Hành động để tự cứu mình
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:47, 27/03/2010
Năm 2009, Hà Nội lần đầu tiên tham gia Giờ Trái đất cùng 1.000 thành phố khác trên thế giới. Năm nay ở Thủ đô sẽ có nhiều đơn vị tham gia hơn và quan trọng là nhiều người dân đã ý thức hơn về ý nghĩa của sự kiện này. Một giờ tắt hết những bóng đèn và những thứ đồ không cần dùng đến điện. Về kinh tế, có thể khoản tiết kiệm ấy chưa hẳn là lớn. Nhưng đó là một giờ để tự mỗi chúng ta nghĩ về những diễn biến của khí hậu toàn cầu, về những ngày tết nắng chang chang giữa Thủ đô, về mùa đông không lạnh ở những nơi từng giá rét, về mực nước biển dâng cao, về những trận bão lũ kinh hoàng, hay nước biển đang lấn chỗ của nguồn nước ngọt. Một giờ đương nhiên không thay được một thập niên, càng khó thay được một thế kỷ, nhưng một giờ ấy là một giờ cảnh tỉnh nhân loại về cách ứng xử với thiên nhiên, môi trường cho hôm nay và mai sau.
Cuối năm 2008, Hà Nội hứng chịu trận lụt lịch sử. Ai cũng bàng hoàng, ai cũng sửng sốt. Có lẽ ít người nghĩ ra được hoàn cảnh trớ trêu khi người "nhà quê" vốn truyền thống hằng năm vẫn phải lo ứng phó với lũ lụt lại "được dịp" thăm hỏi người Hà Nội, người Thủ đô về tình cảnh khốn khó những ngày ngập lụt. Trên cả nước, rộng hơn là cả thế giới, bão, lụt, lũ quét, trượt lở đất, những thiên tai nguy hiểm xảy ra với tần suất và cường độ ngày càng cao, thiệt hại khó tính. Và mối đe dọa về việc mức nước biển dâng cao vẫn đang làm đau đầu các nhà nghiên cứu và quản lý. Việt Nam được xác định là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của mối đe dọa ấy. Thực tế hiện nay, triều cường vẫn đang hằng ngày hoành hành ở TP Hồ Chí Minh, còn tình trạng xâm mặn đang làm cho người dân các vùng duyên hải khốn khó, hay nạn cháy rừng vẫn đang rình rập nhiều nơi trên cả nước...
Hành động như thế nào để tự cứu mình trước những thảm họa trông thấy ấy? Tắt điện trong một giờ là hành động cụ thể nhằm tác động vào ý thức của mỗi người, của cộng đồng. Đơn giản là chúng ta tự biết ý thức, tự hành động. Nhìn xa hơn, các kỹ sư, các nhà nghiên cứu cần tìm tòi, sản xuất những sản phẩm tiết kiệm năng lượng, ít làm ảnh hưởng đến môi trường nhất.
Năm ngoái, Tổng Thư ký Liên hợp quốc khẳng định biến đổi khí hậu là "thách thức đáng lo ngại nhất của nhân loại". Năm nay ông lại nhấn mạnh, chỉ riêng việc số người chết vì bệnh tật do không được tiếp cận nguồn nước sạch đã vượt quá con số chết vì chiến tranh. Rõ ràng, sự biến đổi bất thường của khí hậu và sự tàn phá môi sinh quá mức của con người đang đặt chúng ta vào tình thế vô cùng khó khăn. Một giờ tắt điện để thắp sáng lên trong nhận thức mỗi người. Một hành động đơn giản nhưng nhiều ý nghĩa. Hãy dành một giờ ấy để biết sống, biết yêu và biết tôn trọng thiên nhiên. Ngay tối nay, tôi, bạn và tất cả chúng ta hãy cùng nhau làm một "hành động nhỏ cho một thay đổi lớn", hãy tắt đèn để bật sáng tương lai...