Người vẽ Hà Nội bằng cả trái tim
Xã hội - Ngày đăng : 14:44, 21/03/2010
Một nghệ sĩ đa tài
Họa sĩ Bùi Tằng Hoàn sinh ra và lớn lên ở phố Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ngày nhỏ, ông học tại trường Nguyễn Trãi, phố Lý Thường Kiệt. Là người giỏi ngoại ngữ, ngay từ lớp 10 ông đã có thể viết văn xuôi bằng tiếng Pháp. Sau này, ông đã từng dịch các truyện ngắn nước ngoài qua 2 ngoại ngữ: Tiếng Pháp và tiếng Anh. Văn phong dịch thuật của ông vừa sát ý, vừa thoáng đạt, dễ lôi cuốn người đọc. Nhiều độc giả còn nhớ các tác phẩm như: “Chú mèo Mắc-xim” (Truyện của Nga qua bản tiếng Anh năm 1978) hay truyện ngắn “Ai đã từng sống” (Truyện của Amênia qua bản tiếng Pháp)… mà ông từng dịch.
Họa sĩ Bùi Tằng Hoàn và bức tranh vẽ phố cổ Hà Nội xưa
Nhưng niềm đam mê hội họa đã thôi thúc ông chọn con đường riêng là theo học tại trường Cao đẳng Mỹ thuật (nay là trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội). Ra trường, họa sĩ Bùi Tằng Hoàn về nhận công tác tại Thái Bình. Đây là lần thứ 2 ông xa Hà Nội sau lần đầu đi sơ tán về vùng tự do. Biết bao kỷ niệm, bao lưu luyến khi xa quê hương nơi chôn rau, cắt rốn, họa sĩ đã tự nhủ với lòng mình: Tạm biệt, hẹn đến tuổi nghỉ hưu tôi lại về!
Hà Nội trong nỗi nhớ
Tuy xa Hà Nội, nhưng hình ảnh quê hương luôn hiện về trong tâm trí hoạ sĩ Bùi Tằng Hoàn. Trong những năm sống tại Thái Bình, ông đã dành tâm huyết sáng tác khá nhiều tranh vẽ về Hà Nội. Không ít đêm ông thức trắng để trải lòng mình với Thủ đô.
Kỷ niệm sâu sắc nhất khi ông xa Hà Nội được mô tả trên bức tranh: “Chia tay Thành phố”. Bức tranh mô tả hình ảnh người mẹ già dẫn dắt đàn con trong những năm Hà Nội chìm trong khỏi lửa, đằng sau là những con phố vắng lặng. Một gam màu trầm, cháy xạm của buổi chiều Đông chiếu lên khuôn mặt bà mẹ già chuẩn bị tạm biệt thành phố. Điểm nhấn trên khuôn mặt người mẹ là đôi mắt vẫn ánh nên một niềm tin tất thắng của ngày trở về.
Tranh ông vẽ về Hà Nội nhiều nhất là các bức họa về phố cổ. Bởi vì: “Tôi rất thích những nét cổ xưa, những con phố trải dài trong im lặng để có chút suy tư, mộng mơ. Phố cổ trong tôi vừa là kỷ niệm, vừa là nét đẹp văn hóa riêng của người Hà Nội”. Đó là những tác phẩm: “Phố trong đêm”, “Hàng Ngang vào xuân”, “Cửa Ô Quan Chưởng”… Họa sỹ Bùi Tằng Hoàn để một góc trang trọng trong nhà treo bức tranh “Hàng Ngang vào xuân” để luôn nhớ về Hà Nội, nhớ về tuổi thơ sống tại quê hương.
Những năm Hà Nội chống giặc Mỹ ném bom, ông sáng tác rất nhiều những bức tranh như: “Tự vệ Hà Nội”, “Trận địa pháo cao xạ bờ Sông Hồng”, “Dân quân tập bắn”… đã góp phần tiếp thêm sức mạnh, tinh thần cho người dân Hà Nội kiên cường chiến đấu. Hoạ sỹ Bùi Tằng Hoàn luôn có một tình yêu đặc biệt với những con người Hà Nội. Trong suy nghĩ của ông: “Người Hà Nội bình dị và nhẹ nhàng, vì vậy muốn vẽ được cái thần của người Hà Nội phải có được tâm hồn và tình yêu sâu sắc mới thể hiện hết được nét đẹp”.
Hà Nội đã có nhiều người vẽ nhưng riêng đối với họa sĩ Bùi Tằng Hoàn, Hà Nội được vẽ trong ký ức tuổi thơ và nỗi nhớ khôn nguôi. Ở tuổi 74, ông không nhớ hết được mình đã vẽ bao nhiều bức tranh về Hà Nội. Ông chỉ mong mình có sức khỏe để tiếp tục sáng tác về nơi mà ông đã dành trọn một tình yêu. Đó là bức tranh của những người muôn năm cũ… Giờ đây gói gọn trong hai từ “nỗi nhớ”, ông nói: “Hà Nội đẹp lắm, nó đẹp trong tim của người con khi xa quê hương”.
