Xuất khẩu thủy sản 2010: Nhiều thách thức

Kinh tế - Ngày đăng : 06:17, 27/03/2010

(HNM) - Năm 2010 tình hình xuất khẩu thủy sản đã có nhiều tín hiệu lạc quan với giá trị xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt 628 triệu USD, tăng hơn 41% so với cùng kỳ năm 2009. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chúng ta không nên quá lạc quan với tín hiệu này, bởi trên thực tế hiện nay xuất khẩu thủy sản đang đối mặt với rất nhiều rào cản từ các nước châu Âu.

Công nhân Công ty TNHH Hùng Vương chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: TTXVN


Tăng 41% so với cùng kỳ năm 2009

Theo Bộ NN&PTNT, trong 3 tháng đầu năm 2010, xuất khẩu thủy sản đạt 628 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2009. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, năm 2010 ngành thủy sản Việt Nam có nhiều khả năng xuất khẩu hơn 500.000 tấn cá tra và hơn 200.000 tấn tôm. Ngoài ra, các doanh nghiệp (DN) thủy sản trong nước có thể mở rộng thị trường sang các nước Đông Âu, Bắc Phi, Ấn Độ. VASEP cũng khẳng định, năm 2010, ngành thủy sản phấn đấu xuất khẩu đạt 4,5 tỷ USD. Kết quả chủ yếu là do nền kinh tế thế giới, nhất là các nước Mỹ, EU, Nhật Bản... là những thị trường xuất khẩu thủy sản chính của Việt Nam đang trên đà phục hồi trở lại.

Ngoài ra, hiện nay một số thông tin không chính xác về sản phẩm cá tra, cá ba sa ở một số thị trường đã được minh oan như: cuối năm 2009, Bộ Y tế và tiêu dùng Tây Ban Nha đã công nhận cá tra, cá ba sa xuất khẩu của Việt Nam đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm của Liên minh châu Âu. Ngoài ra, Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (JVEPA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-10-2009, trên 86% hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam được hưởng ưu đãi rất lớn về thuế, trong đó các mặt hàng tôm đã được giảm thuế xuất khẩu xuống 1-2%... Đây là điều kiện thuận lợi cho các DN thủy sản Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường này.

Bộ Công thương đánh giá, năm 2010, có thể tăng xuất khẩu thủy sản sang EU. Các nước EU nhập nhiều nhất philê cá đông lạnh, chủ yếu là cá tuyết, cá tuyết vàng và cá tra, sau đó là tôm đông lạnh và cá ngừ. Trị giá nhập khẩu cả khối EU khoảng 40 tỷ USD/năm. Nhưng xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm 3% kim ngạch nhập khẩu của khu vực này, dự kiến năm 2010 nâng tỷ lệ này lên 3,5% (khoảng 1,4 tỷ USD). Một số thị trường khác cũng rất quan trọng như Hàn Quốc, Nga, Trung Đông đang trở thành những thị trường không thể bỏ qua với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Đối mặt nhiều thách thức

Theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2010 ước đạt khoảng 4,5-4,7 tỷ USD. Tuy nhiên, theo báo cáo thường niên ngành thủy sản Việt Nam 2010 của Công ty cổ phần Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam (Agromonitor) kế hoạch này rất khó đạt được bởi năm 2010, theo nhận định của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), thị trường thủy sản thế giới vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là khi nền kinh tế toàn cầu chưa thực sự thoát khỏi khủng hoảng. Bên cạnh đó, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường EU trở nên khó khăn hơn khi quy định chống đánh bắt thủy sản trái phép (IUU) bắt đầu được thực hiện từ năm 2010 gây khó khăn cho người nông dân và DN xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU.

Ngoài ra, sự đầu tư mạnh mẽ trong việc mở rộng sản lượng, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, tạo dựng và phát triển thương hiệu cho các mặt hàng thủy sản của một số nước trong khu vực như Ấn Độ, Thái Lan, Inđônêxia, Philíppin nhằm củng cố và phát triển thị phần tại một số thị trường nhập khẩu thủy sản lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản cũng sẽ là thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, khó khăn lớn nhất cho xuất khẩu thủy sản năm 2010, chủ yếu vẫn là xu hướng bảo hộ thương mại, hàng rào kỹ thuật, kiểm dịch chặt chẽ và thường xuyên ban hành các tiêu chuẩn mới khắt khe hơn về dư lượng kháng sinh và an toàn vệ sinh thực phẩm. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đang trong quá trình triển khai dự luật nông nghiệp 2008 (Farmbill), trong đó có điều khoản nhằm hạn chế việc nhập khẩu cá tra của Việt Nam, dựa trên việc mở rộng định nghĩa catfish và đưa cá tra của Việt Nam vào danh sách này để chuyển đối tượng này từ USFDA sang USDA quản lý, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Ngoài ra, năm 2010, các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam phải đứng trước khó khăn về thiếu nguyên liệu trong nước để sản xuất trong khi thuế nhập khẩu nguyên liệu một số mặt hàng vẫn chưa đưa về mức 0%. Hiện nay, hầu hết các nhà máy chế biến thủy sản chỉ hoạt động được khoảng 40% công suất do thiếu nguyên liệu chế biến. Số nhà máy chế biến hải sản không ngừng tăng lên trong khi năng lực nuôi trồng, khai thác trong nước có hạn, cạnh tranh trở nên gay gắt. Để giải quyết việc thiếu nguyên liệu nhiều DN đã tăng cường nhập khẩu nguyên liệu từ các nước, nhưng đây chỉ là giải pháp trước mắt. Hơn nữa, có thể nói đến một số khó khăn đáng kể khác như tình trạng con giống (để nuôi trồng thủy sản) không bảo đảm, chất lượng thấp. Nguyên liệu sản xuất thiếu trong khi thuế nhập khẩu nguyên liệu ở mức cao, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa vùng sản xuất với chế biến. Bên cạnh đó, do yếu kém trong khâu tiếp thị và thiếu đội ngũ các nhà quản lý và lao động có trình độ cũng là khó khăn đối với ngành thủy sản.

VASEP nhận định tình trạng bỏ nuôi sẽ tái diễn trong năm 2010, và dự báo tỷ lệ sẽ tăng lên 50-60%, thiếu nguyên liệu, các nhà máy chỉ chạy 30-40% công suất. Thị trường cá tra philê tại EU, Mỹ, Nga và nhiều nơi khác hiện giá đứng ở mức 1,7-2,9 USD/kg như năm 2009 chứ không tăng, nên không thể nâng giá mua nguyên liệu. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương nhận định: Để giữ được thị trường ổn định và phát triển trong năm 2010, các DN Việt Nam cần phải có cái nhìn thận trọng trong việc xuất khẩu thủy sản cũng như phải biết nhận diện những khó khăn trước mắt và lâu dài để đạt kim ngạch xuất khẩu tốt nhất.

Đào Huyền