Nguyên, phụ liệu ngành dệt may: Giải bài toán tăng tỷ lệ nội địa
Kinh tế - Ngày đăng : 07:58, 24/03/2010
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty Dệt may Cái Lân. Ảnh: Đàm Duy |
Công ty CP May Phương Đông là một doanh nghiệp (DN) có tỷ lệ làm hàng FOB (DN tham gia vào tất cả các khâu, từ nhập nguyên liệu, thiết kế mẫu cho đến tiêu thụ thành phẩm và chỉ xong trách nhiệm khi hàng được giao lên tàu) tới 95%, song phải sử dụng 60-70% NPL nhập khẩu. Ngoài lý do chính là bị nhà nhập khẩu chỉ định mua NPL của các công ty ở nước ngoài, còn có nguyên nhân là do trong nước thiếu NPL có chất lượng cao. Vì vậy, các đơn hàng XK của công ty chỉ sử dụng khoảng 30-40% NPL trong nước như vải của Tổng Công ty Việt Thắng, chỉ của Công ty TNHH Coast Phong Phú, dây kéo của Công ty CP Phụ liệu may Nha Trang...
Không chỉ May Phương Đông mà nhiều DN may khác cũng có nhu cầu mua NPL trong nước để tiết kiệm chi phí, thời gian… nhằm bảo đảm đúng hạn giao hàng cho đối tác. Không ít DN dệt cũng gặp khó khăn khi tìm kiếm nguyên liệu trong nước. Ông Nguyễn Khánh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt may Hà Nội cho biết, đơn vị phải nhập khẩu hoàn toàn nguyên liệu sản xuất với sản lượng khoảng 20.000 tấn bông, xơ/năm (trị giá 24,5 triệu USD) để sản xuất các sản phẩm như sợi, vải dệt kim, vải jean, khăn… do nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu; sản lượng, diện tích trồng bông còn ít; một số nguyên liệu trong nước sản xuất được nhưng giá lại bằng sản phẩm nhập khẩu trong khi chất lượng không ổn định.
Rõ ràng, nhu cầu sử dụng NPL trong nước của các DN DM là rất lớn và chủ động nguồn NPL trong nước là mong muốn của hầu hết các DN, nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm XK. Tuy nhiên đây là bài toán không đơn giản nhằm đẩy mạnh việc cung cấp nguyên liệu bông, xơ sản xuất trong nước, từng bước đáp ứng nhu cầu bông, giảm nhập siêu, tạo điều kiện để ngành DM tăng trưởng và phát triển ổn định. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển cây bông vải Việt Nam đến năm 2015.
Chương trình đặt ra mục tiêu là đến năm 2015, diện tích cây bông vải đạt 30.000ha và tiếp tục tăng lên hơn 2,5 lần (76.000ha) vào năm 2020. Việc triển khai chương trình này sẽ từng bước giúp các DN DM có thể chủ động nguyên liệu trong nước. Bên cạnh đó, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng đang triển khai xây dựng nhà máy sản xuất sợi tổng hợp ở Khu công nghiệp Ðình Vũ (Hải Phòng). Dự kiến, năm 2012, nhà máy sẽ đi vào sản xuất, đáp ứng 100% nhu cầu xơ, sợi tổng hợp cho ngành dệt. Ngoài ra, Vinatex đang xây dựng 4 khu công nghiệp dệt, nhuộm tại các tỉnh Ninh Bình, Nam Ðịnh, Long An, Trà Vinh nhằm khuyến khích các DN trong, ngoài nước đầu tư sản xuất NPL; nâng năng lực sản xuất của tập đoàn tăng thêm 200 triệu mét vải vào năm 2015.
Để khuyến khích các DN đầu tư vào lĩnh vực này, Vinatex kiến nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn, vì hiện năng lực về vốn của các DN trong nước còn hạn chế, trong khi đầu tư phát triển lĩnh vực này thường đòi hỏi vốn lớn. Các ngành chức năng cần đơn giản hóa thủ tục hải quan, giảm phiền hà cho DN trong việc nhập khẩu NPL phục vụ sản xuất.
Hiện các nguyên liệu trong nước như bông đã đáp ứng được 10%; xơ, sợi tổng hợp: 60%; sợi: 70%; vải: 50%; phụ liệu: 70%. Ðiều này cho thấy, ngành sản xuất NPL trong nước đã tăng trưởng đáng kể và tỷ trọng nội địa hóa trong các sản phẩm DM đã tăng khá trong năm 2009. |