Cần quan tâm đến nguyện vọng chính đáng của các tiểu thương
Ý kiến - Phản hồi - Ngày đăng : 07:21, 25/03/2010
Từ đầu phố Nguyễn Trãi đến ngã ba cây xăng đường Láng được biến thành nơi bán thực phẩm tươi sống, rau xanh. |
Trong công văn, phía PVFC Invest khẳng định, quá trình thực hiện dự án, Công ty và UBND quận Đống Đa đã tổ chức 3 cuộc họp với "đại diện các hộ kinh doanh" để thông báo việc xây dựng chợ tạm Ngã Tư Sở và dự thảo phương án hỗ trợ các hộ kinh doanh, giới thiệu địa điểm dự kiến làm chợ tạm. Để chứng minh tính xác thực, PVFC Invest gửi kèm theo photo biên bản 3 cuộc họp. Sau khi xem xét tài liệu, chúng tôi nhận thấy, tại cả 3 cuộc họp đó chỉ có từ 10 đến 16 hộ kinh doanh được mời tham dự, liệu có đủ "đại diện" cho hơn 700 tiểu thương tại chợ Ngã Tư Sở? Đề cập đến vấn đề này, ông Trương Văn Thành, chủ hộ kinh doanh điện máy, người có mặt tại 2 trong số 3 cuộc họp cho biết: "Tại cả hai cuộc họp, giấy mời của ban quản lý chợ ghi đích danh tên tôi. Tại các cuộc họp, tôi và một vài chủ hộ kinh doanh chỉ phát biểu một số ý kiến, thắc mắc mang tính cá nhân. Khi chưa được sự ủy quyền trực tiếp của các bà con trong chợ, chúng tôi không thể và không đủ tư cách pháp lý để đại diện cho quyền lợi của bất cứ người nào...". Cùng quan điểm, chị Nguyễn Thanh Hiền, kinh doanh đồ dùng gia đình bức xúc: "Chúng tôi chỉ có một mong muốn là được UBND quận và chủ đầu tư dự án tổ chức cuộc họp với toàn thể các hộ kinh doanh để lắng nghe và giải đáp những thắc mắc của bà con. Thế nhưng cả ba cuộc họp do UBND quận tổ chức, lần nào cũng chỉ có một vài hộ kinh doanh được mời theo kiểu "chỉ định".
Trong khi cuộc họp với hơn 700 hộ kinh doanh chưa được tổ chức, ngày 12-1-2010, UBND quận Đống Đa đã có Thông báo số 06 về chính sách hỗ trợ, di chuyển tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang kinh doanh tại chợ Ngã Tư Sở và dự kiến tiến độ di dời hộ gia đình, cá nhân ra chợ tạm. Ngay sau khi nhận được thông báo, bà con tiểu thương đã đồng loạt gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng. Chỉ riêng trong hai ngày 4 và 5-3-2010, văn phòng HĐND và UBND quận Đống Đa đã tiếp nhận 462 đơn kiến nghị của các hộ kinh doanh tại chợ Ngã Tư Sở, nhưng đến nay các tiểu thương vẫn chưa nhận được bất cứ hồi âm nào của các cơ quan có thẩm quyền.
Trong công văn gửi Báo Hànộimới, PVFC Invest ghi rõ: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, ngày 7-4-2009, UBND quận Đống Đa đã tổ chức cuộc họp với "đại diện các hộ kinh doanh" chợ Ngã Tư Sở để giới thiệu địa điểm dự kiến làm chợ tạm khi xây dựng Trung tâm Thương mại - Chợ Ngã Tư Sở. PVFC cũng khẳng định: "Đây là khu vực có vị trí đẹp và thuận lợi cho các hộ kinh doanh. Dù là tạm, song công ty đã thiết kế, thi công chợ có kết cấu chắc chắn, đầy đủ hệ thống hạ tầng... bảo đảm an toàn khi đưa vào hoạt động". Vấn đề đặt ra là: Vì sao một khu chợ tạm được dựng trên "vị trí đẹp" và "bảo đảm an toàn" lại vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía các hộ kinh doanh? Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tại cuộc họp ngày 7-4-2009 do UBND quận Đống Đa tổ chức chỉ đơn thuần để "giới thiệu địa điểm làm chợ tạm", còn phương án dựng chợ tạm như thế nào, thiết kế ra sao... các hộ kinh doanh không hề hay biết. Chị Trần Thị Minh Lý, kinh doanh quần áo tại chợ cho biết: "Cuộc họp ngày 7- 4, tôi và 13 hộ kinh doanh khác được mời dự hoàn toàn nhất trí với việc dựng chợ tạm ven sông Tô Lịch do phía chủ đầu tư đưa ra.
Về nguyên tắc, trước khi chính thức dựng chợ tạm, chủ đầu tư phải tổ chức họp các hộ kinh doanh và công khai phương án xây dựng chợ để bà con được biết. Việc chủ đầu tư tự ý đưa ra thiết kế bất hợp lý, chia các gian chợ thành hai dãy úp mặt vào nhau, quay lưng ra đường chắc chắn gây khó khăn cho việc kinh doanh của chúng tôi...". Theo thiết kế, khu chợ tạm gồm 790 kiốt, có kết cấu chắc chắn, đầy đủ hệ thống hạ tầng, cấp điện nước, nhà vệ sinh, trần chống nóng... Tuy nhiên, sáng 23-3, khi phóng viên Báo Hànộimới có mặt tại đây, khu chợ tạm vẫn chưa hoàn thành xong việc lắp đặt hệ thống điện, nước, nhà vệ sinh... Toàn bộ trần của các kiốt được lắp đặt bằng tôn nhẹ, không hề có chống nóng. Phần mái tôn được thiết kế theo hướng chếch lên trời và chỉ thò ra khoảng 40cm so với mặt tiền, rất bất tiện cho các hộ kinh doanh đồ khô, quần áo, giày dép... Vào buổi sáng, từ đầu phố Nguyễn Trãi đến ngã ba cây xăng đường Láng được trưng dụng làm nơi bày bán thực phẩm tươi sống, rau xanh... Rác thải từ chợ cóc đổ thẳng xuống gầm các kiốt, lưu cữu, bốc mùi xú uế nồng nặc.
Chủ trương xây dựng Trung tâm Thương mại - Chợ Ngã Tư Sở là đúng đắn, được đông đảo các hộ kinh doanh hoan nghênh. Song để quá trình thực hiện dự án diễn ra đúng trình tự, quy định, bảo đảm tính công khai, dân chủ, đề nghị UBND quận Đống Đa, chủ đầu tư dự án nhanh chóng tổ chức cuộc họp với tất cả các hộ kinh doanh, tiếp thu ý kiến và những kiến nghị, thắc mắc của bà con để kịp thời nghiên cứu, đáp ứng.