Đã đến lúc chưa?

Giáo dục - Ngày đăng : 05:56, 28/03/2010

(HNM) - Theo điều tra của Viện Khoa học giáo dục, hằng năm nước ta tuyển vào bậc THPT trên 40 vạn học sinh. Sau khi tốt nghiệp phổ thông có khoảng 19,7% học sinh vào học ở các trường đại học, cao đẳng; 7,4% vào các trường trung học chuyên nghiệp và chỉ có 4,9% đi học nghề.

Tức là, mỗi năm nước ta có 25-30 vạn học sinh tốt nghiệp THPT và 5 vạn học sinh tốt nghiệp THCS bổ sung vào lực lượng lao động xã hội mà chưa hề được đào tạo nghề.

Có một thực tế hiện nay là hầu hết học sinh không tự đánh giá được năng lực của mình, không biết rõ mình thích môn gì, phù hợp với nghề gì... Lý do là thông thường, chỉ đến khi gần kết thúc lớp 12, học sinh mới được tư vấn chút ít về ngành nghề. Các em luôn đơn độc trong việc lựa chọn hướng đi cho mình. Bố mẹ ít quan tâm hoặc hiểu biết hạn chế nên không giúp được con đã đành mà nhà trường cũng không xem nhiệm vụ hướng nghiệp là quan trọng. Thực tế là giáo dục hướng nghiệp ở phổ thông hiện chưa có nội dung, chương trình mang tính thực tiễn. Giáo viên chỉ kiêm nhiệm, thiếu hiểu biết về kiến thức này do không được đào tạo cơ bản. Các trường cũng chưa tổ chức cho các em đi tìm hiểu thực tế, tìm hiểu ngành nghề ở các nhà máy, cơ sở sản xuất... Mặt khác, nhà trường cũng có cái khó là thời gian dành cho việc hướng nghiệp cho học sinh quá ít. Trước đây, nếu nội dung chương trình có 27 tiết hướng nghiệp/năm học thì nay chỉ còn 9 tiết/năm học. Với thời lượng ấy, kể cả giáo viên có chuyên môn thì việc hướng nghiệp cho học sinh cũng giống "cưỡi ngựa xem hoa", huống hồ giáo viên kiêm nhiệm. Công tác hướng nghiệp trong nhà trường hiện nay gần như chỉ phục vụ một mục tiêu: tư vấn tuyển sinh. Nếu trường nào tổ chức được các hoạt động thì nội dung trao đổi giữa học sinh và các chuyên gia tư vấn cũng chỉ xoay quanh vấn đề chọn khối thi nào, thi trường nào. Với nhiều trường, hoạt động ngoài giờ lên lớp về hướng nghiệp chỉ đơn giản là cho phép một cơ sở đào tạo nào đó đến "tư vấn" với mục đích là "pi-a" cho đơn vị mình.

Chính vì không được hướng nghiệp kỹ càng nên thực tế, không ít học sinh thi đỗ đại học, học vài năm mới biết mình không phù hợp với ngành đã chọn. Điều này gây lãng phí thời gian và tiền bạc rất lớn cho cả cá nhân và xã hội. Cũng chính vì không được hướng nghiệp nên đất nước ta đang tiến lên công nghiệp hóa hiện đại hóa trong hoàn cảnh có tới 70% học sinh phổ thông ra trường tham gia vào lực lượng lao động mà không hề được đào tạo nghề. Đã đến lúc chúng ta xem xét lại một cách nghiêm túc việc hướng nghiệp cho học sinh hay chưa?

Việt Nhân