V-League 2010 qua 6 lượt trận: Soi vào “tứ đại gia”

Xã hội - Ngày đăng : 07:56, 29/03/2010

Những người hào phóng vẫn dùng cụm từ “big four” (tứ đại gia, một cách gọi bắt chước Premier League ở xứ sương mù), khi nói về nhóm các CLB lớn của Việt Nam: HA.GL, ĐT.LA, B.BD và SHB.ĐN. Họ đang ở đâu và như thế nào, khi mùa bóng 2010 đã đi được 1/4 hành trình?!

SHB.ĐN đã có chiến thắng thứ 3 liên tiếp và gần như cầm chắc chiếc vé đi tiếp ở AFC Cup 2010. Ở V-League, mặc dù thầy trò HLV Lê Huỳnh Đức còn 1 trận chưa đấu, nhưng vẫn hiên ngang ở tốp đầu, sau 6 lượt trận. Nhưng với B.BD, ĐT.LA và HA.GL, những đội bóng đã có trong tay 2 chức vô địch V-League, mọi chuyện có vẻ khó khăn.

V-League 2010 có nhiều trận đấu chất lượng cao.

Ngôi sao & hàng thải
Có một chi tiết khá thú vị rất hiếm xảy ra trong lịch sử V-League. Đó là việc HA.GL, ĐT.LA và B.BD phải “hợp tác” một cách bất đắc dĩ, trong việc mua bán - trao đổi nhân sự. Thanh Bình rời phố núi, sau một mùa bóng cay đắng, để tìm về ĐT.LA, đối thủ lớn nhất của HA.GL trong quá khứ và cả hiện tại. Lee Nguyễn cũng rũ áo khỏi Hàm Rồng và mới có bản hợp đồng 1,5 năm với B.BD. Những sự ra đi, tái hợp, không hẳn luôn bắt đầu từ chuyên môn thuần túy. Nó còn là những mâu thuẫn trong phòng thay đồ, mà người ta hy vọng rằng, ở bến đậu mới sẽ rất khác. Thất sủng ở đội này, nhưng lại được chào đón ở bến đỗ khác. Ranh giới giữa ngôi sao và hàng thải vì thế rất mong manh.

Nếu như năm 2006, sau khi giành danh hiệu “Vua phá lưới” V-League trong màu áo B.BD, Kesley Alves được trải thảm đỏ lên Pleiku, để cứu vãn một “Dream team” đang có chiều hướng suy thoái. Nhưng “Két” thất bại nặng nề và phải nhanh chóng tìm đường trở lại đất Thủ, để có 2 chức vô địch liên tiếp dưới triều đại ông Hải “lơ”. Đã có những giai đoạn thăng trầm và không phải lúc nào cũng được ý thức tầm quan trọng ở sân Bình Dương từ 3 năm nay, nhưng Kesley Alves vẫn ở Gò Đậu và vẫn đang là chân sút số 1 của B.BD ở mùa giải năm nay.

Khi tất cả vẫn đang chờ đợi bản hợp đồng tiền tỷ Lee Nguyễn, sẽ thể hiện được những gì trong màu áo B.BD, từ giai đoạn 2, thì Thanh Bình hiện vẫn đang ngụp lặn tại ĐT.LA, tìm chỗ đứng. Bình “củi” đã là chân sút giỏi, vào thời điểm cách đây 7 năm, nhưng kể từ đó, anh không bao giờ tìm được ánh hào quang nữa. Dù Bình, năm nay mới bước qua tuổi 24 (theo giấy tờ). HA.GL năm ngoái và ĐT.LA bây giờ đang phải chịu những hệ lụy xấu, từ những bản hợp đồng đắt đỏ, nhưng lại mang ít giá trị sử dụng như thế. Không nhiều người dám tin rằng, tân HLV Ricardo có thể làm được điều gì đó mang tính cách mạng ở ĐT.LA, trong quỹ thời gian 5 tháng còn lại của mùa giải và của bản hợp đồng.

B.BD & khúc cua tay áo
Người hâm mộ đội bóng đất Thủ đã vừa đón thêm một tin xấu, khi B.BD để thua Sriwijaya (Indonesia) với tỷ số 0 - 1, lượt trận thứ 3 vòng bảng AFC Cup 2010. Mặc cho cơ hội lọt vào vòng sau vẫn còn nguyên với thầy trò HLV Mai Đức Chung, khi họ sẽ có liên tiếp 2 trận đấu trên sân nhà tới đây. Hiện B.BD đã có 4 điểm, và theo tính toán thì 10 điểm có được sau vòng bảng, xem như đạt chỉ tiêu. Nhưng người trong cuộc vẫn có những băn khoăn, bởi B.BD đâu chỉ đá mỗi AFC Cup?! Họ vẫn còn nguyên cuộc chiến tại V-League cùng hành trình dang dở ở Cúp QG.

