Những ngày, tháng không thể nguôi quên

Xã hội - Ngày đăng : 07:36, 28/03/2010

(HNM) - Thật là dịp may hiếm có khi chúng tôi được gặp những học viên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn năm xưa (Chủ tịch Hồ Chí Minh ba lần đến thăm năm 1946) về trường dự cuộc hội thảo để Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Những mái đầu trắng như cước bên những mái đầu xanh, kể lại những kỷ niệm ban đầu khi mới thành lập.

Vận động viên Trường Sĩ quan lục quân 1 luôn đạt thành tích cao tại các hội thao. Ảnh: Hoàng Hải


Vào đầu năm 1946, chính quyền cách mạng phải đối phó với thù trong, giặc ngoài nên cần nhiều cán bộ cấp đại đội, trung đội... có kiến thức cơ bản về quân sự để chỉ huy chiến đấu. Nguyên Cục trưởng Cục Quân huấn Phan Phác được giao nhiệm vụ nghiên cứu thành lập một trường quân sự và ông đã lấy tên ban đầu là “Trường Võ bị Quốc gia Việt Nam”, trình lên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người hài lòng, nhưng đổi tên thành Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn”. Ông Hoàng Đạo Thúy làm Hiệu trưởng, ông Trần Tử Bình làm Phó Giám đốc kiêm Chính ủy. Ngày 26-5-1946, 282 học viên phấn khởi tề tựu trong lễ khai giảng. Vốn là Trường Quân sự bộ binh, pháo binh Saint - Cyr của quân đội Pháp ở gần thị xã Sơn Tây, trường được sửa sang lại cho phù hợp với quân đội Việt Nam.

Báo Cứu quốc, cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh, số ra ngày 27-5-1946 đã tường thuật sự kiện trọng đại này của Quân đội quốc gia rất sinh động và có nhiều chi tiết thú vị: “Trong sân rộng sau khu trường học mới làm, từng đội sinh viên vận binh phục, cầm súng trường sắp sẵn. Anh nào cũng gọn gàng, tráng kiện một vẻ nhà binh trong những bộ quần áo sơ mi dài tay, quần dài ống màu cứt ngựa và mũ ca nô cùng màu gắn huy hiệu sao vàng trên nền đỏ. Chân các anh dận giày da và ống chân mang ghệt ngắn… Hồ Chủ tịch ngồi chiếc ghế danh dự của Cụ đánh dấu bằng một cành phượng vĩ. Cụ khuyên anh em sinh viên trước hết phải đoàn kết, thật thà, phải có kỷ luật cả tinh thần lẫn vật chất, phải noi gương anh dũng của anh em liệt sĩ hồi khởi nghĩa để làm gương cho các lớp về sau. Rồi Cụ khuyên anh em phải đoàn kết quân dân nhất trí. Sau hết, Cụ ước mong anh em bao giờ cũng làm theo hai khẩu hiệu “Trung với nước, hiếu với dân”. Sau lời phát biểu của Chủ tịch Quân ủy hội Võ Nguyên Giáp và lời tuyên thệ trang nghiêm của các học viên trước quân kỳ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lá cờ sáu chữ vàng “Trung với nước, hiếu với dân” do Phụ nữ Cứu quốc thành Hoàng Diệu thêu.

Nhớ lại giây phút xúc động này, ông Lê Ngọc Thiện, nguyên tự vệ khu phố Hàng Mành năm 1946, nay là Phó ban Liên lạc khóa 1, cho chúng tôi xem ảnh Bác đến thăm trường và tiểu đội thân yêu của ông trong những ngày học trường võ bị. Những khuôn mặt trẻ măng ngời sáng dưới mũ ca nô đội lệch gắn sao vàng: “Tôi sinh năm 1928, trẻ nhất tiểu đội. Học viên có đủ ba miền, vui nhộn lắm. Các thầy Hoàng Đạo Thúy, Trần Tử Bình, Phan Bôi, Bùi Công Trừng, Vương Thừa Vũ, Trương Công Quyền… giảng dạy các môn của nghệ thuật quân sự. Còn cả giáo sư người Nhật với sự khâm phục Việt Minh ở lại Việt Nam và một số sĩ quan người Việt đã từng phục vụ tại Trường Saint - Cyr quân đội Pháp cũng nhiệt thành dạy các môn chiến thuật quân sự. Khi Bác trao lá cờ thiêng liêng cho anh Bùi Minh Trân, người Sa Đéc, chúng tôi thầm hiểu Bác muốn nhắc nhở chúng tôi chiến đấu cho Nam Bắc sum họp một nhà. Người dạy: Trung với nước, hiếu với dân là bổn phận thiêng liêng; một trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là một vinh dự của người chiến sĩ trong đạo quân quốc gia của nước ta”.

