Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam: Ba sự kiện lớn trong năm 2010

Văn hóa - Ngày đăng : 07:05, 26/03/2010

(HNM) - Nhìn cận cảnh nhiếp ảnh Việt Nam, thấy rất nhiều giải thưởng cá nhân trong nước và quốc tế. Nhưng nếu nhìn toàn cảnh thì chưa nổi lên đường nét sắc sảo mang phong cách, gương mặt riêng của nhiếp ảnh Việt Nam.

Năm 2010, nhiếp ảnh Việt Nam có nhiều điều kiện cho cuộc bứt phá đó. Ông Vũ Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã trao đổi với Hànộimới.

Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đã đào tạo, bồi dưỡng nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh cho Việt Nam. Ảnh: Linh Tâm


Trung tâm Lưu trữ và Triển lãm ảnh quốc gia

- Thưa ông, sau rất nhiều chờ đợi, TT Lưu trữ và Triển lãm ảnh quốc gia (Trung tâm) gồm 9 tầng đã được xây dựng. Có thể hình dung về địa chỉ này thế nào đối với hoạt động nghiệp vụ của hội?
- Mặc dù mới đang trong giai đoạn xây dựng, dự kiến khánh thành vào tháng 10-2010, nhưng có thể nói sự ra đời của Trung tâm là một sự kiện bước ngoặt đối với hoạt động nhiếp ảnh Việt Nam. Kết quả này có được sau rất nhiều nỗ lực của các thế hệ lãnh đạo Hội NSNA Việt Nam đi trước.

Với khoảng hơn 1.000m2 diện tích sử dụng, lần đầu tiên các nghệ sĩ nhiếp ảnh có một sân chơi riêng để triển lãm, trao đổi, giao lưu trong nước và quốc tế, đào tạo…

Trong đó, dự kiến sẽ có một tầng riêng triển lãm, lưu trữ tư liệu hình ảnh về Bác Hồ. Bên cạnh đó là khu triển lãm; hội thảo tiêu chuẩn; khu dành cho xã hội hóa như các dịch vụ nhiếp ảnh; liên kết đào tạo các khóa nhiếp ảnh phù hợp với từng đối tượng...

- Không ít triển lãm ảnh hiện nay phải "chấp nhận" thiệt thòi vì điều kiện trưng bày không đủ tiêu chuẩn. Theo ông, hoạt động triển lãm tại Trung tâm cần được tổ chức, khai thác thế nào để bảo đảm hiệu quả?
- Cơ bản các phòng triển lãm của ta không đủ tiêu chuẩn như cửa sổ gây ngược sáng, thiếu đèn chiếu, hạn chế về quy mô… Mỗi lần làm triển lãm phải lo thuê địa điểm trước. Do đó hoạt động này không thể thường xuyên, nhiều khi hiệu quả không cao. Chính vì vậy, Trung tâm ra đời phải có một khu vực trưng bày chất lượng, ổn định.

Theo tôi, triển lãm nhiếp ảnh nên theo chuyên đề, sau đó tọa đàm, hội thảo để tăng cọ sát về chuyên môn, tăng mối liên hệ với công chúng. Ví dụ sau trưng bày ảnh chân dung có thể tọa đàm: thế nào là ảnh chân dung, một đôi mắt, một ngón tay có phải là ảnh chân dung không? Hay ảnh những vấn đề còn đang có nhiều ý kiến như ảnh kỹ thuật số, ảnh nuy…? Những tranh luận có thể không thống nhất ngay được nhưng nó cho ta sự vận động và chắc chắn là từ đó mới có sự chuyên nghiệp. Hiện nay, các triển lãm ảnh của ta còn khá chung chung, khó tạo nên những ấn tượng về xã hội và cả chuyên môn.

