Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2010 sẽ diễn ra trong 10 ngày

Văn hóa - Ngày đăng : 15:12, 25/03/2010

(HNMO)- Theo thông báo chính thức của Ban Tổ chức, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2010, Lễ hội Đền Hùng sẽ diễn ra trong suốt 10 ngày, từ 14/4 đến 23/4 (tức từ ngày 1/3 đến 10/3 âm lịch) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì và các vùng lân cận. Với quy mô cấp quốc gia, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2010 sẽ được tổ chức trên cả nước


(HNMO)- Theo thông báo chính thức của Ban tổ chức, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2010, Lễ hội Đền Hùng sẽ diễn ra trong suốt 10 ngày, từ 14/4 đến 23/4 (tức từ ngày 1/3 đến 10/3 âm lịch) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì và các vùng lân cận. Với quy mô cấp quốc gia, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2010 sẽ được tổ chức trên cả nước, và là điểm nhấn đầu tiên mở màn cho các lễ hội lớn kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương sẽ diễn ra trang trọng vào đúng 7giờ sáng ngày 10-3 âm lịch. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ chủ trì lễ dâng hương. Tất cả đại biểu tham dự đều sẽ mặc áo dài lễ, riêng Chủ lễ - Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ mặc trang phục quần áo com-plê.

Cùng thời gian đó tất cả các tỉnh, thành cả nước sẽ cùng lúc dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, nhớ về Quốc Tổ. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên toàn quốc sẽ tổ chức Giỗ Tổ không quá 02 ngày tại các khu vực có di tích Đền thờ Hùng Vương.

Lễ khai mạc Lễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương 2010, gắn với khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch các tỉnh Đông Bắc lần thứ VII, sẽ có sự tham gia của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, ngành Trung ương và địa phương. Chương trình khai mạc mang tên “Linh thiêng đất Tổ Hùng Vương”sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 – Đài Truyền hình Việt Nam.

Tiếp theo trong 10 ngày Lễ hội sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và du lịch diễn ra như: giới thiệu ẩm thực dân gian các dân tộc vùng Đông Bắc; các hoạt động văn hoá, thể thao như thi bơi chải, giải quần vợt, giải bóng chuyền; thi nấu bánh chưng, giã bánh dày... Chương trình biểu diễn nghệ thuật hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với chủ đề "Kinh đô Văn Lang - Thăng Long- Hà Nội ngàn năm tỏa sáng"... Bên cạnh đó, rất nhiều triển lãm ảnh được tổ chức giúp người dân tìm hiểu thêm về lịch sử các Vua Hùng: Tư liệu Giỗ Tổ Hùng Vương xưa và nay tại Bảo tàng Khu di tích lịch sử Đền Hùng; Triển lãm sách tư liệu “Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam”; Triển lãm tác phẩm hội hoạ, tranh thờ dân gian các dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc; Trưng bày hiện vật về nhà nước Văn Lang, thời đại Hùng Vương; Triển lãm trang phục dân tộc; Triển lãm tranh mỹ thuật “Các vùng kinh đô Việt Nam”…

Bắn pháo hoa tầm cao vẫn được duy trì vào tối trước ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Thành phố Việt Trì. Màn sử thi võ thuật dân tộc chủ đề “Hào khí đất Việt” sẽ được trình diễn tại Khu di tích Đền Hùng.

Song song với hoạt động của Lễ giỗ Tổ, Ngày hội Đông Bắc lần thứ VII sẽ có 9 tỉnh, thành tham gia với nhiều hoạt động lớn gồm triển lãm sản phẩm làng nghề truyền thống, trình diễn nghệ thuật thư pháp, thả hoa đăng trên hồ Khuôn Muồi và ngã ba sông Bạch Hạc…

Theo bà Nguyễn Thị Kim Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2010, để đảm bảo Lễ hội diễn ra trang trọng và đông vui, BTC đã có phương án đảm bảo an ninh, giao thông cho người dự lễ hội, có kế hoạch quản lý hàng quán, dịch vụ trong khu di tích, lực lượng quản lý thị trường sẽ kiểm tra thường xuyên tránh tình trạng "chặt chém" khách dự lễ hội... Kiên quyết không cấp phép kinh doanh các trò chơi mang tính cờ bạc trá hình.

Bên cạnh đó, năm nay là năm chẵn, với quy mô Lễ hội cấp quốc gia nên BTC cũng dự kiến số người trên khắp cả nước về dự hội sẽ rất đông, hàng vạn người, nên tỉnh cũng đã có phương án tổ chức các điểm đón tiếp tại UBND tỉnh, Trung tâm hội nghị của tỉnh, bố trí chỗ ăn, nghỉ cho khách mời một cách chu đáo.

Tuyết Minh