Khai hội đền Bạch Mã

Xã hội - Ngày đăng : 06:00, 28/03/2010

(HNM) - Sáng 27-3 (tức 12 tháng Hai âm lịch) tại 76 Hàng Buồm đã diễn ra lễ khai mạc Hội đền Bạch Mã. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cùng lãnh đạo, nhân dân quận Hoàn Kiếm và du khách thập phương đã tới dự.

Lễ hội đền Bạch Mã là một hoạt động thường niên nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, khích lệ tinh thần đoàn kết, giáo dục truyền thống yêu nước, nhớ ơn thần Long Đỗ - Quốc đô Thăng Long Thành hoàng Đại vương. Năm nay Lễ hội đền Bạch Mã mang ý nghĩa đặc biệt, là một trong những hoạt động lớn của quận Hoàn Kiếm chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nét mới của lễ hội là việc phục dựng một phần lễ tiến Xuân Ngưu (tống tiễn mùa đông, đón mùa xuân); trong đó thần Xuân Ngưu được làm bằng khung tre, giấy bồi cứng bên ngoài, đi cùng là Mục đồng (mang hình tượng thần Câu Mang) với các quan phủ, quan huyện hộ tống do các cụ ông tiêu biểu sắm vai. Đoàn rước với trên 500 cụ ông, cụ bà, các cựu chiến binh, thiếu niên, học sinh, tiêu biểu cho các ngành nghề, với trang phục truyền thống từ đền Bạch Mã tiến đến Bờ Hồ, thắp hương dưới Tượng đài Lý Thái Tổ.

Sau phần khai mạc và dâng hương của đại biểu và nhân dân là lễ hóa mã Xuân Ngưu tại sân vận động Long Biên, lễ tế Nam quan, Nữ quan dâng hương trong đền Bạch Mã. Xen kẽ phần lễ là các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống: chầu văn, ca trù, quan họ, múa võ, múa lân, múa rồng… Lễ hội sẽ tiếp tục hôm nay, ngày 28-3.

(HNM) - Sáng 27-3 (tức ngày 12 tháng Hai âm lịch), hàng nghìn người dân và du khách thập phương đã tham gia lễ hội truyền thống đình - đền Hòa Mục, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (còn gọi là lễ hội 5 làng Mọc). Đó là sự quy tụ của 5 làng Giáp Nhất, Cự Chính, Phùng Khoang, Quan Nhân và Chính Kinh. Lễ hội 5 năm tổ chức một lần, các làng thay phiên đăng cai, năm nay là làng Giáp Nhất.

Quần thể cụm di tích Đình trong, Đình ngoài, đền Dục Anh thờ Tam vị Đại vương Thành hoàng làng Hòa Mục, đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1992. Theo điển tích, đây là 3 vị tướng (1 tướng bà, 2 tướng ông) đã có công dẹp giặc nhà Đường xâm lược nước ta. Ghi nhận công đức của 3 vị tướng, qua các triều vua từ vua Lê Lợi đến triều Nguyễn (thế kỷ XIX) đã ban tặng 15 đạo sắc phong Tam vị Đại vương.

Hà Thu, Thảo Nguyên