- Ông có thể chia sẻ quan điểm của ông về việc nâng cao khả năng phản biện của đội ngũ những người làm phê bình hoặc giám khảo nhiếp ảnh ở Việt Nam?
- Khá nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh của ta là "tay ngang", giàu kinh nghiệm nhưng chỉ ở lĩnh vực mà họ yêu thích. Mà đã ngồi ở ghế giám khảo thì lại rất cần đủ kiến thức và năng lực thẩm định tác phẩm ở rất nhiều thể loại, đề tài. Đội ngũ nghệ sĩ có kinh nghiệm cũng ngày một lớn tuổi. Vì vậy, Trung tâm sẽ hợp tác với các cơ sở nhằm đào tạo nghệ sĩ nhiếp ảnh bài bản.

Tuy nhiên, trong đánh giá tác phẩm cần chấp nhận sự khác nhau, chỉ có điều không thể khác quá mức. Do đó, sẽ phải tổ chức các lớp nâng cao để góp phần hình thành một đội ngũ nhà nhiếp ảnh trẻ có trình độ phản biện, có năng lực thẩm định tác phẩm.

Đại hội FIAP lần thứ 30 tại Hà Nội

- Năm 2010 tại Hà Nội, giới nhiếp ảnh còn có một sự kiện quan trọng là tổ chức Đại hội FIAP lần thứ 30 (Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế). Ông có thể cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng của sự kiện này với nước ta nói chung và nhiếp ảnh nói riêng?
- Đại hội FIAP 30 sẽ diễn ra vào tháng 8-2010, dự kiến có 250 đại biểu tham gia, là sự kiện không chỉ tăng cường giao lưu quốc tế trong giới nhiếp ảnh mà còn góp phần thúc đẩy ngoại giao văn hóa. Ta sẽ có cơ hội tiếp cận, trao đổi, học hỏi với các nhà nhiếp ảnh nghệ thuật của thế giới qua cuộc thi ảnh đen trắng mà mỗi nước sẽ có 10 ảnh đại diện. Bên cạnh đó, với các hoạt động thực tế tại nhiều nơi, các tay máy nước ngoài sẽ góp phần cùng chúng ta giới thiệu, quảng bá về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Đó là cái lợi lâu dài, quan trọng.

- Đại hội sẽ diễn ra tại Thủ đô ngay trước thềm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; Hội dự định sẽ nhân dịp này tuyên truyền cho sự kiện trọng đại đó thế nào?
- Chúng tôi dự định sẽ chọn của mỗi tác giả nước ngoài 5 bức ảnh để xuất bản cuốn sách ảnh góc nhìn Việt Nam của các nhà nhiếp ảnh thế giới, trong đó hy vọng có những bức ảnh đẹp về một Hà Nội hôm nay. Bên cạnh đó, BTC sẽ chuẩn bị một đĩa CD gồm 300-500 ảnh về đất nước, con người Việt Nam đổi mới, trong đó có hình ảnh đặc sắc về Thủ đô nghìn tuổi để tặng các đại biểu nước ngoài.

300 bức ảnh chào Thủ đô nghìn tuổi
- Năm nay, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam còn được giao nhiệm vụ quan trọng là tổ chức triển lãm gồm 300 bức ảnh chào mừng nghìn năm Thăng Long - Hà Nội? Phải làm thế nào để có sự đặc sắc cho cuộc trưng bày này thưa ông?
- Tạo sự riêng biệt mà vẫn bảo đảm được chủ đề Thăng Long - Hà Nội chính là câu hỏi khó mà chúng tôi đang phải giải đáp. Nguồn tư liệu ảnh về Hà Nội rất phong phú, song hiện có khá nhiều đơn vị cũng đang chuẩn bị cho triển lãm ảnh về chủ đề này. Nếu ai cũng đưa ra một ít ảnh Hà Nội xưa, Hà Nội nay… thì dễ trùng lặp, nhàm chán cho người xem. Tôi đang hy vọng sẽ có sự ngồi lại cùng nhau để trao đổi, phân chia mỗi người một mảng, vừa tạo sự phong phú, vừa có ấn tượng với công chúng.

- Xin cảm ơn ông!

Mai Thi