Đọc sách “Hà Nội phong tục, văn chương”

Xã hội - Ngày đăng : 07:15, 29/03/2010

(HNM) - Đầu năm 2010 - năm chào đón Thủ đô tròn nghìn tuổi, bạn đọc và những người yêu mến Hà Nội lại có dịp được đón nhận một tác phẩm mới của nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc. Đó là cuốn sách


Nguyễn Vinh Phúc được coi là người "mải miết đi tìm Hà Nội", cho đến nay ông đã giúp bạn đọc trong và ngoài nước thêm hiểu, thêm yêu về Hà Nội qua 20 đầu sách xuất bản từ năm 1962 đến nay. Và trong cuộc tìm kiếm mới nhất ở "Hà Nội phong tục, văn chương" này, Nguyễn Vinh Phúc vẫn tiếp tục đem đến cho độc giả những cảm nhận mới mẻ.

Cuốn sách dày hơn 400 trang, khổ 16x24cm với hai phần như tên gọi gồm "phong tục" và "văn chương" của Hà Nội. Trong mênh mông nguồn tư liệu về những lĩnh vực quen thuộc này, tác giả đã làm một công việc thật không ít "nhọc nhằn" mà cũng thật "tỉnh táo" là chọn lựa, phân tích, dẫn dắt người đọc cảm thụ vừa bao quát lại vừa có ấn tượng về Hà Nội qua phong tục và văn chương.

Ở phần "Hà Nội phong tục", sau những lý giải về cơ sở phong tục Hà Nội trong bối cảnh phong tục Việt Nam, tác giả đã phân tích cả những đặc trưng riêng của Hà Nội. Đặc biệt là giải mã những đặc trưng đó thông qua hàng loạt ví dụ sinh động như các tục thờ cổ truyền: thờ đá, thờ ngựa, thờ trâu… Nhờ đó, sau những rong ruổi thú vị cùng tác giả, người đọc dường như cảm nhận sâu sắc hơn những nhận định chắt lọc của ông: "Tinh thần dân tộc có vai trò như một động lực chủ đạo, xuyên suốt mà điều khiển cả nghìn năm văn hiến (…), nó còn là hạt nhân của hệ phong tục tập quán Thăng Long - Hà Nội".

Phần này cũng có những phát hiện mới như dấu tích Đình Nhà Trò ở phố Hàng Chai và tục thờ cúng tổ nghề Ca trù. Câu chuyện tìm kiếm này thú vị, sống động như phóng sự. Nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc còn mang đến một góc nhìn mới khi để người đọc được đứng ngoài Hà Nội để nhìn Hà Nội qua "Kẻ chợ và phong tục hồi thế kỷ XVII qua ghi chép của vài tác giả châu Âu".

Sang đến "Hà Nội văn chương", cảm giác về sự mạch lạc, mới mẻ và có điểm nhấn vẫn được duy trì. Thâu tóm những tinh túy văn thơ (cả dân gian lẫn bác học) nhưng lại thể hiện qua những chủ điểm ấn tượng, đó là "Hồ Tây và văn học"; "Bốn người trai Thăng Long là vua, là chiến sĩ, là nhà thơ", "Thơ Quốc ngữ đầu thế kỷ XX". Cũng ở phần này lần đầu tiên có bản dịch toàn bộ tập "La Thành cổ tích vịnh" của ông nghè Trần Bá Lãm. Trong nguyên tắc ghi nhớ, những liên tưởng và sự xâu chuỗi bao giờ cũng giúp thông tin neo lại lâu hơn. Ở cả hai phần của cuốn sách đều có cách tạo ấn tượng như vậy, nghĩa là Nguyễn Vinh Phúc đã không chỉ nghiên cứu, phân tích, nhận định mà quan trọng hơn là tìm cách chuyển tải hiệu quả nhất tới bạn đọc.

Đúng như học giả An Chi: "Hà Nội phong tục, văn chương" là "dòng suối tư liệu, kiến thức và cả tình cảm mà Nguyễn Vinh Phúc đã chuyển tải cho chúng ta từ thượng nguồn lịch sử, với rất nhiều tâm huyết, công phu".

Thi Thi