Khôi phục lòng tin

Thế giới - Ngày đăng : 07:33, 27/03/2010

(HNM) - Sau nhiều tuần tranh cãi, lãnh đạo 16 nước khu vực đồng ơrô (Eurozone) đã nhất trí với một thỏa thuận do Đức và Pháp soạn thảo để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp và khôi phục lòng tin vào đồng tiền chung châu Âu. Đây được coi là thành công lớn của Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ở Brúcxen (Bỉ) trong ngày 25 và 26-3.

Cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp đang làm chao đảo biểu tượng Eurozone.


Eurozone đã nhất trí thành lập cơ chế an toàn tài chính chung phối hợp với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) để ra tay cứu Hy Lạp. Theo đó, nước này có thể nhận được các khoản vay song phương phối hợp từ các nước sử dụng đồng ơrô khác và từ IMF trong trường hợp có nguy cơ vỡ nợ. Nguồn tin từ Ủy ban châu Âu (EC) tiết lộ, gói trợ giúp Hy Lạp trị giá 20-22 tỷ ơrô (27-29 tỷ USD), trong đó Khu vực đồng ơrô đóng góp 2/3, phần còn lại do IMF cung cấp. Đóng góp của các nước Khu vực đồng ơrô được tính theo tỷ lệ cổ phần của mỗi nước trong Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và hai nước có cổ phần lớn như Đức và Pháp sẽ đóng góp nhiều nhất.

Tuy nhiên, cơ chế trên được coi là "giải pháp cuối cùng", chỉ áp dụng trong trường hợp Hy Lạp không còn lối thoát và khoản vay phải dựa trên đánh giá của EC và IMF cũng như đề xuất của Aten.

Thỏa thuận cũng khẳng định lại cam kết phối hợp chặt chẽ các chính sách kinh tế nhằm khôi phục sự tăng trưởng mạnh, lâu bền và ổn định cho EU, đồng thời đề xuất tăng cường vai trò giám sát kinh tế của Hội đồng châu Âu đối với tất cả 27 nước thành viên EU. Rõ ràng, tình hình hiện nay cho thấy sự cần thiết phải củng cố và thực hiện cơ cấu hiện hành nhằm bảo đảm sự ổn định tài chính trong Khu vực đồng ơrô và tăng cường khả năng hành động của khu vực này trong thời kỳ khủng hoảng.

Thỏa thuận này sẽ giúp giảm đáng kể "sức nóng" từ cuộc khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ lan rộng khắp châu Âu. Các khoản nợ ngày một phình to của nhiều quốc gia ở Lục địa già không chỉ đe dọa tới sự ổn định của Eurozone mà còn gây chia rẽ nội bộ EU. Giới quan sát quốc tế cho rằng, với thỏa thuận trên, Đức đã đạt mục đích chính là "kéo" IMF vào gói cứu trợ Hy Lạp và chỉ áp dụng gói cứu trợ này trong trường hợp tối cần thiết. Trong khi đó, Pháp đã phải từ bỏ lập trường trước đó coi sự can dự của IMF trong vấn đề Hy Lạp sẽ gây hại đến uy tín của đồng ơrô và cho thấy châu Âu không thể giải quyết được chính những tai họa tài chính của họ.

Trong khi đó, giới tài chính quốc tế cho rằng quyết định của Eurozone chỉ có tác dụng trấn an các nhà đầu tư trong ngắn hạn, chứ không giải tỏa được tâm trạng lo lắng về mức độ nợ chính phủ cao trong Khu vực đồng ơrô và những khó khăn của khu vực này trong việc phối hợp chính sách kinh tế. Thế nhưng, có luồng dư luận cho rằng, sự can dự của IMF có thể là "con dao hai lưỡi", dẫn đến việc nhiều nước từng cầu viện IMF sẽ cơ cấu lại nợ, hoặc chất nặng thêm gánh nợ tài chính cho Hy Lạp do phải phát hành trái phiếu với lãi suất cao trong thời gian tới. Đối với nhiều nhà đầu tư, sự vào cuộc của IMF đồng nghĩa Khu vực đồng ơrô chưa thể tự hóa giải những khó khăn tài chính như hiện nay.

Cuộc khủng hoảng hiện nay ở châu Âu đã bộc lộ những điểm yếu của khu vực đồng tiền chung nhiều thành viên như Eurozone. Thêm một lần nữa sự tồn tại của đồng ơrô lại bị đặt câu hỏi. Liệu có một chính sách tiền tệ chung cho những nước giàu như Đức và những nước nghèo, luôn tiềm ẩn những mâu thuẫn như Tây Ban Nha hay không khi nguy cơ lạm phát cao luôn tiềm ẩn ở các nước nghèo vì phải tiếp cận luồng vốn mà họ không đủ khả năng trả nợ. Bên cạnh đó, "câu lạc bộ" hạng trung như Hy Lạp, Tây Ban Nha và Italia đều ỷ lại vào tín dụng dễ dàng mà đồng ơrô mang lại đã để ngân sách rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất dẫn đến nguy cơ phá sản. Đây cũng là chủ đề nóng bỏng nhất được các nhà lãnh đạo EU bàn thảo suốt 48 giờ qua nhằm duy trì Eurozone một cách bền vững.

Quỳnh Chi