Giải quyết không dứt điểm, bức xúc kéo dài
Đời sống - Ngày đăng : 07:44, 24/03/2010
Chị Lê Thị An, nông dân xã Kim Nỗ (Đông Anh) tần ngần nhìn ra khu ruộng của mình phía bên kia bờ thửa. Gặp chúng tôi, như có cơ hội trút bầu tâm sự, chị cho biết: "Đã hơn năm rồi, ruộng nhà tôi bỏ hoang, không cày, không cấy". Xã Kim Nỗ đón nhận cùng lúc hai dự án xây dựng hạ tầng đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì và đường 5 kéo dài. Đó là niềm vui bởi ai cũng hiểu giá đất sẽ tăng, kinh tế xã sẽ khá dần lên nhờ những dự án như thế. Nhưng bên cạnh những niềm vui đó, một số gia đình không vui vì ruộng đồng bị chia cắt với trạm bơm, mương nước; chưa kể đường dân sinh cũng bị cày xới nham nhở. "Mưa xuống thì khổ lắm anh ơi"- chị An than thở. Theo UBND huyện Đông Anh, nguyên nhân do Ban Quản lý dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội chưa hoàn trả kịp trạm bơm tiêu úng cho người dân.
Cũng chịu ảnh hưởng của dự án đường 5 kéo dài trên địa bàn huyện Đông Anh còn có xã Xuân Canh. Một số tuyến kênh tưới tiêu ở xã này cũng bị dự án chia cắt, buộc nông dân phải bỏ hoang ruộng đất. Cùng cảnh ngộ, tại xã Hải Bối, dự án thoát nước mưa cũng làm hư hỏng hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất của HTX Đồng Nhân và HTX Cổ Điển - Yên Hà. Tại xã Vĩnh Ngọc, dự án công viên cây xanh làm ảnh hưởng tới hệ thống tiêu thoát nước của một loạt xứ đồng Quan Nhôi, Nhà Bếp, Đồng Cỗ. Tại xã Tiêu Dương, dự án cầu Nhật Tân chia cắt đường giao thông "làm khó" nông dân mỗi khi chuyên chở phục vụ mùa màng. Cũng tại xã này, sau khi GPMB dự án đường nối cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài, một số diện tích ruộng nhỏ còn sót lại không có nước canh tác, buộc phải bỏ hoang.
Không chỉ vậy, những tác động đến tiêu thoát nước ngay trong làng và tình trạng bụi bẩn ô nhiễm môi trường mà các dự án gây ra cũng khiến người dân rất bức xúc. Tại xã Hải Bối, chính dự án thoát nước mưa lại làm tắc nghẽn mạng thoát nước sinh hoạt của thôn Cổ Điển. Xã Vĩnh Ngọc còn phải chịu đựng bụi đất cùng lúc của 4 dự án: cầu Nhật Tân, khu tái định cư, đường gom cho đường 5 kéo dài và công viên cây xanh. Dự án khu tái định cư ở xã Tàm Xá làm hư hỏng hệ thống tiêu thoát nước của hai trường học, mỗi khi có mưa lớn, sân trường lại lênh láng nước. Xã Đông Hội cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng khi cùng lúc chịu tác động của hai dự án khu tái định cư Đông Hội và đường 5 kéo dài…
Giải quyết chẳng bao nhiêu
Theo UBND huyện Đông Anh, mặc dù huyện đã làm việc cụ thể với các chủ đầu tư và đơn vị thi công, phối hợp với từng xã để giải quyết nhưng thường chậm và chưa triệt để. Khi thực hiện dự án, các chủ đầu tư đều có cam kết với địa phương sở tại về việc giải quyết nhưng trên thực tế, chủ đầu tư và đơn vị thi công chưa thực sự "nhiệt tình" thực hiện cam kết. Huyện Đông Anh đã chỉ đạo UBND các xã thống kê thiệt hại của người dân để kiến nghị hỗ trợ, nhưng đến nay chưa có kết quả.
Ông Nguyễn Khả Hùng, Bí thư Huyện ủy phải than rằng: "Dự án triển khai mà không lường trước tác động, không có cơ chế giải quyết thiệt hại cho dân khiến chúng tôi lâm vào thế khó. Dân thì bức xúc, còn chúng tôi một mình không xử lý được. Anh Châm (Chủ tịch UBND huyện - PV) đi gặp gỡ đề nghị họ (chủ đầu tư, đơn vị thi công - PV) mà cứ như đi xin. Họ giải quyết rất hời hợt". Ông Nguyễn Khả Hùng kiến nghị thành phố ra tay chỉ đạo làm rõ trách nhiệm giữa huyện với các sở, ngành và các đơn vị liên quan trong nhiệm vụ giải quyết những thiệt hại cho dân mà các dự án gây ra. "Gỡ được khó khăn này sẽ rất có ý nghĩa" - Bí thư Huyện ủy Đông Anh khẳng định.
Những tác động xấu mà các dự án đang gây ra trên địa bàn huyện Đông Anh chiếm tỷ lệ đáng kể trong số những bức xúc dân sinh chưa được giải quyết. Trên toàn địa bàn TP Hà Nội, bức xúc dạng này còn lớn hơn rất nhiều, cần được quan tâm giải quyết. Đây cũng chính là thực hiện mục tiêu của thành phố: coi giải quyết bức xúc dân sinh là trọng tâm công tác.