“Sao” giả lấn lướt “sao” thật

Giải trí - Ngày đăng : 08:15, 28/03/2010

(HNM) - Ca sĩ là cầu nối đưa ca khúc đến với khán giả. Còn hơn thế, họ trở thành những nhân vật trung tâm của hầu hết các chương trình ca nhạc và là đối tượng thu hút người xem đến với chương trình. Nhưng ca sĩ Việt có thực tài thì ít mà số đông bước lên sân khấu nhờ sự hỗ trợ của những yếu tố khác ngoài khả năng ca hát…

Bỏ tiền mua vé để nghe máy hát
Có rất nhiều lý do giải thích cho việc hát nhép (còn gọi là hát "play back") "thịnh hành" ở Việt Nam. Vì điều kiện âm thanh không bảo đảm. Vì ca sĩ phải chạy nhiều sô trong một đêm nên không đủ sức hát thật (còn gọi là hát "live")… Lý do chủ yếu vì hát thật không hay bằng hát nhép… Ca sĩ trẻ hát nhạc trẻ và nhảy nhót cùng nhóm múa hát nhép đã là một nhẽ. Đáng buồn hơn khi hát nhép xuất hiện ở "mọi lúc, mọi nơi", cả các chương trình nhạc cách mạng, nhạc trữ tình… Một NSND nổi tiếng với những ca khúc mang âm hưởng dân gian, cũng hát nhép suốt nhiều năm qua. Thành danh với giải thưởng cao tại giải Sao Mai nhưng một ca sĩ trẻ khác cũng lạm dụng hát nhép đến mức nhiều ca sĩ "đàn em" và đồng nghiệp thẳng thắn lên tiếng trên báo chí. Chuyện hát nhép của ca sĩ này vỡ lở khi đĩa bị vấp… T.M, tên tuổi mới được biết đến từ Vietnam Idol được công ty đầu tư tiền "tỷ" cho liveshow phục vụ sinh viên hòng tạo "sao", nhưng cũng không đủ sức để hát thật suốt toàn bộ chương trình.

Ca sĩ lao động nghệ thuật thật sự nhiều khi bị đánh đồng với ca sĩ hát nhép…


Chương trình truyền hình trực tiếp thường xuyên sử dụng ca sĩ hát nhép với lý do để bảo đảm an toàn vì thiết bị âm thanh không tốt… Sự ngụy biện này dẫn đến hàng trăm chương trình truyền hình trực tiếp đều dễ dãi bỏ đĩa vào phát. Sự nuông chiều quá mức khiến không ít ca sĩ trẻ đã "dựa dẫm" quá nhiều vào công nghệ phòng thu và xem nó như "bảo bối" trong bất kỳ trường hợp nào. Vì vậy, khi phát hành album, chất lượng âm thanh, ca khúc và giọng hát của họ đều đạt chuẩn nhưng khi xuất hiện ở những chương trình đòi hỏi hát thật, họ… gây bất ngờ cho khán giả vì khoảng cách rất xa giữa giọng trong album và ngoài đời!

Ở nước ngoài, có những ca sĩ chuyên hát "play back", nhất là các nhóm hát. Với ca sĩ theo đuổi dòng nhạc dance, sự hỗ trợ của kỹ thuật phòng thu đem đến những đoạn hát méo tiếng (hát không đúng với giọng hát thật), những đoạn "intro" được mix cực kỳ tinh xảo, điệu nghệ… Nhưng họ không giấu giếm hay "lập lờ đánh lận" mà công khai và khán giả vẫn đón nhận.

Đủ trò lăng xê
Có rất nhiều "sân chơi" âm nhạc để lăng xê các giọng ca trẻ: Sao Mai, Sao Mai - Điểm hẹn, Vietnam Idol, Bài hát Việt, Album vàng, Liên hoan các ban nhạc trẻ… Đó là chưa kể những Ngôi sao Tiếng hát truyền hình, Tiếng ca học đường, Tuổi đời mênh mông… Phải thừa nhận, những ca sĩ "ra lò" từ các "kỳ cuộc" này đều được sàng lọc và thử thách qua nhiều vòng tuyển chọn. Họ phải có giọng hát thật sự mới "trụ" được ở các vòng thi và giật giải, nếu không thì đã bị loại… từ vòng "gửi xe".

Khác với cách tuyển chọn và đào tạo "sao", tạm gọi là chính quy như các chương trình nói trên, cũng như những công ty hay nhạc sĩ đào tạo và lăng xê ca sĩ có thực lực, thị trường âm nhạc xuất hiện ngày càng nhiều gương mặt ca sĩ mà giọng hát vừa yếu, trình độ âm nhạc không có mà chỉ có ngoại hình đẹp, biết nhảy nhót và … khát khao "bỏng cháy" trở thành ca sĩ. Thay vì đầu tư học hành cẩn thận, họ vội vàng đi hát rồi ra đĩa… đều đều, thi thoảng còn xuất hiện trong một vài chương trình truyền hình, có khi tên tuổi hay ca khúc của họ còn leo lên chót vót ở các website hay forum nhạc trẻ.

