Giơ cao, đánh khẽ?
Đời sống - Ngày đăng : 07:14, 30/03/2010
Một số người dân thôn Trù 2 phản ánh đến Báo Hànộimới sự việc như sau: Từ giữa năm 2009, lợi dụng việc hút bùn nạo vét sông Nhuệ, chủ hai hồ cá tại khu đồng Ngái Cao là ông Trịnh Hữu Thời và ông Hà Văn Thanh đã san lấp 3 ao thả cá, diện tích hơn 10.000m2, không chỉ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai mà còn gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường khu vực, bùn đất ô nhiễm đã "nuốt chửng" một đoạn đường bê tông dân sinh của bà con xóm 18b Việt Hà.
Toàn bộ diện tích ao ông Hà Văn Thanh quản lý đã biến thành vườn. |
Theo những tài liệu chúng tôi thu thập được, ông Trịnh Hữu Thời, thường trú tại xóm 18, xã Cổ Nhuế không phải là chủ hợp đồng thuê đất ao khu đồng Ngái Cao. Từ năm 2004, HTX Cổ Nhuế đã ký hợp đồng sản xuất với ông Văn Viết Đoàn, trú tại xóm 15 xã Cổ Nhuế, diện tích ký hợp đồng là 5.016m2 mặt nước ao thả cá. Sau đó ông Đoàn nhượng lại quyền sử dụng diện tích trên cho ông Thời, không thông qua chính quyền địa phương. Ngày 10-6-2009, ông Thời có đơn gửi UBND xã Cổ Nhuế xin được san lấp mặt bằng để chuyển đổi trồng cây ăn quả. Chẳng cần đợi chính quyền địa phương đồng ý, ông Thời đã dẫn bùn từ sông Nhuệ vào lấp đầy diện tích ao trên. Thời điểm sau khi chính quyền địa phương xác minh, diện tích ao do ông Thời san lấp lên đến 10.000m2 chứ không chỉ có hơn 5.000m2 như trong hợp đồng của ông Đoàn.
Trường hợp thứ hai là ông Hà Văn Thanh. Ngày 23-7-2009, UBND xã Cổ Nhuế đã ký hợp đồng thuê đất với ông Hà Văn Thanh, địa chỉ xóm 19, xã Cổ Nhuế, nội dung là cho thuê 5.347m2 đất ao để sản xuất nông nghiệp. Nhưng vừa nhận ao, ngày 5-8-2009, ông Thanh có đơn xin san lấp mặt nước để trồng cây. Và cũng giống như ông Thời, hơn 5.000 m2 mặt nước đã biến thành đất vườn chỉ trong vài ngày không đợi ý kiến của chính quyền sở tại. Cũng cần nói thêm rằng, ở thời điểm ông Thanh và ông Thời san lấp ao, Công ty Thủy lợi sông Nhuệ đang thực hiện Dự án nạo vét sông Nhuệ, đoạn qua huyện Từ Liêm, đơn vị thi công đoạn này là Công ty CP Đầu tư xây lắp và khai thác cảng.
Báo cáo với UBND huyện Từ Liêm về vụ việc trên, trong công văn số 462/ĐC-UBND ngày 24-9-2009, UBND xã Cổ Nhuế cho biết, đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai đối với hộ ông Trịnh Hữu Thời và ông Hà Văn Thanh, đình chỉ hành vi vi phạm và yêu cầu khôi phục lại nguyên trạng thửa đất. Căn cứ Nghị định số 182/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004 của Chính phủ, UBND xã nhận thấy hành vi vi phạm của hai hộ trên vượt quá thẩm quyền xử lý của xã, đề nghị UBND huyện cho ý kiến chỉ đạo.
Ngày 26-2-2010, đại diện Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Từ Liêm đã về làm việc với UBND xã Cổ Nhuế, yêu cầu xã tiếp tục đình chỉ hành vi vi phạm hành chính và khôi phục hiện trạng ban đầu đối với hộ ông Thanh và ông Thời; thanh lý hợp đồng đối với ông Hà Văn Thanh do đã tự ý san lấp đất làm thay đổi hiện trạng, trả lại diện tích đất trên để UBND xã quản lý, sử dụng đúng mục đích. Ngày 8-3-2010, UBND xã Cổ Nhuế đã có Quyết định số 82 và 83/QĐ-UBND, buộc hộ ông Thanh và ông Thời "khôi phục lại tình trạng ban đầu của thửa đất".
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Nhuế cho biết, vụ việc vẫn đang được chính quyền xã tập trung giải quyết. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Hùng, nếu diện tích sau khi san lấp các hộ vẫn sử dụng để sản xuất nông nghiệp thì không vấn đề gì (!). UBND xã sẽ nghiên cứu, rà soát lại diện tích và tiếp tục cho các hộ ký hợp đồng sản xuất nông nghiệp, đồng thời tăng cường công tác quản lý đất đai, tránh tình trạng xây dựng trái phép.
Thiết nghĩ, giải pháp buộc người vi phạm "khôi phục hiện trạng ban đầu" đối với 15.000m2 mặt nước đã bị san lấp là chuyện "bất khả thi", nếu không muốn nói rằng quyết định số 82, 83 của UBND xã Cổ Nhuế chỉ là ban hành cho đủ thủ tục. Còn nếu có chủ trương tiếp tục cho ký hợp đồng sử dụng đất nông nghiệp trên những diện tích ao vừa bị san lấp thì chính quyền huyện Từ Liêm, xã Cổ Nhuế cần xử lý nghiêm sai phạm trước, đồng thời công khai việc cho thuê đất theo hình thức đấu giá nhận thầu để mọi xã viên đều có quyền tham gia; tránh để tồn tại kiểu xử lý "giơ cao đánh khẽ", hòa cả làng, gây tiền lệ xấu cho việc quản lý đất nông nghiệp trên địa bàn.