Triển khai vội vàng, dư luận bức xúc

Đời sống - Ngày đăng : 06:11, 28/03/2010

(HNM) - “Mùa xuân là Tết trồng cây”, trong khi cả xã hội đang nỗ lực ươm trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh thì ở Hà Đông (Hà Nội) đang diễn ra một sự việc hy hữu, quận này cho đốn, đôn hơn 1.000 cây xanh hai bên quốc lộ (QL) 6 đoạn chạy qua địa bàn để triển khai một dự án trồng mới, nhằm chỉnh trang đô thị trước thềm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Khoan nói đến ý nghĩa của dự án, trước mắt, dư luận đang hết sức bất bình và nghi ngờ về hiệu quả của việc làm này.

Vì sao hàng nghìn cây xanh bị chặt cành, đào gốc

Ngày 27-3, có mặt trên đường Quang Trung (thuộc phường Quang Trung), đoạn có nhiều cây xanh nhất dọc QL6 qua Hà Đông, chúng tôi chứng kiến những công nhân với máy cưa, cuốc, xẻng… đang khẩn trương chặt cành, đào gốc cây. Một công nhân cho biết: "Những cây này đào lên chở về giâm ở khu nghĩa trang Mộ Lao, sau đó sẽ được trồng tập trung ở một số khu vực dân cư, nghĩa trang, công viên cây xanh trên địa bàn quận… còn ở đây, trồng thay thế toàn bộ bằng cây sao đen". Chẳng biết khi trồng loại cây mới, phố phường Hà Đông sẽ trở nên đẹp đẽ, bản sắc đến mức nào nhưng hiện tại, khi cây xanh mất đi đã lộ ra "bộ mặt" đô thị nhếch nhác với nhiều hình ảnh phản cảm khiến người dân vô cùng bức xúc. Ông Nguyễn Văn Thanh (phường Quang Trung) xót xa chỉ cho chúng tôi xem những gốc cây to bị đào lên, nơi mà trước đây nhờ có nó, phố phường được phủ một màu xanh. Hậu quả nhãn tiền là màu xanh mất đi, đường phố trở nên bụi bặm, ồn ào, nóng bức… Chị Hằng chỉ vào gốc cây vừa bị đào trước cửa nhà bức xúc: "Khi nghe tin sẽ loại bỏ cây trên hè phố để trồng mới, chúng tôi thắc mắc lắm, nhưng đùng một cái đã thấy đơn vị thi công cho người và máy đến "hạ thủ" một loạt cây xanh không thương tiếc, người dân trở tay không kịp".

Nhiều cây xanh trên đường Quang Trung tại quận Hà Đông đã bị chặt.

Qua quan sát, chúng tôi thấy, mỗi khi "đội xử lý cây xanh" đến khu vực nào thì người dân ở đó đều đổ ra vỉa hè với vẻ mặt buồn bã, xót xa cho những thân cây, tán lá xanh mướt đã gắn bó với đời sống, sinh hoạt của họ nhiều năm, nay bị đào lên. Trong khi đó, nhiều người tỏ vẻ hoài nghi tính hiệu quả của cây trồng mới (cây sao đen) và đặt câu hỏi: "Không biết cây có tán không mà mới trồng đã cao 3 đến 6m? Nếu phát triển tốt thì mấy năm nữa có lẽ vươn tới đường điện cao thế. Hơn nữa, sắp tới hạ ngầm đường dây có ảnh hưởng gì không?"…

Chủ dự án nói gì?

Dự án Chỉnh trang cây xanh hai bên QL6 đoạn qua Hà Đông (từ Phùng Khoang đến ngã ba Ba La) được UBND quận phê duyệt bằng Quyết định 2413/QĐ-UBND ngày 26-1-2010. Theo UBND quận, "chỉnh trang cây xanh hai bên QL6 là hết sức cần thiết vì không những tạo cảnh quan, mỹ quan đô thị cho quận nói riêng mà còn tạo cảnh đẹp chung cho Hà Nội". Quy mô của dự án, trồng mới 1.155 cây mới (toàn bộ là cây sao đen) suốt chiều dài 5km, các cây cách nhau 8m; mỗi bên hè trồng một hàng được đặt theo hàng của cây cũ đào đi; tổng mức đầu tư hơn 6 tỷ đồng và giao cho Ban Quản lý dự án Khu đô thị Mỗ Lao làm chủ đầu tư.

