Phát triển kinh tế quý I: Nhận diện điểm yếu để bứt phá

Kinh tế - Ngày đăng : 07:02, 27/03/2010

(HNM) - Tại hội nghị giao ban định kỳ tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) sáng 26-3, tình hình phát triển kinh tế quý I trở thành tâm điểm chú ý, từ cấp vĩ mô đến các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp (DN). Đánh giá thực trạng của nền kinh tế, nhận diện những thuận lợi và bất lợi để bứt phá vươn lên đang là yêu cầu bức thiết nhằm hoàn thành các mục tiêu của năm kế hoạch 2010…

(HNM) - Tại hội nghị giao ban định kỳ tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) sáng 26-3, tình hình phát triển kinh tế quý I trở thành tâm điểm chú ý, từ cấp vĩ mô đến các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp (DN). Đánh giá thực trạng của nền kinh tế, nhận diện những thuận lợi và bất lợi để bứt phá vươn lên đang là yêu cầu bức thiết nhằm hoàn thành các mục tiêu của năm kế hoạch 2010…

Sản xuất ô tô, lĩnh vực đạt mức tăng trưởng cao so với mức tăng bình quân trong quý I. Trong ảnh: Dây chuyền lắp ráp xe bán tải tại Công ty CP Ô tô Cửu Long (TMT). Ảnh: Huy Hùng


Những diễn biến tích cực
Theo Bộ KH-ĐT, GDP quý I đạt tốc độ tăng trưởng 5,83% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) đạt hơn 173.000 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước (trong đó khu vực ngoài nhà nước tăng 14,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,4%). Đáng chú ý, hoạt động SXCN đang thể hiện rõ xu hướng hồi phục, khi tốc độ tăng trưởng tăng và đạt mức tăng 17,8% trong tháng 3 so với tháng 2 (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2009). Nhiều sản phẩm công nghiệp quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn đều có mức tăng trưởng cao so với mức tăng bình quân, như xi măng, kính thủy tinh, gạch lát, ô tô, tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ, khí hóa lỏng, sơn hóa học, giày dép, xe máy, lốp ô tô... Một số địa phương có quy mô SXCN lớn, có mức tăng trưởng cao, như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Đồng Nai, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh...

Tình hình sản xuất nông nghiệp cũng khá suôn sẻ, với một số kết quả đáng ghi nhận. Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp quý I đạt 48,2 nghìn tỷ đồng (tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái). Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng cao nhờ sản xuất vụ đông năm nay thuận lợi. Hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản cũng duy trì được sự ổn định...

Khu vực dịch vụ vẫn tiếp tục đà tăng trưởng nhờ thị trường nội địa quy mô lớn, lại đang bước vào giai đoạn phát triển sau khi nước ta gia nhập WTO. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt hơn 364 nghìn tỷ đồng, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán, cũng như nhu cầu tiêu dùng vẫn duy trì mức ổn định, thường xuyên trong những thời gian khác. Đặc biệt, ngành du lịch đang lấy lại phong độ, với việc thực hiện hàng loạt dự án; đồng thời đẩy mạnh quảng bá, thu hút khách thông qua chuỗi lễ hội, sự kiện quan trọng, tập trung nguồn lực để đón khách và từng bước nâng cao chất lượng phục vụ khách quốc tế. Trong quý I, các DN đã đón 1,35 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều thị trường du khách trọng điểm, có khả năng chi trả khá cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Ôxtrâylia... đang có tần suất khách du lịch sang Việt Nam cao. Điều này cho thấy Việt Nam đang hấp dẫn mạnh du khách quốc tế...

Lượng vốn đầu tư nước ngoài mới cấp phép và xin tăng vốn đạt hơn 2,1 tỷ USD (bằng 29% của cùng kỳ năm ngoái). Vốn thực hiện đạt 2,5 tỷ USD, tăng 13,6% cho thấy các DN nước ngoài đang tập trung triển khai các dự án, giải ngân và đưa ra các sản phẩm mới phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu (XK). Kim ngạch XK quý I đạt hơn 14 tỷ USD, với một số sản phẩm tăng cao là dây và cáp điện, hóa chất và sản phẩm hóa chất, sắt thép, sản phẩm và linh kiện điện tử, dụng cụ và phụ tùng, thủy sản, chè, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng dệt may, gốm sứ, giày dép... Đáng mừng là do sự phục hồi của thị trường quốc tế, nhu cầu tăng, nên giá bán cũng tăng theo. Từ đó đã mang lại khoảng 1 tỷ USD tăng thêm cho kim ngạch XK.

Nhận diện những bất lợi
Cùng với những kết quả đã đạt được, nền kinh tế cũng bộc lộ những tồn tại không thể xem nhẹ, cần được nhận diện để giải quyết kịp thời. Đó là mức độ nhập siêu khá lớn, đạt 3,5 tỷ USD (bằng 25% của kim ngạch XK). Đây là nguy cơ đe dọa cán cân thương mại cũng như cân đối vĩ mô của nền kinh tế trong nước và để lại gánh nặng cho 9 tháng còn lại của năm nay. Mức thu ngân sách quý I mới đạt 19,7% dự toán cả năm, đòi hỏi phải "tăng tốc" thu trong thời gian tới. SXCN cũng còn tình trạng "xôi đỗ", bởi có một số sản phẩm quan trọng có xu hướng chững lại hoặc suy giảm, như dầu thô, cơ khí chính xác, than, đường kính... Một số địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp như Cần Thơ, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu. Bên cạnh đó, những biểu hiện chưa thoát hẳn hoặc còn ảnh hưởng từ cuộc suy thoái kinh tế năm 2009 vẫn khá rõ, nhất là về các vấn đề giá cả, hoạt động tài chính - tiền tệ, cùng với những nguy cơ về hạn hán, triều cường... ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam bộ.

Nhiều chuyên gia cũng tỏ ý lo ngại về khả năng tỷ lệ lạm phát sẽ vượt ngưỡng 7% trong năm nay. Bởi đến nay CPI đã tăng 4,12% trong bối cảnh một số mặt hàng quan trọng vẫn tiếp tục tăng giá, kéo theo sự biến động về mặt bằng giá nói chung. Hơn nữa, những tháng cuối năm sẽ phải "gánh" một mục tiêu lớn là làm sao đạt tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 6,5% cho cả năm 2010, trong khi cũng phải căng sức chống đỡ với nạn lạm phát và an sinh xã hội.

Trước thực tế trên, Bộ KH-ĐT lưu ý các ngành, DN cần quan tâm đến giá trị tăng thêm của các mặt hàng công nghiệp, chú ý giá trị gia tăng trong sản phẩm XK và chú trọng khai thác, phát triển thị trường nội địa. Các ngân hàng cũng vào cuộc, chủ động rà soát dư nợ, khả năng cho vay và tạo điều kiện thuận lợi cho DN vay vốn. Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Cao Viết Sinh cho biết, các biện pháp điều hành sẽ nhằm vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, cán cân thương mại, thúc đẩy giải ngân các dự án, khuyến khích XK và giảm nhập siêu, kìm hãm tốc độ lạm phát để bảo đảm phát triển bền vững...

Hồng Sơn