉ đáp ứng được 1,72% nhu cầu thịt lợn và hơn 9% nhu cầu thịt gia cầm của thành phố nhưng các cơ sở này cũng đang hoạt động cầm chừng hoặc phải chuyển sang kinh doanh các mặt hàng khác, do không cạnh tranh được với các cơ sở giết mổ GSGC nhỏ lẻ.

Ông Cấn Xuân Bình, Chi cục phó Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, hầu hết các các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đều nằm rải rác ở trong khu dân cư, phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ, thường giết mổ từ 1-5 con/ngày đối với gia súc, 10-50 con/ngày đối với gia cầm. Điều này gây khó khăn cho ngành trong việc quản lý vệ sinh thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đều không có hệ thống xử lý chất thải rắn, lỏng, không có các thiết bị tối thiểu, sau khi giết mổ xong thường để cạnh nguồn nước thải, gia cầm sống... Nước thải trong quá trình giết mổ chảy thẳng vào hệ thống nước chung, gây ô nhiễm môi trường.

Ông Lê Đình Phượng, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất khẩu thực phẩm (Foodex) ở huyện Đan Phượng cho biết: Công ty đã đầu tư 25 tỷ đồng xây dựng khu giết mổ tập trung công suất 9.000 tấn/năm, dây chuyền chế biến đồng bộ, đạt tiêu chuẩn châu Âu, đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề. Khánh thành từ năm 2008, nhưng đến nay khu giết mổ này chỉ hoạt động cầm chừng, vào dịp Tết từ 20-30 con/ngày, ngày thường chỉ 10 con. Ông Phượng cho biết, do chi phí giết mổ ở những lò mổ tập trung giá thường cao hơn 4-5 nghìn đồng/con so với các cơ sở nhỏ lẻ, đồng thời, do người dân vẫn có thói quen dùng sản phẩm tươi sống mua ngay tại các chợ ở gần khu dân cư, còn với thịt đóng gói mặc dù sạch, bán trong siêu thị lại rất ít người quan tâm. Vì vậy, hầu hết các lò giết mổ tập trung hiện nay không thể hoạt động được.

Gỡ cách nào?
Trước thực trạng trên, Hà Nội đang khẩn trương triển khai 7 dự án xây dựng các cơ sở giết mổ, chế biến GSGC tập trung, công nghiệp như: Nhà máy giết mổ GSGC và chế biến thực phẩm tại cụm công nghiệp Hà Bình Phương (huyện Thường Tín); tại xã Trạch Mỹ Lộc (huyện Phúc Thọ); dự án giết mổ trâu, bò tại xã Tri Thủy và Quang Lãng (huyện Phú Xuyên); dự án tại xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm và tại xã Xuân Nội huyện Đông Anh... Tuy nhiên, theo Sở Công thương, 7 dự án trên hầu hết vẫn đang trong quá trình thẩm định duyệt quy hoạch. Do đó, trong năm 2010, chỉ có 1-2 dự án có thể hoàn thành, còn lại vẫn chưa xác định được thời hạn.

Ông Trần Xuân Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, Hà Nội đã có nhiều bài học từ việc xây dựng các điểm giết mổ tập trung xong đắp chiếu bỏ đấy. Việc xây dựng các lò mổ tập trung phải có lộ trình, cơ sở giết mổ GSGC lớn, gây ô nhiễm môi trường thì cần kiên quyết đưa ra khỏi các quận nội thành, khẩn trương cho thực hiện dự án xây mới. Khó khăn lớn nhất đối với các dự án xây dựng lò giết mổ GSGC tập trung của thành phố là vướng mắc về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, kinh phí đầu tư. Thành phố nên đầu tư kinh phí và có chính sách đặc thù về thuê đất đối với các dự án phát triển khu chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung xa khu dân cư để bảo đảm vệ sinh môi trường.

Mặt khác, việc phân công quản lý còn chồng chéo, UBND thành phố giao cho Sở Công thương thực hiện dự án xây dựng 7 cơ sở giết mổ tập trung là chưa phù hợp. Nếu Sở NN&PTNT được giao nhiệm vụ này phối hợp với cấp huyện làm quy hoạch chăn nuôi và giết mổ GSGC ở từng địa phương, như vậy sẽ dễ triển khai và quản lý hơn… Ngoài ra, hiện nay người chăn nuôi, người giết mổ, người tiêu dùng GSGC ở Hà Nội và cả nước chưa "liên kết" mà vẫn rời rạc. Nên chăng, trước mắt thành phố hỗ trợ các xã một phần kinh phí, dụng cụ, trang thiết bị để xây dựng 1-2 cơ sở giết mổ quy mô vừa, bảo đảm vệ sinh thú y và giao cho cán bộ thú y cấp thôn, bản phụ trách giám sát vệ sinh thú y. Đi đôi với biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân, thành phố cần đưa ra các chế tài xử phạt cần thiết để đưa việc giết mổ, kinh doanh GSGC vào nền nếp.

* Mục tiêu của thành phố năm 2010 là bảo đảm phần lớn khối lượng thực phẩm GSGC tiêu thụ trên địa bàn thành phố được giết mổ, bảo quản, chế biến tại các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp.
* Năm 2011 sẽ chấm dứt việc giết mổ nhỏ lẻ, phân tán tại các địa phương.

Quỳnh Dung