Thêm 90 phút nữa, tức là trận thứ 5 kể từ đầu mùa, hàng công thượng thặng với 3 cựu vua phá lưới (Amaobi, Kesley Alves và Elenildo) lại tắt tiếng. Điều này bị xem là dị thường, ở một đội bóng thừa thầy thiếu thợ như B.BD. Nó không khó lý giải, nhưng việc cải thiện tình hình, lại không hề đơn giản với HLV Mai Đức Chung. B.BD chỉ duy nhất 1 lần bùng nổ, khi có trên sân cả 3 mũi công: Elenildo - Kesley - Philani. Đó là trận đại thắng đối thủ yếu LS.Thanh Hóa trong ngày V-League 2010 khai mạc.

Thanh Bình (trái) rời phố Núi sau một mùa cay đắng.

Cần định hình lại giá trị đích thực của những bản hợp đồng, khi “siêu phẩm” Amaobi, rõ ràng chỉ còn là cái bóng của chính mình. Không bàn thắng và không gì cả, dù “Bi” từng rất nhiều lần được trao cơ hội. Tân binh Thanh Tùng không tìm được chỗ đứng, và câu hỏi lúc này được đặt ra với Lee Nguyễn, người sẽ bắt đầu cuộc chinh phục mới trong màu áo B.BD từ giai đoạn 2. Trong tình huống mà B.BD phải dàn quân cho rất nhiều mặt trận, với lịch thi đấu và di chuyển dày đặc, cần phải có những tính toán hợp lý về việc sử dụng nhân sự. Xua hết các quân bài tinh nhuệ vào sân, đã và chưa bao giờ là giải pháp hay.

Nhà vô địch vẫn nói tiếng Quảng?
Khi còn dẫn dắt ĐT.LA, HLV Calisto có một nhận xét rất thực tế, rằng “sự ổn định của các đội bóng V-League là điều xa xỉ”. Theo đó, chỉ cần biết chắt chiu và biết nắm bắt cơ hội, một CLB thuộc hàng trung bình khá như… ĐT.LA của ông “Tô”, cũng có thể giành chiến thắng cuối cùng. Phù thủy người Bồ đã khẳng định tiêu chí ấy, bằng 2 chức vô địch V-League các năm 2005 & 2006, đồng thời luôn bảo toàn được 1 vị trí trong tốp 3 đội dẫn đầu, cho đến V-League 2008 (thời điểm này HLV Calisto đã rời ĐT.LA, nhưng vẫn có những tư vấn và cả việc giới thiệu người đóng thế mình ở đội bóng cũ).

Nhưng, nếu nhìn vào màn thể hiện của SHB.ĐN bây giờ, có thể câu nói của HLV Calisto sẽ chỉ còn rất ít giá trị. Màn lên ngôi thuyết phục ở V-League 2009, cùng chuỗi thành tích cực tốt trên mọi đấu trường của đội bóng xứ Quảng - Đà, ở đầu mùa giải năm nay, là những luận điểm chống lại nhận định của đương kim HLV trưởng ĐTVN. Trong quá khứ, chỉ có “Dream team” HA.GL từng làm được điều này, ở mùa giải bảo vệ chức vô địch (2004). HA.GL ngày đó là tập hợp của cả “dải thiên hà”, nhưng chưa chắc đã ổn định và sở hữu nhiều bài miếng - vũ khí chiến thắng như SHB.ĐN của Huỳnh Đức bây giờ.

Nếu V-League 2010 kết thúc mà nhà vô địch sẽ lại nói tiếng Quảng, cũng chẳng làm ai bất ngờ. Chỉ có dị bản, đó là khi SHB.ĐN phải hy sinh - làm nền cho “người anh em” HN.T&T, trong hành trình đến ngôi vương.
Hiện tượng Đồng Tháp & phần còn lại

Cũng hệt như mùa giải 2009, vũ khí chiến thắng của TĐCS.ĐT (Đồng Tháp) là hết sức đơn giản: sức mạnh tập thể, cái nắng nóng ở miền Tây Nam bộ (khi các trận đấu luôn diễn ra vào lúc giữa chiều) và sự tỏa sáng của chân sút ngoại. Năm ngoái, HLV Phạm Công Lộc may mắn có được bộ đôi hủy diệt Samson - Timothy, cùng lá phổi Aniekan ở tuyến 2. Mùa này, vẫn là sự hủy diệt của Samson (thậm chí Samson còn nguy hiểm hơn, so với thời đá cặp cùng Timothy), Sunday Chibuike Jbeji thay thế hoàn hảo vai trò của “Kan” và Đồng Tháp còn có thêm những vũ khí chiến thắng khác từ các cái tên nội. Được Em là một trong số đó.

Không phải XM.HP, HN.T&T hay V.NB, những đội bóng lắm tiền nhiều của và nhiều sao nhưng lại thiếu tính ổn định, Đồng Tháp mới là kẻ thách thức số 1 với “big four”. Chờ xem!

Theo TT&VH