Ông Đỗ Hạp, người Gia Lộc (tỉnh Hải Dương), nguyên Trung tá Bộ Tư lệnh pháo binh, nhớ từng giảng đường và những đêm diễn kịch sôi nổi, vui tươi của học viên: “Giảng đường ngoài có tên Vạn Kiếp, giảng đường trong có tên của liệt sĩ Lê Bình với hàng hiên mang tên các địa danh lịch sử oai hùng Bạch Đằng, Chi Lăng. Ngày 20-8-1946 là giỗ Đức Thánh Trần, nhà trường tổ chức ngày hội lớn kỷ niệm chiến thắng Bạch Đằng. Chúng tôi dàn dựng và đóng các vai trong trận thủy chiến lẫy lừng trên sông. Tôi vào vai Ô Mã Nhi thua trận, phải quay đầu tháo chạy. Vở kịch Trần Bình Trọng chúng tôi công diễn ở thị xã Sơn Tây được bà con đến xem đông nghịt. Dưới vành khăn mỏ quạ là đôi mắt người Sơn Tây tình tứ… Học viên khóa I bế giảng tháng 11-1946 rồi tỏa đi khắp các chiến trường toàn quốc. Anh Bùi Minh Trân, người được vinh dự thay mặt chúng tôi nhận lá cờ Bác trao, trở về Nam bộ chiến đấu. Sau ngày hòa bình, tôi mới được tin anh ấy mất. Suốt cuộc đời quân ngũ, chúng tôi không bao giờ quên lời Bác dạy.

Là nơi đào tạo sĩ quan đầu tiên khi đất nước trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, trường được Đảng và Bác đặc biệt quan tâm. Người luôn dành cho cán bộ, học viên tình cảm sâu sắc. Ngay sau khi đi Pháp về, Người lên thăm nhà trường và hóm hỉnh đùa vui: “Nhớ các đồng chí trẻ của mình ở đây, đồng chí già liền lên thăm ngay”. Rồi Người lại căn dặn anh em học viên phải tuyệt đối chấp hành kỷ luật, quần chúng hóa, trọng thực tế, ham học ham làm, quyết tâm chịu khó, không lúc nào tự cho là đủ, không kiêu, không nịnh, đoàn kết, thân ái, tự phê bình và khuyến khích lẫn nhau.

Sau khi nghe học viên khóa I kể lại những kỷ niệm thiêng liêng, ông Mai Văn Nhuần, Phó Chính ủy Trường Sĩ quan lục quân (hậu thân của Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn) đưa chúng tôi đi thăm dấu tích xưa. Ông hào hứng: “Rất mừng là các cơ quan chức năng đã ủng hộ nhà trường khi quyết định dời bến xe sang địa điểm mới để thống nhất khoanh vùng di tích. Nơi đây sẽ có nhóm tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cờ Trung với nước, hiếu với dân bằng đồng nguyên khối cao 8m. Bức phù điêu cao 4m ở phía sau tượng đài thể hiện truyền thống lịch sử của nhà trường”.

Khu di tích này cùng với Cần Kiệm, Chùa Trầm, Vật Lại, Đá Chông hợp thành vùng di tích về Bác kính yêu ở xứ Đoài mây trắng, trở thành chốn thiêng liêng để giáo dục truyền thống yêu nước.

Hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, thực hiện lời dạy của Bác, Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn năm xưa, Trường Sĩ quan lục quân hôm nay đã đào tạo hàng nghìn sĩ quan cho hai cuộc kháng chiến oanh liệt của dân tộc.

Phạm Kim Thanh