Tại nơi quê lúa Thái Bình, nhưng người họa sĩ già vẫn đau đáu với tình yêu Hà Nội
Vẽ Bác và những người dân quê
Họa sĩ Bùi Tằng Hoàn còn là một trong những họa sĩ vẽ tranh Bác Hồ gây ấn tượng. Hình ảnh Bác ở Thủ Đô trong ngày độc lập, Bác với người dân quê lúa Thái Bình trong những lần người về thăm… được ông khai thác sáng tác rất độc đáo và thành công.
Một bức họa của ông vẽ Bác làm rung động bao con tim người dân Thái Bình là hình ảnh Bác Hồ bắt tay tạm biệt người lái đò. Bức tranh mô tảBác đang chào tạm biệt, bắt tay người lái đò chở Bác qua sông để trở về Hà Nội sau chuyến thăm tỉnh Thái Bình lần cuối cùng. Câu chuyện cảm động trong khung cảnh mọi người đi tiễn Bác đã lên hết trên bờ sông, còn một mình Bác đang chờ người lái đò buộc thuyền cho chắc chắn rồi mới lên chào tạm biệt Bác, tạo cho người xem cảm thấy bầu không khí gần gũi lạ thường.
Khi họa sĩ được nghỉ hưu về Hà Nội, Bác đã đi xa, ông vẫn miệt mài vẽ Bác bằng con tim kính trọng của mình. Ông khai thác khía cạnh tình cảm chân thành của Bác đối với những người dân bình thường trong xã hội. Có lẽ trong tim ông cũng mong muốn được may mắn gặp Bác một lần như các nhân vật trong tranh vẽ về Bác của mình.
Tranh của hoạ sĩ Bùi Tằng Hoàn vẽ theo lối tả thực, với cái nhìn thiên nhiên sâu lắng, đượm buồn khiến người xem tranh như rơi vào trạng thái vẩn vơ, suy nghĩ một cái gì đó quen thuộc, nhân văn; không ồn ào chát chúa, không phô trương lộng lẫy, sa hoa. Ông vẽ giản dị, chắt lọc, cái giản dị nâng lên mức giản dị tối đa làm cho tranh nổi ngay chủ đề khiến người xem đi từ ngạc nhiên đến trầm trồ thán phục những nét bút như có thần. Ông vẽ nhiều trên tranh lụa, tranh thuốc nước, bột màu; rất ít tranh sơn dầu, không có tranh sơn mài, có lẽ những thứ đó nó ít phù hợp với tâm hồn nhẹ nhàng của ông.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã mua và lưu giữ rất nhiều tranh của ông, trong đó có bức tranh lụa “Chợ Phiên” mà họa sĩ Bùi Tằng Hoàn đầu tư vẽ rất công phu. Ông vẽ tỉ mỉ theo lối tìm hình chắt lọc, chính vì thế hơn 400 nhân vật (là những người dân quê đi mua sắm trong không khí đông vui náo nhiệt) đã được xen kẽ trong khổ tranh không lớn (50x60cm) mà không nhân vật nào giống nhân vật nào. Nếu không có vốn sống, con mắt quan sát tinh tế và tình yêu những người nông dân chân thành, tha thiết thì có lẽ ông đã không thể mô tả được họ sâu sắc như vậy.
Tranh của ông mang về Hà Nội được công chúng Thủ đô chào đónnồng nhiệt và được nhiều nhà sưu tập trong nước và nước ngoài mua. Năm 1994 ông bán khá nhiều tranh cho các nhà sưu tập Pháp, Đức, Canada, Mỹ.
Đã bao năm nay, họa sĩ Bùi Tằng Hoàn vẽ Hà Nội trong nỗi nhớ quê vẫn âm ỉ cháy trong lòng. Những góc phố cổ rêu phong; con đường thu trải vàng đầy lá rụng; hương hoa sữa thơm đọng trong sương đêm lành lạnh hay gió Hồ Tây lồng lộng, sóng cuộn bạc đầu trong những cơn giông vẫn thường hiện lên trong tranh như một món nợ tình cảm. Lời hẹn năm xưa nay đã thành hiện thực trong tranh. Ông về hưu lại vẽ phố Hà Nội quê hương với tình cảm thiết tha nồng cháy. Những hình ảnh thân yêu, quen thuộc hiện lên sâu lắng trong từng nét vẽ, trong sự hồi tưởng mãnh liệt của người họa sỹ già.