Sẽ xóa bỏ lao động trẻ em ở Việt Nam

Đời sống - Ngày đăng : 21:46, 29/03/2010

(HNMO) – Ngày 29/3, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (MOLISA), cơ quan Hợp tác Phát triển Tây Ban Nha (AECID) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã khai trương Dự án hỗ trợ xây dựng và triển khai các chương trình về xoá bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất ở Việt Nam với tổng kinh phí tài trợ 2,5 triệu Euro.


Việt Nam với chính sách mở cửa và hội nhập đã đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên bên cạnh đó, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã có những tác động tiêu cực đến trẻ em khiến cho trẻ em bị tổn thương nhiều hơn. Các thể chể xã hội nhằm giải quyết vấn đề này lại chưa theo kịp những cải cách kinh tế. Các bản báo cáo gần đây cho thấy số người di cư tự do trong nước, số các gia đình, trẻ em di cư và không được đăng kí tại các đô thị trung tâm có chiều hướng gia tăng. Rất nhiều trẻ em đang gặp nguy cơ bị bóc lột tình dục và sức lao động. Nhiều trẻ em và vị thành niên phải làm những công việc không chính thức, không được quản lý và quy định rõ ràng. Trong điều kiện như vậy và ít có cơ hội học hành, các em không thể có điều kiện phát triển bản thân và có một cuộc sống tốt đẹp. Những người di cư, nhóm các dân tộc thiểu số và các em gái là những nhóm đối tượng cần sự chú ý đặc biệt.

Dự án này của ILO hướng đến mục tiêu phòng ngừa và từng bước xoá bỏ các hình thức lao động trẻ em ở Việt Nam. Dự án có tầm ảnh hưởng quốc gia và thực hiện các chương trình hành động trực tiếp của dự án nhằm mục tiêu hỗ trợ 5.000 trẻ em và vị thành niên tham gia vào các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất ở 5 tỉnh và thành phố: Hà Nội, Lào Cai, Ninh Bình, Quảng Nam và Đồng Nai. Nếu thành công, các chương trình này sẽ được nhân rộng ở các khu vực khác có hoặc có nguy cơ lao động trẻ em.



Ký kết triển khai dự án


Theo đó, dự án có 4 hợp phần chính: Cải thiện cơ sở thông tin và dữ liệu quốc gia về lao động trẻ em và các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; Tạo ra môi trường thuận lợi để xoá bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất qua: cải thiện thể chế, nâng cao năng lực, lồng ghép vấn đề lao động trẻ em vào các khung chính sách quốc gia; Xây dựng, thực hiện và tổng hợp thành tài liệu các mô hình can thiệp lồng ghép ở 5 tỉnh trọng điểm nhằm giảm các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực và lồng ghép vấn đề giới được thực hiện xuyên suốt cùng với ba hợp phần nói trên.

Việt Nam đã tạo dựng một nền tảng cơ bản và vững chắc để xoá bỏ lao động trẻ em. Năm 2000, chính phủ Việt Nam phê chuẩn Công ước 182 của ILO về xoá bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất và năm 2003 phê chuẩn Công ước 138 quy định độ tuổi lao động tối thiểu. Những phê chuẩn này cho thấy cam kết và quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện các biện pháp khẩn cấp xoá bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.

Những cam kết này cũng được thể hiện qua Hội thảo quốc gia về các biện pháp có thời hạn nhằm xoá bỏ lao động trẻ em và các hình thức tồi tệ nhất (tổ chức ngày 18/9/2006) và Hội thảo tham vấn các bên liên quan (tổ chức ngày 25/1/2008). Hai hội thảo này cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong hành động xoá bỏ lao động trẻ em và các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, thông qua phối hợp và tham vấn với các tổ chức của người lao động, các tổ chức của người lao động, các tổ chức phi chính phủ, các trường đại học và giới truyền thông.

“Các hoạt động của Dự án sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến lao động trẻ em, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động trẻ em; nâng cao năng lực quản lý, giám sát, đánh giá cho các đối tác thực hiện dự án; xây dựng và thực hiện các mô hình can thiệp, trợ giúp trẻ em thoát khỏi các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất tại 5 tỉnh, thành phố”, ông Nguyễn Thanh Hoà, Thứ trưởng bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nói, “Đây là cơ sở thực tiễn và cũng là các điều kiện để chúng ta xây dựng và thực hiện một chương trình hành động quốc gia nhằm phòng ngừa và xoá bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.”

Cũng trong buổi lễ, Bà Ms. Rie Vejs-Kjeldgaard, Giám đốc văn phòng ILO tại Việt Nam phát biểu: “Trẻ em phải được đến trường! Trẻ em là tương lai của nhân loại, do vậy đầu tư cho giáo dục và xây dựng kỹ năng của các em nên là mối quan tâm hàng đầu. Thực tế cho thấy rằng không phải trẻ em nào cũng được hưởng các lợI ích giáo dục như các em đáng có. Thu nhập thấp và đói nghèo có thể buộc cha mẹ các em phải để các em lao động kiếm sống phụ giúp gia đình. Tất cả các em bé trai và bé gái đều có cơ hội bình đẳng và công bằng để có được một tương lai tươi sáng. Chúng ta hãy cùng nhau chung sức xoá bỏ lao động trẻ em ở bất kỳ hình thức nào.”

Ông Benito Álvarez Fernández, Trưởng đại diện của AECID phát biểu tại buổi lễ: “Tây Ban Nha từ lâu đã cam kết hỗ trợ các nước đối tác trong việc xây dựng và thực hiện các chính ngăn ngừa và xoá bỏ mọi hình thức lao động trẻ em. Những bài học rút ra từ các dự án ở Châu Mỹ La-tinh do AECID tài trợ từ năm 1996 sẽ rất hữu ích cho việc thực hiện thành công dự án mới này tại Việt Nam.”

Dự án được thực hiện trong vòng 48 tháng, với cơ quan chủ quản là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, phối hợp thực hiện với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam, các cơ quan ban ngành địa phương, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức cộng đồng, và một số các cơ quan khác. ILO là cơ quan điều hành, hỗ trợ các đối tác thực hiện dự án về mặt kỹ thuật và tập huấn. Kinh phí dự án do AECID tài trợ.

L.H