Chiến thắng lịch sử
Thế giới - Ngày đăng : 06:49, 22/03/2010
Người dân Mỹ luôn khốn đốn vì các khoản bảo hiểm y tế. |
Đảng Dân chủ đã phải sử dụng điều khoản "Quy tắc hòa giải" để thông qua dự luật gây tranh cãi trong nhiều ngày qua. Theo đó, dự luật chỉ cần đa số thường (51%) ủng hộ (thay vì đa số tối đa - 60%), tức là cần sự ủng hộ của 216/435 Hạ nghị sỹ và 51/100 Thượng nghị sỹ. Theo quy định, dự luật còn phải được Thượng viện "gật đầu" trước khi trình lên Tổng thống ký ban hành trong vài tuần tới.
Có được chiến thắng lịch sử này, Tổng thống B.Ôbama đã phải lùi cả chuyến công du châu Á - Thái Bình Dương (tới Ôxtrâylia và Inđônêxia) như dự kiến vào ngày 21-3 đến tận tháng 6 để tập trung vào cuộc "sát hạch" uy tín của ông chủ Nhà Trắng trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới.
Đây không chỉ là thắng lợi đối nội lịch sử của chính quyền Ôbama mà nó còn giúp trả "món nợ" lớn của vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ như từng hứa trước cử tri khi nhậm chức cách đây hơn một năm rằng, ngoài dập tắt khủng hoảng tài chính thì dự luật y tế là ưu tiên hàng đầu.
Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), Dự luật Cải cách y tế vừa được thông qua, trị giá 940 tỷ USD trong 10 năm tới sẽ giúp tiết kiệm cho ngân sách khoảng 1.300 tỷ USD trong vòng 20 năm. Nhà Trắng coi đây là "nỗ lực quan trọng nhất nhằm giảm thâm hụt ngân sách" kể từ khi có Đạo luật Cân bằng ngân sách từ những năm 1990.
Trong bối cảnh Mỹ là quốc gia có chi phí y tế đắt đỏ nhất thế giới (bình quân đầu người khoảng 7.000 USD/năm), trong khi 45 triệu người Mỹ (15% dân số) khó tiếp cận dịch vụ y tế do không có bảo hiểm, cuộc cải cách y tế của ông B.Ôbama được xem là sự thay đổi căn bản về chính sách y tế tại Mỹ trong bốn thập kỷ qua.
Hơn 20 năm qua, cải cách hệ thống y tế luôn là một trong những nội dung chính trong chương trình tranh cử của các tổng thống Mỹ. Giờ đây, hơn lúc nào hết, nước Mỹ đang "tiến rất gần tới việc biến cải cách bảo hiểm y tế thành hiện thực". Tổng thống B.Ôbama đã đạt được tiến bộ về vấn đề này hơn bất kỳ vị tổng thống tiền nhiệm nào.
Dự luật được thông qua sẽ là lần đầu tiên đòi hỏi đa số người dân Mỹ phải có bảo hiểm sức khỏe và trừng phạt các công ty trung bình và lớn nếu không cung cấp bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên. Các bệnh viện, bác sĩ, công ty dược phẩm và các hãng bảo hiểm sẽ có thêm hàng triệu khách hàng, nhưng họ cũng phải điều chỉnh lại cách thức hoạt động; đồng thời buộc các bệnh viện phải hoạt động hiệu quả hơn nếu không muốn phải đóng cửa...
Nghị sỹ Xtini Hâuơ, bang Marilan, nhân vật thứ hai của đảng Dân Chủ tại Hạ viện cho rằng, nền kinh tế Mỹ sẽ mạnh mẽ hơn về lâu về dài nhờ dự luật này. Theo dự kiến sẽ có thêm 30 triệu dân Mỹ được bảo hiểm y tế nhưng phải tới năm 2014 thì bảo hiểm mới thật sự mở rộng. Tuy nhiên, ngay từ năm nay, các hãng bảo hiểm không thể từ chối trẻ nhỏ với lý do tình trạng sức khỏe sẵn có từ trước và cũng không được ấn định một mức giới hạn vĩnh viễn về chi phí bảo hiểm.
Ngay từ buổi đầu, các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa đã phản đối dự luật này vì cho rằng nó quá tốn kém và xem đây là hành động quan liêu của chính phủ xen vào các quyết định y tế của người Mỹ. Trưởng khối thiểu số ở Hạ viện, ông Giôn Bônnơ từng tuyên bố, phe Cộng hòa sẽ "làm tất cả những gì có thể được để dự luật này sẽ không bao giờ, không bao giờ được thông qua"... Nhưng giờ đây, tất cả đã thay đổi.
Tuy Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật, nhưng trước khi "giấc mơ Mỹ" thành hiện thực, trong vài ngày tới, Nhà Trắng còn phải vượt qua thử thách là san phẳng những bất đồng tại Thượng viện, khiến dự luật được thông qua, chuyển tới Nhà Trắng để Tổng thống B.Ôbama ký và ban hành.