Giữ vững lòng dân, bảo vệ biên giới

Chính trị - Ngày đăng : 06:58, 27/03/2010

(HNM) - Thực hiện khẩu hiệu

Cán bộ, chiến sỹ Biên phòng Quảng Nam khám, chữa bệnh cho bà con.


Dân đói, dân khổ thì lòng dân không yên và như thế chủ quyền biên giới quốc gia khó được bảo đảm. Hiểu và cảm thông với nhân dân vùng phên dậu của Tổ quốc, CBCS các đồn, trạm trên tuyến biên giới Quảng Nam đã không quản ngại khó khăn, băng rừng vượt núi đến tận các bản làng xa xôi để vận động nhân dân tách hộ lập vườn, thực hiện định canh, định cư, xóa đói, giảm nghèo. Các anh còn trích quỹ tăng gia sản xuất góp những đồng lương ít ỏi của mình để làm những căn nhà tình nghĩa cho các hộ gia đình chính sách, các hộ nghèo trên địa bàn đóng quân. Nhiều đơn vị nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bớt đi khẩu phần ăn hằng ngày lập những hũ gạo tình thương hỗ trợ người nghèo.

Theo chân Đại úy Nguyễn Văn Vinh, cán bộ tuyên truyền, Phòng Chính trị BĐBP Quảng Nam, đến thăm xã La Êê, huyện Nam Giang. Nhìn những rừng quế xanh ngút ngàn, mặt hồ lao xao cá, những ruộng lúa tươi tốt hứa hẹn mùa màng bội thu trên đỉnh Trường Sơn hôm nay, chúng tôi mới cảm nhận được công sức của BĐBP Quảng Nam. Anh Vinh nói: "Anh em ở đồn tranh thủ các lần về xuôi, đưa từng hạt giống, từng ký phân bón cũng như sách về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi lên cho bà con. Bộ đội giúp dân khai hoang phục hóa, trồng rừng, trồng cây công nghiệp, giúp dân làm đường, trồng lúa nước, làm trang trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm đúng quy cách, cấp phát thuốc chữa bệnh, xây nhà đại đoàn kết, mái ấm biên cương, làm thầy giáo dạy chữ cho dân... Những công việc cụ thể mà chiến sĩ giúp nhân dân vẫn còn nhiều lắm".

Đồn trưởng Đồn Biên phòng 653, Nguyễn Văn Búp nói thêm: "Ở đồn 653 có một mô hình được người dân nhắc đến với sự biết ơn sâu sắc, đó là "2 hầm, 3 chuồng". Do nhận thức trong vấn đề giữ gìn vệ sinh còn kém nên bà con thường mắc nhiều bệnh lây nhiễm, da liễu… Để giúp dân sống văn minh, đồn xây dựng mô hình 2 hầm (hố xí, hố rác), 3 chuồng (trâu - bò - dê và ngựa - heo - gà). Nhờ thế, các bản làng giờ sạch, đẹp hơn trước rất nhiều…".

Nhờ sự giúp đỡ của BĐBP Quảng Nam, người dân vùng biên cương tiếp tục gắn bó với nhau, giúp nhau vượt qua khó khăn, gian khổ. Tỷ lệ hộ đói, nghèo đã giảm dần, dịch bệnh được ngăn chặn kịp thời. Cho đến nay, 100% thôn bản biên giới có đủ trường học để học sinh đến lớp; nhiều xã vùng cao đã có điện thắp sáng phục vụ sinh hoạt... Những tập tục lạc hậu như mê tín dị đoan, đòi của, cúng ma đã dần bị đẩy lùi. Người dân vùng cao đã biết dùng thuốc khi ốm khi đau, biết đến trạm xá để sinh nở, không còn cảnh phải dựng lều ngoài suối vượt cạn một mình, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Phó Chủ tịch HĐND xã La Êê, Arất Sơn phấn khởi: "Có BĐBP giúp đỡ, hướng dẫn phát triển kinh tế nên bà con không ai bị đói. Tết vừa rồi nhiều nhà sắm ti vi và ăng ten chảo".

Bảo vệ biên giới là trách nhiệm không chỉ riêng của lực lượng BĐBP mà của toàn xã hội, nhất là nhân dân các xã vùng biên. Dân vùng cao, vùng sâu hiểu được điều đó đã tích cực cùng bộ đội giữ gìn ANTT, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Những buổi tuần tra, những lần phát quang đường biên, nhân dân đều tham gia tích cực và tận tình giúp đỡ bộ đội. Nhiều chương trình dự án được triển khai đã mang lại hiệu quả thiết thực. Mối tình đoàn kết quân dân đã giúp CBCS BĐBP đứng vững trên những vùng đất xa xôi, giữ vững từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.

Bên ánh lửa bập bùng, quây quần cùng các chiến sĩ BĐBP, già Zơ Râm Ghêm, 80 tuổi đời, 50 tuổi đảng ở thôn Pà Ooi sang sảng kể về công việc của một chủ tịch hội người cao tuổi mà già đang đảm nhận: "Già hứa sẽ cùng nhân dân phối hợp với lực lượng BĐBP bảo vệ an ninh biên giới và phát triển kinh tế địa phương. Với người dân ở các làng bản này, BĐBP vừa là người nhà, vừa là người ơn!".

Thu Thủy