Học “2 trong 1”
Giáo dục - Ngày đăng : 06:48, 30/03/2010
Trên nền truyền thống...
Cái tên ĐH Hà Nội có thể chưa thật quen với xã hội nhưng ĐH Ngoại ngữ Thanh Xuân Hà Nội thì đã nổi tiếng mấy chục năm qua, đặc biệt trong giai đoạn nhà trường đảm nhiệm nhiệm vụ chuẩn bị vốn ngoại ngữ cơ bản cho các sinh viên ưu tú được Nhà nước cử đi học ở nước ngoài. Hơn 40 năm chỉ chuyên dạy tiếng nước ngoài, ĐH Ngoại ngữ Hà Nội đã trở thành trường ĐH công lập hàng đầu về đào tạo và nghiên cứu ngoại ngữ ở Việt Nam. Bởi thế, không có gì lạ khi nơi này có đến 19 ngành tiếng, trong đó có những ngôn ngữ hiếm nơi dạy, như Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Séc, Slovak, Thái, Ả Rập bên cạnh những ngôn ngữ thông dụng như Anh, Pháp, Trung, Đức cũng như tiếng các nước hiện có mối quan hệ kinh tế với nước ta, xã hội có nhu cầu như Nhật, Hàn...
Trường Đại học Hà Nội luôn thu hút các bạn trẻ đến học và nghiên cứu ngoại ngữ. Ảnh: Linh Ngọc |
Mặc dù hiện nay có nhiều cơ sở dạy ngoại ngữ, đặc biệt là những ngôn ngữ thông dụng, nhưng có lẽ hiếm nơi nào có đội ngũ giáo viên thường xuyên được tu nghiệp tại nước ngoài và cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học tiếng khá hiện đại như ở ĐH Hà Nội. Một thư viện điện tử với 250 máy tính nối mạng hoạt động 16 giờ/ngày; 5 phòng học đa năng với trên 210 máy tính nối mạng, 14 phòng lab dành cho việc dạy dịch ca bin, thư viện băng đĩa với trên 2.000 đĩa... là nơi sinh viên sẽ được rèn kỹ năng tốt nhất.
Thế mạnh của một cơ sở đào tạo ngoại ngữ, đặc biệt là về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất được phát huy tối đa trong những năm gần đây thông qua mối quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng của trường với các trường đại học của các nước mà trường có đào tạo tiếng. Khoa nào cũng có quan hệ với các nước để vừa tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tiếng cho giáo viên, vừa tạo điều kiện để sinh viên của mình được "nhúng" vào môi trường ngôn ngữ mà các em đang theo đuổi. Trong những năm học tập tại trường, không ít sinh viên được học hè tại các nước và khoảng thời gian này rất quan trọng đối với người học ngoại ngữ, bởi họ không chỉ được thực hành tiếng mà còn hiểu hơn về văn hóa của các nước. Mối quan hệ này còn giúp trường luôn có đội ngũ chuyên gia người bản ngữ tham gia dạy tiếng cho sinh viên.
Làm đà phát triển hiện đại
Mặc dù có thế mạnh về đào tạo ngoại ngữ nhưng nhà trường cũng hiểu rằng, với số đông người học, ngoại ngữ chỉ được coi là một phương tiện để làm việc hiệu quả hơn. Chính vì thế, trường đã chuẩn bị các điều kiện và được phép đào tạo một số ngành khác, như quản trị kinh doanh, du lịch, quốc tế học, khoa học máy tính, tài chính- ngân hàng, kế toán là những ngành rất cần sử dụng ngoại ngữ. Hướng đi trong tương lai của trường được xây dựng trên nền truyền thống của một cơ sở đào tạo ngoại ngữ: dạy các chuyên ngành trên bằng tiếng Anh.
Sinh viên của trường sẽ được Khoa Đào tạo đại cương "chăm sóc" trong năm đầu để sau 4 khóa học, trình độ tiếng Anh của họ phải đạt tương đương IELTS 6.0. Không những thế, học tiếng Anh ở đây, sinh viên được thực hành, luyện tư duy, kỹ năng tự học. Chương trình học được xây dựng phù hợp với "đầu vào". Cách làm này tiết kiệm thời gian cho nhà trường lẫn sinh viên. Với vốn tiếng Anh này, ai học công nghệ thông tin, du lịch, quản trị kinh doanh hay tài chính - ngân hàng cũng đều dễ dàng theo được các chương trình giảng dạy được "nhập khẩu" từ các nước và nội địa hóa cho phù hợp với yêu cầu của giáo dục đại học trong nước. Chương trình đào tạo này được nhiều trường ĐH trên thế giới công nhận, sinh viên năm thứ 3 của trường có thể "chuyển tiếp" sang các trường này học tiếp 2 năm cuối và lấy bằng.
Tại ngày hội thông tin tư vấn tuyển sinh năm 2010 vừa được nhà trường tổ chức, không ít học sinh chuẩn bị thi đại học đã bất ngờ với những thông tin thu nhận được từ đây, không chỉ là về chương trình đào tạo mà còn là hiệu quả của nó với 90% sinh viên của trường có việc làm trước và ngay sau khi tốt nghiệp. Sự thành công của những cựu sinh viên cho thấy, chương trình và phương pháp đào tạo của ĐH Hà Nội đã cho ra những "sản phẩm" phù hợp với nhu cầu xã hội.