Khẩn trương khai thông điểm nghẽn

Kinh tế - Ngày đăng : 07:22, 24/03/2010

(HNM) - Kinh tế nông nghiệp, nông thôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Thế nhưng nguồn vốn tín dụng cho lĩnh vực này chỉ chiếm 6,6% tổng vốn cho vay của các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng.

(HNM) - * Nguồn vốn cho nông nghiệp, nông thôn mới chiếm 6,6%
* Xây dựng cơ chế đặc thù, đa dạng hình thức, đổi mới quy chế tín dụng
Kinh tế nông nghiệp, nông thôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Thế nhưng nguồn vốn tín dụng cho lĩnh vực này chỉ chiếm 6,6% tổng vốn cho vay của các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng. Thiếu "bột", không thể "gột nên hồ", ngày 23-3, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Mạnh Hiển đã chủ trì hội nghị triển khai đề án "Hoạt động tín dụng phát triển nông nghiệp và kinh tế ngoại thành" nhằm khai thông nghẽn tắc trong cơ chế vay và cho vay vốn.

Từ nguồn vốn vay của các ngân hàng và tổ chức tín dụng, nhiều hộ nông dân ở xã Nam Hồng (huyện Đông Anh) đã phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: Trung Kiên


Những rào cản từ cơ chế
Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn khu vực ngoại thành có bước chuyển dịch đáng kể, nhiều mô hình sản xuất mới xuất hiện góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Một trong những nhân tố làm nên diện mạo đó là hệ thống ngân hàng cùng các tổ chức tín dụng. Thông qua việc cho nông dân vay vốn, nhiều người đã có cơ hội vươn lên phát triển sản xuất, thoát nghèo và làm giàu.

TS Hoàng Việt Trung, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội có 376 ngân hàng thương mại, công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tất cả tạo thành kênh huy động vốn và cho vay tại chỗ để đưa vốn đến hộ nông dân có nhu cầu. Với chính sách cho vay thông thoáng, các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng đã giúp hàng vạn hộ nông dân đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo mùa vụ, tiếp tục mở rộng ngành nghề, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Trong tổng số 585 nghìn tỷ đồng vốn huy động (tính đến ngày 31-12-2009), các ngân hàng và tổ chức tín dụng đã giải ngân cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn 24,8 nghìn tỷ đồng, trong đó, trồng trọt là 9.000 tỷ đồng, chế biến bảo quản nông, lâm, thủy sản 2.000 tỷ đồng, ngành nghề nông thôn 9.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các ngân hàng chính sách xã hội trên địa bàn cũng tích cực cho các hộ nghèo vay 1.097 tỷ đồng và 275 tỷ đồng cho các chương trình nước sạch nông thôn, giúp cuộc sống của người dân ngoại thành thoát nghèo.

Những con số trên cho thấy hệ thống tín dụng đã trải rộng khắp các miền quê. Nhưng có một thực tế là người dân tiếp cận với nguồn vốn này không dễ. Do vậy, tổng nguồn vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chỉ chiếm 6,6% tổng vốn cho vay của các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng. Theo ông Hoàng Việt Trung, nguyên nhân là do người dân thiếu thông tin về hệ thống tín dụng, lượng vốn cũng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu, dẫn đến khó khăn trong tiếp cận vốn. Bên cạnh đó, cơ chế, thủ tục vay vốn còn rườm rà, phức tạp, món vay nhỏ khiến bà con ngại đến với các tổ chức tín dụng. Nhiều người có phương án đầu tư hiệu quả không được tiếp cận với các chương trình cho vay vốn, tỷ lệ hoàn vốn cho vay còn thấp, kênh tín dụng còn phân tán... Những bất cập này đang là rào cản lớn trong quá trình phát triển thị trường tín dụng nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt với khu vực kinh tế ngoại thành giàu tiềm năng.

Nhờ nguồn vốn vay từ quỹ tín dụng, gia đình chị Phạm Thị Thơm (huyện Thanh Trì) đã đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: Trung Kiên


Xây dựng cơ chế đặc thù
Nhiều ý kiến cho rằng, để tăng cường nguồn tín dụng cho vay khu vực nông thôn cần đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách, trong đó cần sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống ngân hàng và các sở, ngành liên quan. Phó Chủ tịch Hoàng Mạnh Hiển nhấn mạnh, quá trình tái cấu trúc lại nền kinh tế thành phố sau khi mở rộng cho thấy vị trí quan trọng của khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong nền KT-XH chung của Thủ đô. Vì vậy, việc đáp ứng đủ nguồn vốn tín dụng là rất cần thiết để tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống người dân. Theo Phó Chủ tịch Hoàng Mạnh Hiển, tín dụng phát triển nông nghiệp, kinh tế ngoại thành những năm tới phải xác lập được nhu cầu, con số cụ thể trong từng lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cây, con giống mới… "Muốn vậy, công tác dự báo đặc điểm nông nghiệp, kinh tế ngoại thành phải chính xác, đi trước một bước, dựa trên cơ sở tác động của nền kinh tế thế giới, khu vực, trong nước và các vùng kinh tế. Mặt khác, việc đổi mới cho vay tín dụng cũng phải bắt đầu từ cơ chế, chính sách từ trung ương đến thành phố, trong đó phương thức vận hành làm sao để người dân tiếp cận đúng đối tượng nhanh nhất". Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Toàn Thắng đồng tình với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; xây dựng cơ chế riêng và tổ chức thí điểm các hình thức cho vay mới trước khi nhân ra diện rộng. Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, hệ thống ngân hàng, quỹ tín dụng phải đi đầu trong cải tiến, sáng tạo phương thức phục vụ nhân dân.

Ông Hoàng Việt Trung cho biết, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TP Hà Nội đang đẩy nhanh việc soạn thảo Đề án hoạt động tín dụng phát triển nông nghiệp và kinh tế ngoại thành, trong đó giải pháp hàng đầu là đa dạng các hình thức, đổi mới quy chế, quy trình tín dụng. Tuy nhiên, Hà Nội phải xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, có thể nới lỏng hơn những địa phương khác, nhưng vẫn bảo đảm an toàn nguồn vốn vay, đồng thời giúp người dân tiếp cận ngân hàng được dễ dàng. Về lâu dài, phải nghiên cứu, xây dựng cơ chế kết hợp nguồn vốn có sự đóng góp của hệ thống ngân hàng, vốn ngân sách, các quỹ đầu tư và từ nhân dân. "Nếu làm được như vậy, sẽ giảm đáng kể tính rủi ro vì từ trước đến nay, việc đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa thu hút được nhiều đơn vị, doanh nghiệp vì tính rủi ro vẫn khá cao"- ông Hoàng Việt Trung cho biết thêm. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội sẽ rà soát tìm ra các điểm "nghẽn" trong cơ chế, chính sách kể cả với hoạt động vay và cho vay. Có thể cấp xã cũng đứng ra bảo lãnh tín chấp cho các hộ vay vốn của các tổ chức tín dụng.

Hữu Hoài - Chí Đạo