Ngưỡng hợp tác mới

Thế giới - Ngày đăng : 06:35, 29/03/2010

(HNM) - Đó là những gì mà Nga và Mỹ, hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới vừa xác lập trong những ngày cuối tuần qua khi cùng quyết định sẽ ký kết Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân mới (START mới) vào ngày 8-4 tới tại thủ đô Praha (CH Séc) nhằm thay thế văn bản cũ đã hết hạn từ tháng 12 năm ngoái.

Kế hoạch triển khai NMD tại Trung Âu là rào cản chính trong quá trình đàm phán START mới giữa Nga và Mỹ.


Thỏa thuận kiểm soát vũ khí được cho là toàn diện nhất trong vòng 2 thập kỷ qua này không chỉ nâng tầm hợp tác Nga - Mỹ trong các mối quan hệ chiến lược mới mà còn cho thấy Mátxcơva và Oasinhtơn đã sẵn sàng dẫn đường cho cuộc chiến chống phổ biến hạt nhân trên thế giới. START mới đã giúp loại bỏ những nghi ngờ về tiến trình cũng như quyết tâm "cài đặt" lại mối quan hệ giữa hai cựu đối thủ thời Chiến tranh lạnh, nhất là sau cuộc xung đột tại Nam Ôxêtia gây chấn động chính trường quốc tế vào cuối năm 2008.

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Barắc Ôbama lên nắm quyền, trong năm 2009, cả Nhà trắng và Điện Cremli đã có những hành động tuy không mang tính đột phá nhưng cũng đủ cải thiện quan hệ giữa hai nước đã trở nên băng giá vào cuối nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ G.Busơ. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa dỡ bỏ được rào cản có tính quyết định liên quan tới kế hoạch triển khai một phần Hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ (NMD) tại Trung Âu. Với Mỹ, đây là quân át chủ bài nhằm duy trì vị thế vượt trội về sức mạnh quân sự trước bất kỳ quốc gia hoặc một nhóm quốc gia nào. Do đó, thế cân bằng hạt nhân với Mỹ đã vô tình biến thành vật cản trên con đường duy trì trật tự thế giới đơn cực. Còn Nga, NMD của Mỹ luôn là mối đe dọa tiềm tàng và nếu hoàn tất, nó sẽ gây đảo lộn chiến lược phòng thủ của Điện Cremli. Trong bối cảnh hiện nay, sự kiện Nga - Mỹ đạt thỏa thuận về START mới là tín hiệu tốt lành, dự báo quan hệ Mỹ - Nga sẽ có những đột phá trong thập kỷ mới.

Như vậy, trong 10 năm tới, số đầu đạn hạt nhân của hai siêu cường hạt nhân Nga, Mỹ sẽ được cắt giảm xuống còn 1.550 đơn vị mỗi bên, tương đương với mức giảm khoảng 30%. Một điểm quan trọng của START mới là bao gồm một cơ chế pháp lý để chứng thực việc thực thi hiệp ước của mỗi bên. Điểm này không có trong các thỏa thuận trước đây của hai bên. Điều này có nghĩa kho vũ khí khổng lồ của Nga và Mỹ sẽ thực sự được cắt giảm đáng kể. Hiện tại, Mỹ đang sở hữu 5.576 đầu đạn hạt nhân và 1.198 thiết bị phóng hạt nhân. Trong khi đó, Nga sở hữu 3.909 đầu đạn hạt nhân và 814 thiết bị phóng hạt nhân.

Tuy nhiên, sự trái ngược trong các tuyên bố của Nga và Mỹ về START mới liên quan đến NMD làm dấy lên mối lo ngại rằng phe Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ, vốn bảo vệ cuộc triển khai NMD như đang diễn ra, có thể gây trục trặc trong thực hiện hiệp ước. Trong khi Lầu Năm Góc tuyên bố START mới không ngăn cản Mỹ triển khai NMD thì Điện Cremli lại quả quyết văn kiện này quy định trách nhiệm pháp lý của sự gắn kết giữa vũ khí tiến công chiến lược và vũ khí phòng thủ chiến lược.

Nhiệm vụ của Tổng thống Ôbama là phải thuyết phục được ít nhất 67 Thượng nghị sĩ ủng hộ START mới để nó có thể được thông qua tại Thượng viện gồm 100 thành viên. Hiện tại, đồng minh của ông chủ Nhà trắng ở Thượng viện chỉ có 59 ghế (57 là đảng Dân chủ và hai thành viên độc lập). Điều đó có nghĩa là thái độ của đảng Cộng hòa với START mới sẽ vô cùng quan trọng để hiệp ước có được thông qua hay không. Sau những cuộc đàm phán khó khăn với Nga, giờ Nhà trắng sẽ bắt đầu những cuộc thương lượng không kém phần cam go với các nghị sỹ Cộng hòa.

START mới là cố gắng chung của hai nước để gìn giữ hòa bình chứ không phải là món quà của Thượng viện Mỹ cho dân Nga hay món quà của Thượng viện Nga cho người dân Mỹ. Vì vậy, các thành viên của Thượng viện Mỹ cần gạt sang bên những bất đồng, thành kiến và chia rẽ để đánh giá đúng giá trị của bản hiệp ước này. Như Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Giôn Keri đã nói: "Chúng ta không thể lãng phí cơ hội này để tái điều chỉnh quan hệ với Nga cũng như vai trò của chúng ta với tư cách là nước lãnh đạo thế giới trong tiến trình chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Đây là một cam kết lớn của hai nước trong việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân; đồng thời là một bước đi quan trọng để củng cố mối quan hệ Nga - Mỹ. Chúng ta hãy bỏ phiếu ủng hộ hiệp ước này".

Lâm Phương