Được vậy là vì họ có các công ty hay ông bầu đỡ đầu đã "biến không thành có". Bầu tìm mua bản quyền bài hát, liên hệ phòng thu "mông má" cho giọng hát không còn khiếm khuyết, móc sô, quan hệ với báo chí… Không ít người tổ chức chương trình truyền hình cũng được nhờ cậy cho giọng hát "mới toe" lên sóng. Chưa kể đến việc các công ty hay "bầu" tung "gà" của họ vào phim truyền hình, thậm chí đóng vai dày dặn hẳn hoi, rồi tham gia game show… Thôi thì đủ kiểu, sao cho khán giả biết đến tên tuổi của ca sĩ.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn các thành phố lớn có khoảng 3.000 ca sĩ. Ca sĩ ở đây là những người biểu diễn trước công chúng và có cát sê. Trong con số… khổng lồ được coi là ca sĩ ấy, chỉ một phần nhỏ, rất nhỏ, chưa đến 100 người có tên", còn lại là những ca sĩ không ai nhớ đến…

Phong trào người đẹp hát
Sau một thời gian có vẻ "trầm lắng", giờ đây phong trào "người đẹp hát" lại rộ lên… Lâu lâu, trên báo lại xuất hiện một người mẫu hay người đẹp vừa đăng quang ở một cuộc thi nào đó "tuyên bố" làm ca sĩ. Họ khoe đang chăm chỉ tập vũ đạo và tất nhiên là… không nói đến việc chăm chỉ vào phòng thu để "tút" giọng. Ai cũng nói ca hát là đam mê từ nhỏ mà chưa có dịp bộc lộ. Có người đẹp còn thẳng thắn bày tỏ ước mơ được trở thành ca sĩ như Hồ Ngọc Hà. Rất tiếc người đẹp hát thì nhiều nhưng không nhiều những Hồ Ngọc Hà, Ngô Thanh Vân… khẳng định được khả năng ca hát thật sự và chiếm được những vị trí nhất định trong làng nhạc nhẹ.

Có vóc dáng chuẩn của một người mẫu hay khuôn mặt khả ái của một diễn viên thì việc trở thành ca sĩ là… trong tầm tay bởi giọng hát đã có… máy hát lo. Trong khi khán giả đang ngày càng nghiêng về phần nhìn hơn phần nghe, nhất là một bộ phận lớn khán giả các tỉnh thì chỉ nghe danh là lũ lượt kéo nhau đi xem, họ đâu có phân biệt người nổi tiếng với ca sĩ khác nhau thế nào. Sô diễn nhiều, thu nhập khá và… chẳng mất công mất sức như đóng phim hay diễn kịch, nên nhiều người đẹp chọn con đường này cho dù chất giọng chỉ ở mức hát "karaoke".

Không chỉ người đẹp hát mà không ít diễn viên, MC cứ có tên tuổi, xuất hiện nhiều nhiều trên truyền hình hay có vai diễn mới là… hát. Cũng bắt đầu bằng một album, rồi cứ thế đi diễn ở tỉnh với "điệp khúc" hát nhép… Trong khi thị trường ca nhạc đang quá nhiều gương mặt nữ nên MC điển trai một chút liền được "đôn" lên thành ca sĩ, có người còn tấp tểnh ôm mộng thành "sao"…

"Ngày nay, ai muốn thành ca sĩ cứ việc đến studio mà mix tiếng. Còn muốn thành "sao" thì cứ làm liveshow và nhảy thật giỏi. Khán giả ngộ nhận, không biết ai là nghệ sĩ trình diễn và cũng chẳng biết đâu là giọng hát thật", chia sẻ của nhạc sĩ Dương Thụ với báo giới càng cho thấy những nỗi nhức nhối trong đời sống ca nhạc hiện nay, khi mà giọng hát được căn chỉnh quá nhiều nhờ công nghệ phòng thu, tình trạng hát nhép đang phổ biến, phần đông khán giả đi xem ca nhạc chú ý đến phần "nhìn" nhiều hơn nghe, cả sự dễ dãi của một bộ phận công chúng, đặc biệt là những nhà tổ chức chương trình…

Ca sĩ lao động nghệ thuật thật sự, "gân cổ" hát thật bị "đánh đồng" với ca sĩ hát nhép. Thị trường âm nhạc trong tình trạng "vàng thau lẫn lộn" nên những giá trị ảo và thực đang bị xóa nhòa ranh giới!

An Bình