Khó khăn, thử thách

Đời sống - Ngày đăng : 07:17, 29/03/2010

(HNM) - Để công trình Thủy điện Sơn La có được hình hài như ngày hôm nay, hàng vạn đồng bào dân tộc thiểu số nhiều đời gắn bó với dòng nước sông Đà, với suối Nậm Trai, Nậm Mu… đã sẵn sàng dời quê cha, đất tổ định canh, định cư ở những nơi mới. Cuộc sống mới nơi tái định cư (TĐC) đang dần ổn định, tuy nhiên một khó khăn, thử thách đang đặt ra hiện nay là giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc vùng TĐC như thế nào?

Lớp tiểu học tại Nà Nhụng.


Thiếu không gian sinh hoạt văn hóa
Cách trung tâm thị trấn Mộc Châu hơn 30km, Bó Ban cùng với Nậm Dên, Lả Mường, Lắc Phương là những bản mới của xã Chiềng Sơn, tập trung 147 hộ gia đình người dân tộc Thái đen với 1.044 khẩu từ xã Mường Trai, huyện Mường La về sinh sống. Con đường từ thị trấn Mộc Châu vào các bản đang rải nhựa, hai bên đường là những ngôi nhà sàn khang trang, trước sân treo cờ Tổ quốc. Trong nhà, các í (mẹ) địu con, cho con ăn, ru con ngủ, các cháu đang độ tuổi đi học chăm chú học bài. Xa xa, trai bản phát nương chờ mưa xuống gieo bắp… Những hình ảnh rất đỗi yên bình và thân thuộc đó đã phần nào nói lên sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước với người dân khu TĐC, giúp họ nhanh chóng bắt nhịp với nơi ở mới.

Trưởng bản Bó Ban Cà Văn Phương năm nay mới hai mươi tuổi, vừa tốt nghiệp Đại học Nông lâm đầy hứng khởi khi nói về kế hoạch phát triển kinh tế trong tương lai, nào là trồng giống ngô mới, trồng cây măng kinh tế, trồng lúa, trồng chè nhưng lại tỏ ra lo lắng khi nói về việc gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Anh Phương cho biết: Người Thái ở Mường Trai vốn sống gần sông suối nên sinh hoạt văn hóa cộng đồng thường diễn ra gần sông suối với các hoạt động như đánh bắt cá, đốt lửa trại, nhảy sạp, múa xòe… Giọng nói, giọng hát của người Thái ở Mường Trai do đó cũng trầm hơn, có âm vực sâu hơn so với người Thái sống trên vùng núi cao. Chung nỗi niềm đó, già bản Cờm Văn Ngâu bày tỏ: "Tao nhớ suối, nhớ nghề đánh bắt, nhớ những con cá tung tăng bơi ngược lắm à".

Anh Phương cho biết thêm: Hiện tại, các sinh hoạt văn hóa cộng đồng vẫn được người Thái ở Bó Ban duy trì thường xuyên nhưng thiếu không gian nước, chắc chắn nét văn hóa đặc trưng này sẽ dần bị mai một.

Tương tự, ông Cà Văn Hặc, Trưởng bản TĐC Nà Nhụng, xã Mường Chùm, huyện Mường La tâm sự: Nà Nhụng đã có điện thắp sáng, có trường học, nhà văn hóa, gần đường giao thông… điều kiện cơ sở vật chất hơn hẳn bản Giạng, xã Ít Ong trước đây, nhưng do thiếu không gian nước nên đồng bào phải thay đổi gần như hoàn toàn thói quen sinh hoạt hằng ngày cũng như sinh hoạt văn hóa. Đúng như lời ông Hặc nói, bản Nà Nhụng không có ao hồ, sông suối, 69 hộ gia đình với 308 nhân khẩu bị thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô. Hơn thế, bà Cà Thị Bạn cho hay: Định cư ở Nà Nhụng 6 năm rồi mà người dân vẫn chưa quen phát nương, làm rẫy, trồng cây lương thực trên núi cao vì đã quen với việc kiếm ăn trên sông suối từ hàng trăm năm nay…

Xây dựng đề án bảo tồn
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Sơn La nhấn mạnh: Vì lợi ích chung và lâu dài của dân tộc, đồng bào các dân tộc sinh sống trong khu vực Thủy điện Sơn La đã chấp nhận rời nơi chôn rau cắt rốn, rời không gian sống, sinh hoạt thân thuộc để đến nơi ở mới. Song giá như cùng với việc quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ về kinh tế, chính sách, Nhà nước xây dựng khu TĐC ở những nơi có điều kiện sống và không gian sinh hoạt văn hóa phù hợp với phong tục, tập quán của từng dân tộc thì cuộc sống của đồng bào khu TĐC sẽ ổn định nhanh hơn, nguy cơ phai nhạt bản sắc văn hóa cũng ít hơn. Ông Tuấn cũng khẳng định: Với đồng bào các dân tộc vùng núi Sơn La thì sinh hoạt văn hóa cộng đồng không chỉ có vai trò giữ gìn truyền thống mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội, do đó không thể không giữ gìn.

Nhận thức rõ điều này, Sở VH,TT&DL Sơn La đang xây dựng đề án: "Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển đời sống văn hóa các dân tộc TĐC Thủy điện Sơn La". Đề án tập trung vào việc sưu tầm hiện vật dân tộc học; nghiên cứu nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của từng dân tộc, trên cơ sở đó sẽ trưng bày, giới thiệu các hiện vật sưu tập được tại bảo tàng, nhà văn hóa thôn, bản; đồng thời khôi phục, phát triển các lễ hội truyền thống để người dân có điều kiện tham gia. Bên cạnh đó, cán bộ văn hóa của các huyện và tỉnh còn xuống khu TĐC "ba cùng" (ăn, ngủ, sinh hoạt cùng dân) dàn dựng chương trình, tiết mục văn nghệ mới cho các đội văn nghệ; mở lớp tập huấn về nghiệp vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở cho lãnh đạo bản. Hoạt động chiếu phim truyện, phim tài liệu bằng tiếng Thái có nội dung phản ánh cuộc sống sinh hoạt của đồng bào cũng được trình chiếu thường xuyên. Ngoài ra, Sở còn chỉ đạo phòng văn hóa thông tin các huyện tổ chức thi nấu món ăn dân tộc, đan lát đồ gia dụng, thi dân ca dân vũ cho đồng bào khu TĐC Thủy điện Sơn La vào các dịp lễ, tết…

Tuy nỗ lực như trên, nhưng để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc vùng TĐC là cả một quá trình lâu dài, nhiều gian nan, thử thách và cần sự phối hợp của nhiều ngành - ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.

Minh Ngọc