Động lực thúc đẩy hợp tác khu vực
Thế giới - Ngày đăng : 07:32, 22/03/2010
Để đi vào hoạt động chính thức, Quỹ CMIM đã trải qua không ít khó khăn. Quyết định đầu tiên về việc thành lập Quỹ CMIM được đưa ra ngày 22-2-2009 tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN + 3 tại Thái Lan. Tháng 5-2009, các nước ASEAN + 3 đã nhất trí nâng tổng vốn của quỹ này từ 78 tỷ USD lên 120 tỷ USD. Nhật Bản và Trung Quốc (gồm cả lãnh thổ Hồng Công) mỗi nước sẽ đóng góp vào quỹ 38,4 tỷ USD, Hàn Quốc góp 19,2 tỷ USD. Các nước thành viên ASEAN góp 24 tỷ USD (khoảng 20% tổng số vốn). Theo đó, các nước thành viên góp vốn có thể hoán đổi tiền tệ của nước mình sang USD tùy theo mức vốn góp, hay được quyền vay theo hệ số vay tính theo số vốn góp. Nhật Bản, Trung Quốc được hoán đổi tiền nước họ sang USD với mức bằng 50% số vốn góp, tức được vay đến 19,2 tỷ USD mỗi nước.
Việt Nam với 1 tỷ USD góp vốn sẽ được vay đến 5 tỷ USD. Số tiền từ quỹ này được tính theo lãi suất thị trường liên ngân hàng Luân Đôn, được giải ngân trong vòng một tuần khi có yêu cầu trợ giúp từ các thành viên, khoản vay sẽ kéo dài 720 ngày (2 năm).
Quỹ CMIM là sự mở rộng của Sáng kiến Chiềng Mai năm 2009 - sáng kiến cho phép thực hiện các nghiệp vụ hoán đổi tiền tệ song phương giữa các nước tham gia. Đây là bước tiếp theo trong một loạt giải pháp gần đây của các nước ASEAN + 3 nhằm thúc đẩy hợp tác tài chính; trợ giúp các quốc gia thành viên khi gặp khó khăn về cán cân thanh toán hoặc thanh khoản ngắn hạn. Cuộc hợp lực được cho là chưa từng có trong lịch sử khu vực từ trước đến nay không chỉ góp phần giúp các ngân hàng trung ương có đủ tiềm lực tài chính bảo vệ đồng nội tệ, mà còn tạo sự chủ động cho các nền kinh tế khu vực trước những "đòn tấn công" bất ngờ từ bên ngoài, như đã từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, khiến dự trữ ngoại hối nhiều nước cạn kiệt.
Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Quỹ CMIM chính thức đi vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng, góp phần khẳng định vị thế mới của châu Á trong các định chế tài chính quốc tế hiện nay. Trong bối cảnh nhiều đồng tiền châu Á đang bị tác động mạnh do khủng hoảng tài chính, việc đưa Quỹ CMIM đi vào hoạt động được các nước đặc biệt quan tâm. Thông qua quỹ dự phòng này, các nước thành viên có thể nhanh chóng tiếp cận các khoản vay ngoại tệ ngắn hạn trong trường hợp bị khủng hoảng; góp phần giảm bớt sự phụ thuộc vào các khoản trợ giúp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vốn luôn kèm theo các điều kiện ngặt nghèo.
Năm 2010 là năm bản lề quan trọng để ASEAN đẩy mạnh nỗ lực xây dựng Cộng đồng trong 5 năm còn lại. Đây cũng là năm Hiệp hội đẩy nhanh hoàn tất việc đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế cho Cộng đồng ASEAN. Quỹ CMIM đi vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng, giúp ASEAN có thêm sức mạnh đối phó với các thách thức mang tính khu vực và toàn cầu, đặc biệt trong thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính hiện nay. Điều quan trọng hơn nó cho thấy sự hợp tác giữa ASEAN với các đối tác trong khu vực đang phát huy được lợi thế.
Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Haruhôcô Curôđa cho đây là sáng kiến đáng được hoan nghênh, bởi nó sẽ hỗ trợ các nền kinh tế bị sa sút, và quan trọng hơn là bảo vệ các nước nghèo tránh được những tác động xấu nhất từ cuộc khủng hoảng. Theo Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Korn Chatikavani, một thỏa thuận tiền tệ khu vực là có ý nghĩa sống còn "trong việc bảo đảm niềm tin vào các nền kinh tế châu Á". Vì thế, cuộc hợp lực mới sẽ giúp các nước ASEAN + 3 chủ động hơn trong ứng phó với mọi thách thức, sớm đưa nền kinh tế châu Á hồi phục nhanh chóng sau thời kỳ khủng hoảng.