Thương người đi bộ
Đời sống - Ngày đăng : 07:21, 22/03/2010
Lâu dần, người đông lên, phương tiện hiện đại, "cơ giới hóa", người ta mới bổ sung đèn tín hiệu ở giao lộ. Bây giờ thì rất ít giao lộ không có đèn tín hiệu, cứ đi quãng trăm mét là thể nào cũng thấy đèn giao thông. Một khoảng thời gian dài, đèn tín hiệu giao thông làm trọn phận sự của nó, cứ sáng màu lên, tùy xanh - đỏ - vàng mà người đi đường tự biết đã tới lượt mình hay chưa. Người đi bộ cũng được hưởng lợi, nhìn thấy phần đèn dành cho mình sáng màu xanh thì qua đường, vàng - đỏ thì thôi. Dưới lòng đường, người ta kẻ những vạch sơn trắng, nối từ bên này sang bên kia đường, đấy là lối dành riêng cho bộ hành.
2. Từ năm ngoái, nhiều giải pháp được đưa ra để chống ùn tắc, một trong số đó là nắn dòng xe cộ ở một số giao lộ; xe đến những ngã tư ấy thì chẳng cần ngó nghiêng xanh - đỏ - vàng nữa, cứ lừ lừ tiến bởi tiếng là ngã tư nhưng đã không còn có sự giao cắt nữa.
Cho đến giờ, chuyện nắn dòng xe ở giao lộ vẫn được nhiều người nói đến. Người ủng hộ việc nắn, cho là xe cộ thoát nhanh hơn, đỡ ùn tắc; cũng có ý kiến chê bai, chất vấn "chả có thủ đô nào bịt ngã tư lại như Việt Nam". Nhiều người tham gia diễn đàn về cái chuyện nắn - bịt ấy lắm.
Nhưng chả thấy mấy người đặt vấn đề nắn - bịt như vậy thì "số phận" người đi bộ sẽ thế nào. Bởi thế mà hiện tại, ở nhiều chỗ, trước vốn là ngã tư có sự giao cắt hẳn hoi, người đi bộ cứ như gà mắc tóc giữa dòng xe như mắc cửi, bởi chẳng còn lối dành riêng; bịt ngã tư rồi, còn đâu vàng - xanh - đỏ chỉ lối cho họ. Như ở đường Cầu Giấy - Xuân Thủy, dài dằng dặc thế mà cấm có cái đèn tín hiệu nào. Mà nào chỉ có Cầu Giấy...
Thế thì thử hỏi người đi bộ qua đường theo cái kiểu gì cho an toàn?