Cây xanh bị chặt, đường phố ngổn ngang.

Bà Trần Thị Lương An, Phó Trưởng ban Quản lý dự án Khu đô thị Mỗ Lao - chủ đầu tư cho biết, theo số liệu điều tra, khảo sát của đơn vị tư vấn và trên thực tế thì hiện trạng tuyến phố chưa tương xứng với bộ mặt của một quận lớn của Thủ đô. Cây xanh tạo bóng mát chỗ còn, chỗ mất, không đồng bộ. Thống kê của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Sao Khuê (đơn vị tư vấn), đoạn đường triển khai dự án hiện có 1.103 cây xanh, trong đó nhiều nhất là bàng (235 cây); bằng lăng (208); hoa sữa (180); dâu da xoan (181); phượng (39)… Trong số này, duy nhất có 6 cây sưa (cây quý) là được "tại vị"; số đào chuyển đi nơi khác 838 cây, còn lại những cây liệt vào danh sách cây "dại" là bị đốn hạ. Triển khai một dự án khá nhạy cảm khi một lượng cây xanh lớn, đã nhiều năm làm đẹp bộ mặt đô thị, góp phần không nhỏ cải tạo môi trường dân sinh ở tuyến đường huyết mạch vào nội đô bị chặt hạ, đào chuyển đi nơi khác nhưng quận Hà Đông "tịnh" không xin ý kiến cơ quan có trách nhiệm của TP Hà Nội. Ngay cơ quan chủ quản về quản lý đô thị là Sở Xây dựng, theo bà Trần Thị Lương An, quận cũng không "tranh thủ" trước khi thực hiện, mà chỉ xin ý kiến một số chuyên gia đô thị. Căn cứ trên thực tế để UBND quận "hạ" bút ký quyết định phê duyệt dự án chỉ là Tờ trình số 32/TTr-BDAML ngày 19-1-2010 của Ban Quản lý dự án Khu đô thị Mỗ Lao; Tờ trình số 93/TTr-TCKH ngày 25-1-2010 của Phòng Tài chính - Kế hoạch quận về việc phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật và kế hoạch đấu thầu xây dựng công trình. Trong việc này, có lẽ quận Hà Đông đã căn cứ chủ yếu vào Quyết định 51 của UBND TP Hà Nội về việc phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực KT-XH (dự án này là đúng thẩm quyền). Song lãnh đạo quận Hà Đông đã quên rằng, việc trồng, đốn hạ, chuyển một lượng lớn cây xanh thời điểm hiện nay sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cảnh quan môi trường, làm xấu đi bộ mặt đô thị khi mà Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đã cận kề.

Ở khía cạnh khác, dư luận rất băn khoăn về số phận gần 1.000 cây đôn lên trồng nơi khác có bảo đảm sống 100%, ai là người giám sát việc này? Trong khi chờ một phương án cụ thể, khả thi thì số cây này sẽ ra sao? Lúc này, rất nhiều người đã liên tưởng tới dự án tốn bạc tỷ gắn biển "Gia đình văn hóa" đã bị "thổi còi" vừa qua của quận Hà Đông, nay lại triển khai dự án bạc tỷ để trồng lại cây xanh, kỳ vọng "lột xác" một tuyến đường lớn phía Tây Hà Nội; mong muốn tạo bản sắc riêng cho Hà Đông liệu có quá vội vàng?

Ông Đinh Văn Tiến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường đô thị Hà Đông:
Tôi băn khoăn về chức năng bóng mát của cây sao đen

Tôi rất băn khoăn về chức năng bóng mát của cây sao đen vì mới trồng cây đã cao 4 đến 6m. Trồng cây sấu thì hợp lý hơn, bởi trên thực tế, 3 năm trước trên tuyến đường Tô Hiệu (quận Hà Đông), công ty đã trồng loại cây này đến nay đã rất xanh tươi.

Đức Hải - Chí Đạo