Cơn khát của toàn cầu

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:29, 22/03/2010

(HNM) - Hôm nay, 22-3 là Ngày Nước thế giới. Khái niệm ấy thoạt nghe có vẻ xa xôi và có lẽ cũng không có nhiều người dân Việt Nam biết đến. Lại càng có ít người nhận thức rõ ràng về ý nghĩa của nó, dù rằng tất cả chúng ta, không loại trừ ai, đang hằng ngày phải sử dụng nước.

Ngay trước Ngày Nước thế giới, Viện Nước quốc tế Stockholm công bố số liệu: Mỗi năm trên thế giới có hơn 3,6 triệu người (trong đó có 1,5 triệu trẻ em) tử vong vì các bệnh tả, tiêu chảy, kiết lỵ, thương hàn... mà nguyên nhân chủ yếu là do sử dụng nước bẩn. Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh, con số này vượt quá số người chết vì chiến tranh hoặc các thảm họa tự nhiên hằng năm.

Chủ đề Ngày Nước thế giới năm nay là "Nước sạch vì một thế giới khỏe mạnh". Hiện nay cả chất lượng và khối lượng nguồn nước sạch đang bị đe dọa nghiêm trọng. Đây là vấn đề mang tầm thế giới nhưng có tác động đến từng quốc gia, từng cá nhân trên hành tinh này. Thực trạng nguồn nước suy giảm đặt ra một viễn cảnh đen tối đối với hoạt động trồng trọt, an ninh lương thực, cung cấp nước sạch và xử lý nước thải. Tình trạng khan hiếm nước sạch sẽ gây nên những thảm họa và người dân sẽ phải đối mặt với sự khốn quẫn trong đời sống hằng ngày- một báo cáo quốc tế đã cảnh báo như vậy.

Ở Việt Nam, việc cung cấp nước phụ thuộc vào khoảng 2.000 con sông, phần lớn là sông quốc tế nên không tránh khỏi bị động về nguồn.

Thực tế vẫn còn có sự mất cân đối trong sử dụng nước giữa các địa phương trong cả nước và tình trạng lãng phí nước sạch là phổ biến ở các thành phố lớn. Nguồn nước ngầm bị khai thác bừa bãi, cộng với tác động do hạn hán, lũ lụt bất thường đang được coi là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng nước sạch trong thời gian tới. Vấn đề là làm sao để người dân, từ thành thị đến nông thôn, được tiếp cận với nước sạch nhiều hơn, được tham gia nhiều hơn vào việc quy hoạch, cấp thoát nước cũng như định giá nước?

Đã có ý kiến cho rằng, cần phải coi quyền được hưởng thụ nước sạch không kém các quyền khác và cần đưa vào luật như một yếu tố của quyền con người. Khi người dân được cung cấp nước sạch, xã hội sẽ giảm được gánh nặng do các bệnh truyền nhiễm qua nước. Đặc biệt, sự khan hiếm nguồn nước do biến đổi khí hậu, ô nhiễm và sự tăng dân số đang chứng tỏ rằng không ai "miễn dịch" được trước cuộc khủng hoảng về nước. Ngoài ra, nước là mặt hàng thiết yếu, nhưng đáng tiếc là ở hầu hết các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, thì người nghèo, người dân vùng nông thôn, miền núi vẫn đang còn rất ít cơ hội được tiếp cận với nguồn nước an toàn. Ở các đô thị, giá nước sạch vẫn không ngừng tăng lên, hay tình trạng nước bị cúp, bị nhiễm độc (hàm lượng asen và flo cao hơn mức cho phép) khá phổ biến. Công tác quản lý cũng phần nào bị buông lơi. Trách nhiệm của đơn vị cung cấp nước sạch, đơn vị quản lý chất lượng, tiêu chuẩn cho nước sạch dường như vẫn chưa rõ ràng.

Những bất cập nêu trên làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi cộng đồng và có thể làm tăng bất ổn xã hội. Ngay lúc này, Nhà nước cũng như mỗi người dân cần ý thức được trách nhiệm trước "cơn khát" này, bắt đầu bằng cải thiện phương thức sử dụng, có ý thức tiết kiệm nước, nhất là trong tưới tiêu; đổi mới và xây dựng các cơ cấu sản xuất và phân phối nước sạch; bảo vệ và chống ô nhiễm nguồn nước để có thể khắc phục được phần nào tình trạng khan hiếm nước đang diễn ra ngày càng trầm trọng hơn.

Nữ Quỳnh