Ấn tượng với nét đẹp của một nền văn hóa tưởng tượng
Văn hóa - Ngày đăng : 23:33, 24/03/2010
Một tác phẩm của nghệ sỹ điêu khắc Clare Martin.
(HNMO)- "Những chú thích về một nền văn hóa tưởng tượng” là chủ đề cuộc triển lãm sắp đặt của Clare Martin, nhà điêu khắc Australian vừa khai mạc tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vào chiều ngày 24/3 . Đây là triển lãm thứ 3 của Clare tại Việt Nam và là triển lãm thứ hai của bà tại Bảo tàng Dân tộc học, do Đại sứ quán Australia tài trợ.
Nghệ sỹ Clare Martin đã hợp tác làm việc trong tư cách là "nghệ sỹ cư trú" (artist-in-residence) trong một thời gian dài và đã chịu ảnh hưởng khá nhiều từ các nhà dân tộc học làm việc tại đây.
Triển lãm mô phỏng một nền văn hóa trong tưởng tượng của Clare Martin. Đó là nơi con người không nhất thiết phải sống gần nhau nhưng vẫn có tính cộng đồng rất cao. Đó là nơi con người coi văn hóa là nền tảng cho mọi hoạt động. Ngoài việc cùng chia sẻ sự tưởng tượng với nghệ sỹ, người xem chắc chắn sẽ ngạc nhiên về kỹ thuật điêu luyện và sự tỷ mỷ của Clare Martin khi sáng tác các tác phẩm thu nhỏ cho triển lãm này.
Điều đặc biệt của triển lãm là nghệ sỹ đã sử dụng rất nhiều vật liệu đã qua sử dụng. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng cho dù là một vật bỏ đi cũng vẫn còn có ý nghĩa sử dụng nhất định. Chúng ta nên cân nhắc tận dụng trước khi vứt bỏ bất cứ vật gì để giữ cho môi trường sống của chúng ta trong sạch hơn.
Để chuẩn bị cho triển lãm đặc biệt này, Clare Martin đã bắt đầu thực hiện từ năm 2008. Sau này bà làm các tác phẩm điêu khắc tiếp theo cho triển lãm tại Australia. Trong quá trình làm việc và nghiên cứu tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Clare Martin đã bị ấn tượng mạnh bởi triển lãm mang tên “Chúng tôi ăn rừng”, của nhà dân tộc học người Pháp - Condominas do Musee Orsay thiết kế. Điều ấn tượng nhất đối với bà là cách tái hiện từ sổ ghi chép của nhà dân tộc học Condominas, đặc biệt là những phác họa và biểu đồ nhỏ. Nó tương tự như một cuốn sổ tay của nghệ sỹ vậy. Clare cũng bị ảnh hưởng bởi cuốn sách về văn hóa của dân tộc Cơ-tu của Tiến sỹ Lưu Hùng (Bảo tàng Dân tộc học), bởi nó cho bà hiểu rõ về công việc của một nhà dân tộc học.
Tuy nhiên, Clare Martin là một nghệ sỹ chứ không phải là một nhà dân tộc học, vì vậy bà đã cố tưởng tượng ra một cuộc hành trình khám phá ra một dân tộc chưa được biết tới. Bà tưởng tượng ra những phong tục mới lạ, và cố gắng tạo tác về chúng cho trưng bày tại bảo tàng. Bà thường dùng những vật liệu đã qua sử dụng như hộp nhôm, bởi bà “nhận thấy” rằng dân tộc thiểu số đó đã sử dụng chúng rất nhiều. Họ cũng đã tái sử dụng văn hoá, thậm chí sử dụng nghệ thuật làm nền tảng cho mọi sự vật hàng ngày. Có những dấu hiệu cho thấy rằng những người dân của dân tộc này đã từng làm nghề nông, và những dấu tích của công việc đồng áng vẫn còn sót lại. Nhưng nay họ sống ở vùng ngoại ô của thành phố, và chịu ảnh hưởng của quá trình xâm chiếm thuộc địa. Tại sao chúng ta lại ngưỡng mộ nền văn hoá này? Họ không quá coi trọng quyền lực. Họ sống rải rác, không quá gần nhau nhưng họ lại có tính cộng đồng cao. Những người này rất sáng tạo và có khả năng tận dụng bất cứ vật dụng có sẵn nào. Họ cũng có khiếu hài hước và cũng có thể tự cười chính mình. Chúng ta hãy hi vọng rằng họ vẫn tiếp tục tồn tại.
Kể từ lần đầu tới Việt Nam năm 1991, họa sỹ Clare Martin đã từng làm nhiều chuyến công du và làm việc tại nhiều nơi ở Việt Nam, hai lần tham gia Hội nghị Điêu khắc tại Huế (năm 2006 và 2008), và tiếp theo là một triển lãm tại Australia nơi bà chia sẻ kinh nghiệm về văn hoá Việt Nam (Tìm hiểu Đức Phật, 2006). Clare lần đầu tiên làm việc với tư cách là một nghệ sỹ cư trú tại Bảo tàng Dân tộc học năm 2002, sau đó bà đã dành được học bổng Asialink và đã thực hiện một triển lãm với tên gọi Tự do/Freedom.
Họa sỹ Clare Martin hiện sống ở Canberra, thủ đô của Australia. Công việc của bà tập trung chủ yếu vào các trưng bày sắp đặt tại bảo tàng, như Bộ sưu tập Geller, Bảo tàng về Tình trạng căng thẳng nội địa, và Bất bình thường. Bà là một thành viên của Hội Nghệ sỹ Nghệ thuật Thị giác Quốc gia Australia. Clare hiện đang làm việc cho các studio của Nhóm Nghệ sỹ Quốc gia tại Thủ đô Canberra. Clare thường sử dụng những vật liệu có thể tái chế trong các tác phẩm của mình.
Triển lãm sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học VN- đường Nguyễn Văn Huyên, Q. Cầu Giấy, Hà Nội từ ngày 24/3 đến hết ngày 16/4/2010.